Điểm tin kinh doanh 5/3: Vàng thế giới tăng mạnh, nhà đầu tư mua bán thận trọng

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 05/03/2023

Vàng thế giới tăng mạnh, nhà đầu tư mua bán thận trọng; Số dư Quỹ bình ổn xăng dầu còn 4.617 tỷ đồng

- Vàng thế giới tăng mạnh, nhà đầu tư mua bán thận trọng

Nhờ cú hích tăng giá vào cuối tuần, giá vàng tăng khoảng 1,8% trong tuần qua. Theo giới phân tích, lạm phát vẫn là mối quan tâm với thị trường vàng.

Ngày cuối tuần 4/3, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 66,2- 66,9 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giữ nguyên ở chiều bán ra so với cuối tuần trước.

Hiện nay chênh lệch giá mua- bán đang duy trì ở mức 700.000 đồng/lượng, giảm 100.000 đồng so với tuần trước.

Giá vàng thế giới hôm 4/3 cũng đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần với mức 1.857 USD/ounce, tăng 46 USD/ounce so với cuối giá tuần trước.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại ngày 4/3 mua bán quanh mức 53,45- 54,35 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng so với tuần trước. Chênh lệch mua- bán vàng trang sức cũng được điều chỉnh còn 900.000 đồng/lượng so với mức 1 triệu đồng/lượng ở các tuần trước.

Giá vàng hôm 4/3 ở thị trường trong nước tăng khá ít so với mức độ tăng giá của vàng thế giới. Nhờ vậy khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước thu hẹp.

Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá thấp hơn giá vàng SJC gần 14 triệu đồng/lượng và khá sát với giá vàng trang sức. Do sức mua bán yếu, nên thị trường vàng trong nước đang điều chỉnh, giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra chỉ còn 700.000 đồng mỗi lượng để kích thích các nhu cầu mua sắm vàng.

Khoảng 6 giờ ngày 4/3, giá vàng thế giới đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.857 USD/ounce, tăng mạnh 20 USD so với mức giá cùng thời điểm hôm trước là 1.837 USD/ounce.

Đêm 4/3, giá vàng thế giới biến động trong bối cảnh có nhiều đồn đoán trong tháng 3-2022, Mỹ sẽ không tăng lãi suất vượt quá kỳ vọng của thị trường là 0,25 điểm %. Lập tức, thị trường tiền tệ có phản ứng. Đồng USD giảm giá so với nhiều ngoại tệ khác, tạo động lực cho giá vàng hôm nay đi lên.

Giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.856,5 USD/ounce. Giá vàng giao tương lai tháng 4 trên sàn Comex New York ở mức 1.854,6 USD/ounce

Trong phiên ngày 2/3, Quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã bán ròng 2,6 tấn vàng. Trong chưa đầy 10 ngày, quỹ này đã bán ròng 7,2 tấn vàng.

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay giao dịch ở mức 1.832 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn giao dịch ở mức 1.833 USD/ounce. Việc Fed tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát cao đã cản trở các nhà đầu tư đầu tư vào những tài sản không sinh lời như vàng.

Theo chuyên gia của MSK PAMP, vàng đang được nhà đầu tư giao dịch thận trọng và giằng co để giữ ổn định mức giá đạt được. Xu hướng tăng giá đã bị phá vỡ và vàng gặp rủi ro về mặt kỹ thuật sau khi không giữ được mức 1.850 USD.

Nhờ cú hích tăng giá vào cuối tuần, giá vàng tăng khoảng 1,8% trong tuần qua. Theo giới phân tích, lạm phát vẫn là mối quan tâm với thị trường vàng. Với các diễn biến nóng của lạm phát, các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ mạnh tay với chính sách tiền tệ. Hệ quả dẫn đến là nền kinh tế suy thoái và điều này tốt cho giá vàng.

- Đội tàu biển Việt Nam giảm hơn 400 tàu trong hơn 10 năm

Đội tàu vận tải biển Việt Nam đã giảm hàng trăm tàu trong giai đoạn vừa qua, nhưng tăng về trọng tải và thể tích.

Tin từ Cục Hàng hải VN, đội tàu vận tải biển Việt Nam đang có xu hướng giảm về tổng số lượng tàu. Cụ thể, tính đến tháng 12/2022, tổng số đội tàu biển Việt Nam là 1.477 tàu với tổng trọng tải khoảng 11,6 triệu DWT, tổng dung tích khoảng 7 triệu GT. Số lượng tàu trên đã giảm 17 tàu so với năm 2021.

Trước đó, số lượng tàu năm 2020 so với năm 2016 cũng đã giảm trên 200 tàu, tương đương mức giảm 17,2 %. So với giai đoạn 2010-2015, đội tàu vận tải của Việt Nam đã giảm trên 400 tàu.

Dù giảm về số lượng nhưng tổng dung tích và tổng trọng tải của đội tàu vận tải lại tăng trưởng trên 7%. Xu hướng tăng thuộc về loại tàu có trọng tải lớn.

Trong tổng số tàu biển Việt Nam, đội tàu vận tải là 1.009 tàu với tổng trọng tải khoảng 10,7 triệu DWT, tổng dung tích khoảng 6,4 triệu GT.

Đối với tàu hàng rời, tổng hợp có số lượng 709 tàu, chiếm tỷ trọng 70,3%. Tàu chở dầu, hóa chất có 178 tàu chiếm 17,6%. Tàu chuyên dụng khí hóa lỏng có 21 tàu chiếm 2,1%. Đội tàu container có 43 tàu chiếm 4,3% và tàu chở khách có 58 tàu chiếm 5,7% đội tàu vận tải.

Tuổi tàu bình quân của đội tàu vận tải biển chuyên dụng của Việt Nam là 15,5 tuổi, trẻ hơn 5,4 tuổi so với tuổi tàu thế giới (21,9 tuổi, theo UNCTAD).

Trong đó, nhóm tàu có độ tuổi trung bình trẻ nhất là tàu chở khách (7,9 tuổi), nhóm tàu có độ tuổi cao nhất là tàu khí hóa lỏng (23,6 tuổi). Nhóm tàu container 17,7 tuổi và nhóm tàu dầu hóa chất 17,6 tuổi.

- Số dư Quỹ bình ổn xăng dầu còn 4.617 tỷ đồng

Tính đến hết ngày 31/12/2022, số dư quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn 4.613 tỷ đồng, tổng số trích Quỹ BOG tính riêng trong quý IV/2022 là 2.155 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết ngày 31/12/2022 hơn 4.617 tỷ đồng.

Trong quý IV/2022, tổng số trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu là hơn 2.155 tỷ đồng (từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/12/2022). Lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm trong quý IV/2022 là trên 1,4 tỷ đồng. Lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu dương trong quý IV/2022 là trên 2 tỷ đồng.

Trước đó, số dư Quỹ bình ổn xăng dầu tại thời điểm 30/9/2022 ở mức 2.540,4 tỷ đồng. Như vậy, số dư Quỹ bình ổn xăng dầu đã tăng gấp đôi sau 3 tháng.

Trong đó, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp trích lập nhiều nhất, với hơn 991 tỷ đồng, tiếp đến là PV Oil trích lập hơn 282 tỷ đồng...

Bộ Tài chính cũng cho biết, tổng số tiền sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bình ổn xăng dầu trong quý IV/2022 là 79,2 tỷ đồng.

Việt Báo (Tổng hợp)