Vì sao trào lưu ‘ăn thùng uống vại’ gây sốt trên TikTok
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 12:18, 04/03/2023
Thể loại video ăn thùng uống vại xâm chiếm TikTok. Ảnh: NPR. |
Những clip mukbang quay cảnh một người tiêu thụ một lượng lớn thức ăn, chẳng hạn như bữa ăn 10.000 calo hay ngấu nghiến gần 50 miếng gà rán trong vài giờ không còn xa lạ gì với nhiều người trẻ hiện nay. Thậm chí, họ còn yêu thích những nội dung này và xem chúng trong các bữa ăn để tạo cảm giác ngon miệng.
Trào lưu video này được gọi là “mukbang”, nghĩa là vừa ăn uống vừa ghi hình và có nguồn gốc từ Hàn Quốc vào năm 2008. Các clip ăn thùng uống vại như trên không chỉ phổ biến ở quê nhà mà còn trở thành một hiện tượng toàn cầu, còn được mô tả là "food porn" hay "gastronomic voyeurism" vào năm 2015.
Thảm họa ẩm thực trên TikTok
Những người bắt kịp xu hướng này, được gọi là mukbanger, quay cảnh ăn lượng lớn thức ăn cùng một lúc dưới nhiều hình thức khác nhau từ clip TikTok dài 5 giây đến các video phát sóng trực tiếp suốt hàng tiếng đồng hồ.
Video của họ không chỉ dừng lại ở khối lượng đồ ăn khổng lồ mà còn là những món thảm họa như kẹo mút gà (chicken lollipop), mì Ý kem phô mai socola… hay những nguyên liệu kỳ lạ như ong bắp cày sống, thịt cá mập trắng…
Mukbang dần biến tướng và trở thành trào lưu độc hại trên TikTok. Ảnh: Eater. |
Giải thích về sức hấp dẫn của những video này, Jennifer Katanyoutanant, tác giả loạt phim The Dinner Table, cho rằng các nền tảng số như TikTok, YouTube chính là nguyên nhân chính và lên án trào lưu tiêu thụ lượng thức ăn khổng lồ của giới trẻ.
“Những video nổi tiếng được đề xuất trên trang chủ đã được các tập đoàn, nhà quảng cáo lập trình tinh vi từ trước hòng lôi kéo lượt xem của người dùng”, cô nhận định. Nhờ đó, các mukbanger đã tận dụng thuật toán, kết hợp cùng với những món ăn hiếm lạ, số lượng khổng lồ để chạy theo trào lưu.
“Thị hiếu của cả người xem và người làm video mukbang đều bị thuật toán biến đổi. Ban đầu, thật ra chẳng ai nghĩ mình sẽ yêu thích hay làm những clip có nội nhung như vậy. Nhưng dần dần cùng với thuật toán, họ đã thay đổi”, Katanyoutanant nói.
Sự dễ dãi của thuật toán TikTok
Đặc biệt, với TikTok, sự bùng nổ của những trào lưu ăn uống độc hại đến từ thuật toán đề xuất thẻ “dành cho bạn” của TikTok. Thuật toán này sẽ đề xuất những video có thể người dùng sẽ quan tâm và đang tăng trưởng tốt. Nhưng nguy hiểm nằm ở chỗ bất chấp rủi ro, thuật toán TikTok sẵn sàng chiều chuộng “sở thích” tò mò của người xem.
Benadryl Challenge (thử thách uống thuốc dị ứng để có ảo giác), Skull Breaker Challenge (thử thách bật ngửa để cố tình ngã ra đằng sau), Blackout Challenge (thử thách tự bóp nghẹt mình cho đến khi bất tỉnh)... là những trào lưu độc hại và thử thách chết chóc nhưng lại phổ biến và có vị trí xuất hiện cao trên trang chủ TikTok.
“Thuật toán sẽ lưu giữ bất cứ thứ gì bạn tìm kiếm hay ‘thả tim’ trên nền tảng, hoặc đơn giản là dừng lại, xem hết một clip. Bạn càng tìm những nội dung yêu thích, chúng sẽ càng ghi nhớ và cung cấp các video liên quan cho bạn”, tiến sĩ Nia Williams, đến từ ĐH Bangor (Vương quốc Anh), cho biết.
Theo các chuyên gia, việc làm những video ăn uống quá đà như trên cũng là một chiến lược trong thời đại ai nấy đều muốn có sự chú ý của người dùng như hiện nay. “Khi chúng ta lướt mạng xã hội, những thông tin tiêu cực, gây sốc sẽ thu hút sự quan tâm của chúng ta hơn”, Steve Rathje, nhà nghiên cứu tâm lý học tại New York University, nói.
Những TikToker bất chấp tất cả để kiếm tiền
Theo Today, những mukbanger có thể thu lợi lớn từ những video ăn thùng uống vại đăng trên TikTok, YouTube. MommyTang, sở hữu 496.000 triệu người đăng ký kênh, cho biết nếu nổi tiếng, các mukbanger có thể nhận thêm 100.000 USD/năm thông qua các hợp đồng quảng cáo, khoản thưởng từ các bài đánh giá…
Mukbanger sẵn sàng ăn thùng uống vại để câu view. Ảnh: Sulgi. |
Erik Lamkin, một mukbanger nổi tiếng khác, tiết lộ rằng phần lớn doanh thu của anh đến từ quảng cáo trên YouTube và tài trợ quảng cáo. Nhờ bắt đầu làm video ăn uống, Lamkin đã thu về 258.000 người theo dõi trên YouTube và 30.000 người trên Instagram. Hiện Erik Lamkinn sở hữu 1,28 triệu người đăng ký trên YouTube và 135.000 lượt theo dõi trên Instagram.
Còn ở Hàn Quốc, những người làm video ăn thùng uống vại ở Hàn Quốc lại thường kiếm tiền từ các khoản quyên góp online do người xem, người hâm mộ đóng góp. Theo NPR, trung bình một mukbanger người Hàn có thể kiếm hơn 10.000 USD/tháng nhờ các clip ăn uống.
Mặc dù gây sốt và thu hút một lượng lớn người xem, những video nội dung ăn thùng uống vại dần trở nên biến tướng, gây hại đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Gabie Kook, vlogger nổi tiếng của và từng là MasterChef Hàn Quốc, bày tỏ cô “rất bất ngờ và cảm thấy gớm ghiếc” trước số lượng thực phẩm mà những người này tiêu thụ trên sóng video. Tuy nhiên, cô vẫn chạy theo trào lưu để đáp ứng sở thích của khán giả, có thêm người xem.