Các ngoại trưởng Nga, Mỹ 'ăn miếng, trả miếng' tại hội nghị quốc tế ở Ấn Độ
Tin thế giới - Ngày đăng : 09:31, 04/03/2023
Theo Reuters, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đều đang dự hội nghị Đối thoại Raisina thường niên ở New Delhi, Ấn Độ, sau khi cùng tham gia cuộc họp của các lãnh đạo ngoại giao nhóm G20 hồi đầu tuần này. Bên lề hội nghị G20, ông Lavrov và ông Blinken đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2/2022.
Ông Blinken tuyên bố tại sự kiện Đối thoại Raisina hôm nay (3/3) rằng, nếu quốc tế “cho phép Nga làm những gì họ đang tiến hành ở Ukraine mà không bị trừng phạt”, điều đó sẽ gửi một thông điệp sai lệch tới phần còn lại của thế giới.
Phát biểu sau ông Blinken tại cùng hội nghị địa chiến lược ở New Delhi, ông Lavrov cáo buộc, việc Washington đặt câu hỏi về hành động của Moscow ở nước láng giềng trong khi “viện dẫn mối đe dọa an ninh quốc gia làm cái cớ can thiệp quân sự ở nhiều nơi trên thế giới”, kể cả cuộc chiến ở Iraq, các vụ không kích vào Libya và vụ đánh bom Nam Tư trong cuộc xung đột Kosovo năm 1999 là “tiêu chuẩn kép”.
Theo nhà ngoại giao hàng đầu Nga, câu hỏi khi nào Moscow sẽ đàm phán chấm dứt xung đột nên được đặt ra cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông Lavrov đổ lỗi cho phương Tây “không ngừng nói hiện không phải là thời điểm thương lượng, vì Ukraine phải thắng trên chiến trường trước bất kỳ cuộc đàm phán nào”.
Tại G20, Mỹ và các đồng minh kêu gọi các nước thành viên tiếp tục gây áp lực buộc Moscow phải chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, G20 đã không thể thống nhất về một tuyên bố chung về cuộc khủng hoảng ở Ukraine do sự phản đối của Nga và Trung Quốc.
Ngoại trưởng Nga cáo buộc Washington "đã cố gắng quân sự hóa" nhóm Đối thoại An ninh Bộ Tứ, một quan hệ đối tác giữa Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, vốn được lập ra để tập trung vào các vấn đề chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trước đó trong ngày, ông Blinken đã gặp 3 ngoại trưởng còn lại trong nhóm Bộ Tứ và cùng đưa ra tuyên bố rằng "việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được". Tuyên bố này được tin nhằm đáp trả việc Tổng thống Vladimir Putin cuối tháng trước ra lệnh đình chỉ sự tham gia của Nga vào hiệp ước START mới, thỏa thuận kiểm soát vũ khí nguyên tử cuối cùng còn lại với Mỹ, đồng thời đe dọa sẽ nối lại các vụ thử nghiệm hạt nhân.
Tuấn Anh