Tung ảnh 'nóng' của người tình bị xử phạt thế nào?
Pháp luật - Ngày đăng : 08:40, 04/03/2023
Câu hỏi:
Tôi năm nay 20 tuổi và có quan hệ tình cảm với một người đàn ông 30 tuổi. Ban đầu anh ta nói với tôi là chưa có gia đình nhưng sau đó tôi phát hiện ra anh ta đã có vợ con nên từ đó tôi không quan hệ nữa. Điều quan trọng là trong khi quan hệ tình dục, anh ta đã chủ động quay phim lại mà tôi không hề biết. Sau này, khi anh ta biết tôi muốn lập gia đình với người khác, anh ta doạ sẽ tung "ảnh nóng" của tôi lên mạng xã hội.
Tôi đang rất lo lắng và muốn hỏi luật sư hành vi tung "ảnh nóng” của người khác lên mạng xã hội sẽ bị xử phạt ra sao?
Trả lời:
Hiện nay, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông xã hội và sự tiện lợi của các ứng điện thoại và là thời đại của công nghệ số lên ngôi, bên cạnh đó góp phần cho các thành phần xấu trên đà phát triển, đặc biệt hơn là hành phi phát tán hình ảnh nóng, clip khiêu dâm, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác đang ngày càng gia tăng.
Hành vi tung "ảnh nóng" của người khác lên mạng xã hội là hành vi trực tiếp xâm phạm đến bí mật đời tư và tác động tiêu cực đến cuộc sống riêng tư của người bị vi phạm. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, tùy vào mức độ vi phạm mà hành vi đó có thể bị xử lý hành chính, trách nhiệm dân sự hoặc trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng thì Nhà nước nghiêm cấm việc lợi dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm vào mục đích tuyên truyền, kích động dâm ô, đồi trụy, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Do đó, người nào vi phạm các quy định tại điểm b khoản1 Điều 5 sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về hành vi vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin thì bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi sau: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.”
Căn cứ tại Điều 32, Điều 34 và Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Qua đó, việc tung "ảnh nóng" của người khác lên mạng xã hội là hành vi sử dụng hình ảnh của người khác mà không được sự đồng ý, cho phép của người đó, nên người thực hiện hành vi này đã vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh của người bị vi phạm theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Ngoài ra người bị hại còn có thể được bồi thường thiệt hại được xác định theo khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Tổn thất tinh thần…
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Nếu hành vi tung ảnh nóng lên mạng xã hội này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người bị vi phạm thì tùy vào từng tình tiết của vụ việc mà người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh “Tội làm nhục người khác” được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có mức phạt tù cao nhất lên đến 05 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hoặc Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định với các mức hình phạt cao nhất 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 30 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Như vậy, khi bị tung "ảnh nóng" lên mạng xã hội, người bị hại có thể nộp đơn tố giác đến cơ quan điều tra (Công an quận, huyện) hoặc viện kiểm sát địa phương nơi có tội phạm cư trú hoặc nơi diễn ra hành vi phạm tội.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật