Cuộc chạm trán hiếm thấy giữa 2 "gã khổng lồ" hà mã và tê giác
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 16:05, 03/03/2023
Cuộc chạm trán này được Mike Kirkman - một kiểm lâm làm việc tại Khu bảo tồn Thiên nhiên MalaMala (Nam Phi), ghi lại được khi anh đang làm nhiệm vụ tuần tra vào ban đêm.
Kirkman cho biết đây là lần đầu tiên anh chứng kiến cuộc đụng độ giữa "hai gã khổng lồ" thảo nguyên, bởi vì tê giác và hà mã thường rất ít khi chạm trán với nhau.
Mike Kirkman cho rằng có thể con hà mã đang lên bờ để kiếm ăn và cảm thấy tò mò khi nhìn thấy đàn tê giác xuất hiện ở gần đó nên đã tìm cách để tiếp cận.
Trong khi hà mã thể hiện thái độ khá thân thiện vì chỉ đang tò mò tìm hiểu về đàn tê giác, thì những con tê giác lại rất thận trọng khi thấy một cá thể của loài khác đến gần đàn mình.
Thậm chí, một con tê giác trong đàn đã sử dụng sừng để đe dọa và tìm cách xua đuổi con hà mã.
Tuy nhiên, thay vì xảy ra một cuộc đụng độ nảy lửa hay cuộc chiến sống còn giữa hai con vật to lớn, Mike Kirkman cho biết không có con vật nào bị thương trong cuộc chạm trán này. Có vẻ như đây không phải là một cuộc chiến để tranh giành thức ăn, nước uống hay lãnh thổ mà chỉ là một cuộc gặp gỡ vô tình giữa hà mã và tê giác.
Dù vậy, cuộc chạm trán giữa 2 con vật có kích thước khổng lồ này cũng khiến nhiều người thích thú và ấn tượng, bởi lẽ rất hiếm khi tê giác và hà mã chạm trán trực tiếp với nhau như vậy.
"Hà mã được xem là chúa tể của đầm lầy, trong khi tê giác cũng không hề thua kém về kích thước và sức mạnh, lại có lợi thế về chiếc sừng có thể dùng để húc. Không biết nếu một cuộc chiến xảy ra giữa 2 con vật này, không biết sẽ chấn động đến mức nào?", một người dùng Twitter bình luận sau khi xem đoạn clip.
"Xem xong đoạn clip này tôi nhận ra rằng có vẻ như hà mã đã ăn gì đó bị mắc răng nên chỉ muốn mượn sừng của tê giác để xỉa răng mà thôi", một người dùng Twitter khác hài hước bình luận.
Hà mã và tê giác đều là những loài động vật có kích thước khổng lồ trên thảo nguyên châu Phi. Tê giác trắng là loài động vật sống trên cạn lớn thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau voi. Cá thể tê giác trắng cái trưởng thành có thể nặng 1,7 tấn và con đực trưởng thành có thể nặng 2,5 tấn.
Trong khi đó, những cá thể hà mã trưởng thành có thể nặng từ 1,5 đến 2,3 tấn, cơ thể dài từ 3,5 đến 4m và cao từ 1,5 đến 1,7m. Hà mã cái trưởng thành thường nhẹ hơn con đực từ 200 đến 300kg.
Để giữ cho nhiệt độ cơ thể xuống thấp, hà mã dành phần lớn thời gian, có thể lên đến 16 giờ mỗi ngày, để ngâm mình dưới nước. Do vậy, hà mã có tính lãnh thổ rất cao và thường xuyên xảy ra những cuộc chiến giữa những con hà mã để tranh giành các vũng nước. Những con hà mã thua trận sẽ phải chấp nhận rời bỏ để đi tìm những vũng nước mới cho riêng mình.
Dù không có thiên địch ngoài tự nhiên, số lượng hà mã và tê giác vẫn đang bị giảm sút do môi trường sống bị thay đổi và sự nóng lên của địa cầu. Ngoài ra, tê giác còn bị săn trộm để lấy sừng.
Hiện hà mã đang nằm trong danh sách những loài động vật sắp nguy cấp cần được bảo tồn, trong khi đó tê giác lại thuộc danh sách cực kỳ nguy cấp và có nguy cơ tuyệt chủng.
Theo Kruger/CTW