Điểm tin kinh doanh 4/3: USD tăng giá, vàng lại yếu đi
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 04/03/2023
- USD tăng giá, vàng lại yếu đi
Sau những pha tăng nhẹ đầu tháng 3, giá vàng tương lai đã quay đầu điều chỉnh khi lợi tức trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ tăng và đồng đô la Mỹ tăng giá trên thị trường ngoại hối.
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi giảm 100.000 đồng/lượng trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng ngày 3/3 đảo chiều tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết lần lượt ở mức 66,2 – 66,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 66,2 – 66,9 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng 3/3 tăng 90.000 đồng/lượng so với hôm trước đó, hiện đứng ở mức 53,33 – 54,18 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm nhẹ 0,9 USD xuống 1.835,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng 3/3, giá vàng đảo chiều hồi phục nhẹ lên mốc 1.838,6 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 4/2023 trên sàn Comex New York giảm 4,9 USD xuống 1.840,5 USD/ounce.
Với mức giá khoảng 1.838,6 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 53,61 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 13,31 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 104,94 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm ngày 3/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.637 đồng/USD, giảm nhẹ 1 đồng so với hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.455 – 24.819 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng 3/3 niêm yết ở mức 23.450 đồng/USD ở chiều mua vào và 24.780 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 23.500 – 24.000 đồng/USD.
Sáng 3/3 tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 23.715 đồng/USD và bán ra là 23.765 đồng/USD.
- Cơ quan thuế soát thông tin gần 70.000 đơn vị bán hàng trên sàn TMĐT
Tính đến ngày 27/2, Tổng cục Thuế cho biết đã có trên 280 sàn thương mại điện tử (TMĐT) cung cấp thông tin trên Cổng thông tin TMĐT.
Trong các sàn TMĐT cung cấp thông tin có một số doanh nghiệp chiếm thị phần lớn như Shopee, Lazada, Sendo, Voso... với tần suất theo quý. Các thông tin phải cung cấp theo quy định bao gồm thông tin chung (tên, MST/ĐKKD/CCCD), thông tin liên hệ (email, số điện thoại), địa chỉ kinh doanh, địa chỉ thường trú, nhóm ngành hàng dịch vụ kinh doanh, tài khoản ngân hàng.
Dữ liệu thống kê từ Cổng thông tin TMĐT cho biết đã có 53.585 cá nhân và 16.003 tổ chức đăng ký bán hàng trên sàn với 15,9 triệu lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch là khoảng 5.500 tỷ đồng.
- Xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu khả quan nhờ sự tăng trưởng từ Trung Quốc
Sau khi sụt giảm mạnh trong tháng 1 vì giai đoạn này có kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, bước sang tháng 2-2023, xuất khẩu thủy sản hồi phục trở lại. Riêng thị trường Trung Quốc, giá trị xuất khẩu tăng 33%, lên 122 triệu đô la Mỹ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ước tính tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 2 đạt khoảng 662 triệu đô la Mỹ, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, sau khi mở cửa, xuất khẩu sang Trung Quốc bắt đầu có tín hiệu tích cực. Trong tháng 2, giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tăng 33% lên 122 triệu đô la Mỹ.
Xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc, các nền kinh tế thành viên CPTPP và một số thị trường khác cũng có xu hướng khả quan hơn. Riêng thị trường Hàn Quốc, mức tăng trưởng là 26%, thị trường CPTPP tăng 14%.
Trong khi đó, thị trường Mỹ và EU vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục nên kim ngạch xuất khẩu giảm lần lượt 35% và 8% so với cùng kỳ năm 2022
VASEP nhận định, xu hướng xuất khẩu trong tháng 2 có dấu hiệu khả quan hơn so với tháng trước.
- Thu ngân sách của ngành thuế giảm gần 13% trong tháng 2
Theo Tổng cục Thuế, trong tháng 2, thu ngân sách do ngành thuế quản lý ước đạt 105.200 tỉ đồng, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trang thông tin điện tử Tổng cục Thuế cho biết, tính trong tháng 2-2023, thu ngân sách do ngành thuế quản lý ước đạt 105.200 tỉ đồng, đạt 7,7% dự toán, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2022. Công tác quản lý nợ thuế, thực hiện thu nợ thuế ước đạt 3.100 tỉ đồng.
Xét về hai tháng đầu năm, lũy kế thu ngân sách tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa ước đạt hơn 314.980 tỉ đồng, tăng 16.8% so với cùng kỳ.
Qua số liệu thống kê, có 36/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt mức khá (từ 18% trở lên); có 12 khoản thu, sắc thuế đạt mức khá so với dự toán (đạt từ 18% trở lên) trong tổng số 20 khoản thu, sắc thuế và có 9 trong số 20 khoản thu, sắc thuế thu thấp hơn cùng kỳ.
- 83% doanh nghiệp TP.HCM được khảo sát đang gặp khó khăn
Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM vừa khảo sát hơn 100 DN về tình hình sản xuất kinh doanh 2 tháng đầu năm 2023, kết quả có đến 83% số DN đang gặp khó khăn.
Theo khảo sát, có 41,2% số doanh nghiệp (DN) bị thu hẹp thị trường, hơn 30% DN bị hàng tồn kho nhiều; 17,6% khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng; 40% số DN khó tiếp cận nguồn vốn; 43% chật vật vì lãi suất vay cao, thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian...
Riêng về lực lượng lao động, nhiều DN lớn đang dừng ký hợp đồng lao động với một lượng lớn người lao động vì không có đơn hàng dự trữ.
Khảo sát cũng cho thấy số DN có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng/người, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là tín hiệu báo động của thị trường lao động đối diện nhiều khó khăn sắp tới.
Hiệp hội DN TP.HCM cũng nhận định, khó khăn của DN chưa dừng lại và ngày càng gay gắt hơn. Các DN đang đối mặt với ảnh hưởng của khủng hoảng Nga - Ukraine, suy thoái kinh tế toàn cầu khiến đơn hàng tiếp tục giảm mạnh, giá vật liệu gia công xuất khẩu tăng cao… Trong khi đó, lãi suất ngân hàng cho vay quá cao nên DN hoạt động cầm chừng, cố gắng vượt qua giai đoạn này và hạn chế đầu tư trong năm nay.