Có cần mua ví đặc biệt để bảo vệ hộ chiếu gắn chip?

Nhịp sống - Ngày đăng : 20:19, 02/03/2023

Các dạng mã hóa của mỗi chính phủ giúp bảo vệ thông tin trên chip của hộ chiếu, không cần thêm ví hay ốp bảo vệ.
Từ ngày 1/3 công dân Việt Nam làm hộ chiếu có thể lựa chọn hộ chiếu gắn chip. Ảnh: Hoàng Lam.

“Tôi được bạn bè cảnh báo rằng chip RFID có thể bị kẻ xấu dùng thiết bị đọc trộm, và nếu dùng hộ chiếu mới thì nên dùng kèm các loại ví bảo vệ, tiện dùng luôn cho cả thẻ ngân hàng”, Hải Minh (25 tuổi, Hà Nội), chia sẻ với Zing.

Sau khi Việt Nam phát hành hộ chiếu gắn chip hay hộ chiếu điện tử, một số người dùng muốn chuyển sang loại hộ chiếu này vì tính tiện lợi tại một số điểm xuất nhập cảnh, nhưng lo ngại chip điện tử có thể không an toàn bằng các hộ chiếu truyền thống trong việc bảo vệ thông tin cá nhân.

Gắn trong hộ chiếu là loại chip gì?

Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), hơn 140 tổ chức nhà nước và phi nhà nước hiện cấp hộ chiếu điện tử, với hơn 1 tỷ hộ chiếu đang lưu hành. Gắn trong hộ chiếu là chip RFID, hay chip nhận dạng tần số vô tuyến điện.

ho chieu gan chip anh 1
Chip RFID gắn trong một trang trong một cuốn hộ chiếu Anh. Ảnh: Shutterstock.

Bên trong con chip này là tất cả thông tin như trên hộ chiếu giấy, cùng với đó là dữ liệu sinh trắc học của chủ sở hữu hộ chiếu và chữ ký số của chính phủ, giúp các cơ quan an ninh xác minh rằng thông tin trong chip không bị giả mạo hoặc sửa đổi. Chip này trao đổi dữ liệu với đầu đọc qua tín hiệu tần số vô tuyến.

Tìm hiểu qua mạng, Hải Minh cho biết tìm thấy nhiều sản phẩm “ví bảo vệ RFID” hay “RFID blocking”, “RFID shielding”, hứa hẹn đảm bảo an toàn thông tin cho các loại thẻ, giấy tờ tích hợp chip. “Kẻ xấu chỉ cần dùng đầu đọc và tiếp cận nạn nhân là đã có thể đọc chip RFID, nếu dùng ví chặn sóng RFID thì không”, theo lời giới thiệu của một người bán hàng.

RFID có thể bị đọc trộm không?

Tuy nhiên trên thực tế, khó có thể đọc được chữ ký số và thông tin đã được mã hóa trên chip. “Đưa chip RFID qua đầu đọc chỉ như đưa thẻ vào ATM, bạn vẫn cần có mật khẩu mới truy cập được. Và kể cả khi có mật khẩu, thông tin trên chip cũng đã được mã hóa", Michael Holly, Giám đốc Ban phụ trách các vấn đề quốc tế tại Bộ Ngoại giao Mỹ và là ủy viên ICAO, giải thích.

ho chieu gan chip anh 2
Các thông tin sinh trắc học lưu trên chip hộ chiếu không thể truy cập được nếu không có chìa khóa giải mã. Ảnh: Hoàng Lam.

Mật khẩu và giao thức mã hóa trên chip hộ chiếu được các chính phủ chia sẻ với nhau, để các bên có thể truy cập chip và xác minh thông tin khi hành khách đến biên giới. Với Mỹ, thông tin này được chia sẻ với 52 quốc gia khác, Holly cho biết. Đây cũng là lý do hành khách dùng hộ chiếu điện tử chỉ có thể đi qua cổng kiểm soát nhập cảnh tự động nếu 2 quốc gia đến và đi đã có thỏa thuận về hộ chiếu điện tử.

“Các đầu đọc chip RFID có sẵn, dễ mua, cho phép một người truy cập chip trong phạm vi 2-30 cm, tùy thuộc vào ăng-ten và nguồn điện”, hacker lấy tên Tinker, chuyên gia về thử nghiệm xâm nhập bằng nhận dạng vô tuyến tại Dallas Hackers Association, cho biết.

Tuy nhiên Tinker lưu ý rằng những kẻ tấn công sẽ không có thông tin cần thiết để đọc chữ ký và giải mã thông tin trên chip hộ chiếu, và người dùng không cần lo về việc bị đánh cắp dữ liệu từ vật dụng này.

Những người duy nhất có thể đọc chip trong sổ hộ chiếu là các cơ quan quản lý biên giới đã được chia sẻ mật mã phù hợp, vì vậy không có lý do để mua ví hay ốp chặn tín hiệu RFID.