Các tư liệu nước ngoài viết về Hoàng Sa, Trường Sa

Chủ quyền - Ngày đăng : 07:18, 07/03/2023

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ được ghi chép trong các tài liệu, thư tịch cổ của Việt Nam mà còn được các tư liệu nước ngoài khẳng định thông qua các sách, báo, bản đồ, nhật ký, sách chỉ dẫn hàng hải của các nhà hàng hải cũng như các nhà truyền giáo phương Tây.
Một bản đồ cổ thể hiện chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam còn lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.

Các tài liệu này đã thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa: “là một dải cát ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam... ” tương tự như nó được thể hiện trong các tài liệu và bản đồ cổ của Việt Nam trong cùng giai đoạn lịch sử.

Trên tạp chí Trường Viễn Đông bác cổ của Pháp ở Đông Dương (Bulletin de l' Ecole Francaise d' Extrême Orient, tome XXXVI) năm 1936, có ghi lại nội dung cuốn nhật ký Batavia của Công ty Ấn Độ - Hà Lan ghi chép về sự kiện các tàu biển thuộc Công ty Đông - Ấn bị nạn tại quần đảo Hoàng Sa (thời đó gọi là Pracel) thuộc xứ Đàng Trong thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, 1631 - 1636 như sau:

“Ngày 20 tháng 7, các tàu này rời Vịnh Đà Nẵng, ngày 21 thì gặp bão ngoài khơi, nên lạc nhau. Chiếc tàu Vin - hu - zen tới Đài Loan ngày 2 tháng 8, chiếc Scha - zen tới ngày 10 cùng tháng. Riêng chiếc Grootebroek bị đắm gần đảo Paracel ở vĩ tuyến 17o Bắc. Thương gia Jean de Sormeau cùng 8 thủy thủy đoàn đã hy sinh.  Trong số hàng hóa trị giá 153.690 florins, thì số hàng hóa chìm cùng tàu là 70.695 florins. Phần còn lại được thủy thủ cứu và cất dấu nơi an toàn tại đảo. Thuyền trưởng Huijich Jansen và 12 thủy thủ đi bằng thuyền nhỏ vào duyên hải xứ Đàng Trong….
Thuyền trưởng Jansen làm báo trình về việc thuyền Grootebroek bị đắm tại Paracels và sự tịch thu 23.580 réaux bởi nhà chức trách xứ Đàng Trong.

Hai năm sau, dưới thời Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan (1635 - 1648), ngày 6 tháng 3 năm 1636, hai chiếc tầu Hà Lan khác tới Đà Nẵng. Thương gia Abraham Duijeker tiến về Hội An để gặp quan Trấn thủ; sau đó ông ta đi Thuận Hóa yết kiến Chúa Thượng, để xin giao thương, đặt thương điếm và đòi số tiền 23.580 réaux đã bị tịch thu năm kia.

Để bù vào sự thiệt thòi đó, Chúa Thượng chấp thuận cho người Hà Lan được tự do giao thương với xứ Đàng Trong, và miễn cho họ sắc thuế neo bến và các tặng phẩm.

Vì lẽ đó mà từ năm 1636, một thương điếm của người Hà Lan đã được thiết lập tại Hội - an, lúc đó gọi là Faifo do Abraham Duijeker làm Trưởng điếm”.

Nội dung bức thư của linh mục Tartre gửi cho cha bề trên năm 1701 được in trong cuốn sách “Tuyển tập những bức thư kỳ thú về Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ”, quyển III, tái bản năm 1843 có bổ sung một số ghi chú về địa lý và lịch sử đã mô tả quần đảo Paracels như sau: "Tàu nhổ neo, gió rất thuận và chỉ trong một thời gian ngắn đã đến ngang tây mỏm đá Paracel. Paracel quần đảo thuộc Vương quốc An Nam. Đó là bãi đá ngầm khủng khiếp có đến hàng trăm dặm, rất nhiều lần đã xảy ra các nạn đắm tàu ở đó - Nó trải dọc theo bờ biển xứ Cochinchina, tức là Đàng Trong…".

Năm 1701, Nhật ký hải trình tàu Amphitrite xác nhận một thực tế rằng “… Paracels là một quần đảo thuộc về Vương quốc An Nam. Đó là một bãi đá ngầm thật khủng khiếp có đến hàng trăm dặm, rất nhiều lần đã xảy ra các nạn đắm tàu ở đó... ”.

Năm 1719 đến năm 1786, Pierre Poivre, một giáo sĩ kiêm thương nhân người Pháp, đã nhiều lần qua lại quần đảo Hoàng Sa và đã từng ghi lại trong tác phẩm Mô Tả Xứ Đàng Trong 1749 “… Tôi nghe nói hàng năm nhà vua (chúa Nguyễn) thường cho vài chiếc thuyền ra Hoàng Sa để tìm kiếm những báu vật tự nhiên cho bộ sưu tập của mình…”.

Một cuốn sách khác xuất bản tại Luân Đôn năm 1806 của John Barrow – một phái viên của phái bộ Anh tại Trung Quốc kể lại trong cuốn “Một chuyến đi đến Đàng Trong, vào những năm 1792 - 1793” về một chuyến đi tới Việt Nam của năm 1793, đã mô tả khá chi tiết các loại thuyền mà người Đàng Trong dùng để đi đến Hoàng Sa thu lượm tổ yến.

Jean Baptiste Chaigneau có tên Việt Nam là Nguyễn Văn Thắng, ông lấy vợ là người Việt Nam, từng là người giúp vua Gia Long chống lại phong trào Tây Sơn. Trước khi rời Việt Nam về Pháp, Chaigneau đã được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp, quận công Richelieu viết thư yêu cầu ông này báo cáo tình hình cụ thể về Việt Nam. “Ghi chép về xứ Đàng Trong” (Notice sur la Cochinchine) là bản tường trình về nước Việt Nam đầu thời nhà Nguyễn do Jean Baptiste Chaigneau viết vào tháng 5 năm 1820, khi ông rời Việt Nam về Pháp sau 25 năm sống bên cạnh Vua Gia Long. Ghi chép này được đăng trên “Tạp chí những người bạn cũ của Huế” (Bulletin des Amis du vieux Huế) xuất bản năm 1923. Mở đầu bản tường trình, Chaigneau mô tả về hình thể nước Việt Nam như sau: "Đàng Trong, với vị Chúa đã lên ngôi hoàng đế, gồm xứ Đàng Trong, xứ Đông Kinh, tức Đàng Ngoài cũ… vài hòn đảo có người ở nằm không xa bờ và quần đảo Paracels hợp thành bởi những đảo nhỏ, ghềnh và đá hoang vắng không có người ở. Chỉ đến năm 1816, vị hoàng đế bây giờ mới giành quyền sở hữu quần đảo này".

Sự kiện vua Gia Long xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa qua một nghi lễ cắm cờ trên quần đảo này năm 1816 là một minh chứng cho sự làm chủ Biển Đông và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của triều Nguyễn.

Sự kiện này đã được linh mục Jean - Louis Taberd, vốn là phó linh mục của Đàng Trong và là thông dịch của vua Gia Long viết trong cuốn “Ghi chép về địa dư xứ Đàng Trong” xuất bản năm 1837 như sau: “Quần đảo Pracel hay Paracels là một khu vực chằng chịt những đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát, dường như được kéo dài cho đến 110 vĩ độ Bắc và khoảng 1070 kinh độ Paris… Mặc dù đây là quần đảo chỉ có độc đá ngầm và không gì khác, và độ sâu của biển hứa hẹn những điều bất tiện hơn là thuận lợi, vua Gia Long vẫn nghĩ rằng ông ta đã tăng được quyền thống trị lãnh thổ của mình bằng sự sát nhập đáng thương đó. Năm 1816, nhà vua đã tới và long trọng cắm lá cờ của mình, và đã chính thức chiếm hữu các bãi đá này, với một điều chắc chắn là sẽ chẳng có một ai tranh giành với ông... ”.

Cũng viết về sự kiện vua Gia Long chiếm hữu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cuốn “Thế giới, lịch sử và mô tả về tất cả các dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán: Nhật Bản, Đông Dương, vv... ” của Dubois de Jancigny xuất bản năm 1850, ghi tại trang 555 như sau:

“Chúng tôi chỉ muốn nhận xét rằng từ 34 năm nay (1816 - 1850), quần đảo Hoàng Sa (mà những người An Nam gọi là Cát Vàng), một chốn mê cung chằng chịt những đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát thực sự đã làm những người đi biển kinh hãi và chỉ có thể xếp vào một trong những địa điểm hoang vu cằn cỗi nhất địa cầu, đã bị những người Đàng Trong chiếm giữ. Chúng tôi không rõ liệu họ có một căn cứ ở trên quần đảo hay không (chẳng hạn để bảo vệ nghề cá), nhưng rõ ràng là vua Gia Long đã chủ tâm đính thêm đóa hoa độc nhất vô nhị đó vào vương miện của ông, bởi vì nhà vua đã xét thấy cần thiết phải thân chinh chiếm lấy quần đảo đó, và chính vì thế năm 1816 ông đã long trọng kéo lá cờ xứ Đàng Trong trên mảnh đất này”.

Một tài liệu được lưu trữ trong tu viện Santa Maria al Monet ở thành phố Torino miền Bắc nước Ý đã xác nhận quần đảo Hoàng Sa thuộc về An Nam hay Cochinchine. Đó là quyển Compedio di Geografia (Địa lý Thế giới) của Adriano Balbi nhà nghiên cứu địa lý lừng danh người Ý phần cuối cuốn sách có đoạn “… Thuộc về đế chế này còn có quần đảo Hoàng Sa (Paracel), quần đảo Hải Tặc (Pirate – tức quần đảo Hà Tiên) và quần đảo Côn Sơn (Pulo Condor hay Côn Đảo) ”.

Việc nhà Nguyễn thu thuế của các tàu nước ngoài qua lại khu vực đảo Hoàng Sa được tác giả Gutzlaff, hội viên của Hội địa lý Hoàng gia Luân Đôn ghi lại trong “Tập san của Hội Địa lý ở Luân Đôn” (The Journal of the Geographycal Society of London) năm 1849 như sau: Katvang ở cách bờ biển An Nam từ 15 - 20 lý trải trên vùng biển từ 150 - 170 vĩ độ Bắc, kinh tuyến 111o - 113o, ở đó Vua An Nam đã yêu sách sở hữu các đảo này, kể cả các đảo đá, bãi ngầm nguy hiểm với hàng hải…. Chính quyền An Nam hưởng lợi khi lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế và bảo vệ hoạt động của ngư dân nước mình…”.

Trong cuốn sách “Bức tranh về xứ Đàng Trong” xuất bản năm 1862, Cortambert, phó Chủ tịch Hội Dân tộc học Pháp và Léon de Rosny, Thư ký Thường trực Hội Dân tộc học Pháp đã đưa địa danh Paracels hay Cát Vàng vào trong danh sách nhóm đảo thuộc Việt Nam. Trong phần thứ nhất, địa lý hình thể, dân tộc học và chính trị của xứ Đàng Trong của cuốn sách viết “Xa nhiều hơn bờ biển, đối diện với Huế là quần đảo Paracels hay Cát Vàng, có đầy bãi đá ngầm. Cuối cùng là những dải cát đáng ghê sợ. Maccelesfield nằm ở phía Đông của Paracels”.

Điểm đáng chú ý là ngay trong một số sách cổ của Trung Quốc cũng viết rằng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam. Chúng ta đã từng nhắc đến cuốn sách hết sức nổi tiếng Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán hồi cuối thế kỷ XVII.

Vào giữa thế kỷ 19 thì phải nhắc tới một cuốn sách Hải Lục do Dương Bính Nam, người Gia Ứng soạn thời Đạo Quang, viết lời tựa vào năm Nhâm Dần (1842). Cuốn sách Hải Lục ghi chép về chuyến đi trên biển của Dương Bính Nam, ghi lại những điều mắt thấy tai nghe của một thủy thủ Trung Quốc tên Tạ Thanh Cao viết “Vạn Lý Trường Sa ở về phía tây. Luồng trong và luồng ngoài ngăn cách nhau bằng những bãi cát. Vạn Lý Trường Sa là bãi cát nổi trong biển dài vài ngàn dặm, làm vật che chắn cho nước An Nam... ”.

Các tư liệu của phương Tây và của cả Trung Quốc viết về Hoàng Sa, Trường Sa trong thế kỷ 17, 18, 19 đều phù hợp với các tư liệu cổ của Việt Nam đương thời, trong đó đều thể hiện rõ ràng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam và được vua chúa và các triều đình phong kiến Việt Nam quản lý, khai thác.