Du học sinh Việt chiến thắng cuộc thi công nghệ của Đại học Stanford
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 11:40, 02/03/2023
Hai du học sinh Việt là Cam Nguyen đến từ Đại học Stanford (bang California, Mỹ) và Ryan Trần của Đại học Northeastern (bang Massachusetts, Mỹ) cùng hai đồng đội đã chế tạo một thiết bị mang tên ArticuLab.
Đây là chiếc kính thực tế ảo (virtual reality) giúp người dùng tạo ra một không gian tranh luận ảo giống trong môi trường thật. Thiết bị này được đánh giá là công cụ đắc lực giúp người dùng cải thiện kỹ năng diễn thuyết một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Bằng cách ứng dụng AI trong ChatGPT (một chatbot được phát triển bởi OpenAI, có khả năng đưa ra các câu trả lời chuyên sâu và giống con người nhất), người dùng có thể tranh luận trực tiếp với AI, qua đó rèn luyện duy phản biện cũng như xây dựng lập luận một cách logic.
ArticuLab còn có khả năng đưa ra các nhận xét về tốc độ nói, cấu trúc bài nói, sự minh bạch và ngôn ngữ cơ thể của người dùng.
Những người mắc chứng lo âu xã hội có thể sử dụng ArticuLab để cải thiện sự tự tin khi nói trước đám đông và phản hồi những ý kiến trái chiều. Với khả năng sửa cách phát âm và chọn từ, nó có thể giúp ích cho những người đang cố gắng trở nên thông thạo hơn một ngôn ngữ nào đó.
Nói về quá trình phát triển sản phẩm, Cam Nguyen cho biết, cuộc thi diễn ra trong khoảng thời gian ngắn và số lượng đội thi đông nên tính cạnh tranh là rất khốc liệt.
"Đội em cho rằng, mình phải có ý tưởng độc đáo, bứt phá và đóng góp cho xã hội thì mới có khả năng để lại dấu ấn đối với ban tổ chức.
Vì vậy, trong suốt 36 giờ, chúng em đã nỗ lực tập trung không ngừng để lập trình một sản phẩm có ứng dụng mang tính toàn cầu, với hy vọng nó sẽ có mặt ở khắp mọi nơi trong tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục.
Trước tiên, ArticuLab giúp các bạn học sinh, sinh viên rèn luyện sự tự tin, cải thiện khả năng thuyết trình. Xa hơn nữa, người dùng có thể sử dụng trong môi trường công việc, các buổi trình bày dự án, các cuộc họp,...", Cam Nguyen chia sẻ.
Cam Nguyen thông tin thêm, sau cuộc thi này, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển thêm các tính năng mới, giúp trải nghiệm của người dùng được tối ưu hơn. Bạn trẻ cũng tự tin về khả năng sản xuất và thương mại của sản phẩm trong tương lai.
Trong bối cảnh các công ty lớn trên thế giới cũng đang tích hợp ChatGPT vào sản phẩm của mình để nâng cao tính cạnh tranh, ý tưởng của các bạn trẻ người Việt được đánh giá là sáng tạo và bắt kịp với xu thế công nghệ toàn cầu.
Ngoài ArticuLab, có khá nhiều sản phẩm ấn tượng được phát minh trong cuộc thi như ChartGPT (một công cụ có thể nhanh chóng tạo ra các bảng biểu đẹp phục vụ công việc), Priva (tiện ích mở rộng bảo vệ người dùng khỏi việc bị lộ thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi sử dụng Internet).
Lần đầu tiên được tổ chức trực tiếp sau đại dịch Covid-19, cuộc thi đã thu hút 1.700 sinh viên từ khắp thế giới hội tụ ở Stanford, Mỹ.
Hàng trăm đội thi sở hữu kinh nghiệm ở các lĩnh vực khác nhau đã cùng làm việc liên tục trong 36 tiếng để phát minh ra gần 300 sản phẩm. Trong đó, có hơn nửa số sản phẩm áp dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo). Đây là một xu hướng công nghệ đang được dự đoán sẽ tạo nên nhiều bứt phá trong năm 2023.
Ông Andrej Karpathy - thành viên sáng lập của OpenAI, từng là giám đốc trí tuệ nhân tạo của Tesla chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng với cuộc thi này, nó rất đặc biệt. Các bạn thí sinh như những nhà thám hiểm thực thụ. Tôi yêu sự sáng tạo của các bạn và cảm thấy mình được truyền cảm hứng".
TreeHacks là một cuộc thi được tổ chức bởi sinh viên nhưng được bảo trợ bởi các "ông lớn" từ thung lũng Silicon và các công ty đầu tư mạo hiểm như Meta, OpenAI, Palantir và Y Combinator.
Không những tài trợ tổng giải thưởng lên đến hơn 100.000 USDS (hơn 3 tỷ đồng tiền Việt Nam), nhân dịp này, các công ty lớn cũng tiếp xúc và trò chuyện cùng các ứng viên về cơ hội hợp tác làm việc trong tương lai.