5 điều người dân cần lưu ý đối với hộ chiếu gắn chip điện tử
Nhịp sống - Ngày đăng : 16:43, 01/03/2023
Ngày 1/3, Bộ Công an triển khai cấp hộ chiếu gắn chip điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Theo Bộ Công an, hộ chiếu có gắn chip điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký của người cấp. Đây là một bước cải tiến mới nhằm tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.
Trao đổi với báo Dân trí sáng cùng ngày, Đại tá Trần Khải Hoàn, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP Hà Nội, cho biết, từ trước đó, Phòng đã nhận khoảng 2.000 hồ sơ đề nghị cấp đổi hộ chiếu phổ thông. Vì vậy, để tránh tình trạng quá tải, mất kiểm soát, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã chuẩn bị, triển khai nhiều phương án, kế hoạch.
Cụ thể, Phòng đã bố trí 4 máy thu nhận vân tay và 4 máy tính để thu thập, nhập dữ liệu của người dân. Người dân đến làm thủ tục cũng được phát phiếu thứ tự. Bên cạnh đó, đơn vị cắt cử hầu hết các cán bộ để phân luồng người dân đến làm hộ chiếu. Từ đó, trong sáng 1/3, quá trình làm hồ sơ đăng ký cấp hộ chiếu gắn chip tại Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh diễn ra thông thoáng, trật tự.
Trước nhu cầu làm hộ chiếu rất lớn của người dân, Đại tá Trần Khải Hoàn đưa ra một số khuyến cáo:
Thứ nhất, người dân khi đã có hộ chiếu phổ thông (còn hạn sử dụng trên 6 tháng), thì chưa cần thiết phải làm hộ chiếu gắn chip. Thực tế, giá trị sử dụng của 2 loại hộ chiếu này là như nhau.
Thứ hai, đối với công dân không thể lấy dấu vân tay thì nên làm hộ chiếu phổ thông không gắn chip.
Thứ ba, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh khuyến cáo người dân có thể tiếp cận sử dụng dịch vụ công cấp 4, thì nên làm hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia.
Thứ tư, trong trường hợp không thể kê khai hồ sơ trực tuyến, người dân tuyệt đối không nhờ người lạ, dịch vụ khai hộ. Đại tá Hoàn cho biết, việc này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lộ lọt thông tin, bị kẻ xấu lợi dụng... đồng thời, cũng gây tốn kém cho người dân.
Thứ năm, công dân sinh sống, thường trú, tạm trú ở đâu thì nên đăng ký nộp hồ sơ tại địa phương đó. Lãnh đạo Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, diễn ra tình trạng người dân ở địa phương khác nhưng đăng ký nộp hồ sơ tại Hà Nội, với mong muốn được giải quyết, xử lý nhanh. Tuy nhiên, theo Đại tá Hoàn, việc này vừa khiến Công an Hà Nội quá tải, vừa gây khó khăn cho người dân nếu hồ sơ có sai sót, cần chỉnh sửa.
4 lợi ích cơ bản của hộ chiếu gắn chip điện tử
-Hộ chiếu gắn chip điện tử là điều kiện tiên quyết và là cơ sở để tự động hóa công tác kiểm soát cửa khẩu, tạo thuận lợi cho việc đi lại, xuất nhập cảnh giữa các nước, nhất là các nước có ứng dụng công nghệ nhận dạng sinh trắc học để kiểm soát hộ chiếu điện tử tại một số cửa khẩu quốc tế.
Hộ chiếu gắn chip điện tử có thể lưu được nhiều thông tin của hành khách một cách chính xác và thống nhất về mặt định dạng nên việc làm thủ tục xuất nhập cảnh tại các nước sẽ diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn. Khi công dân sử dụng hộ chiếu này gần như không mất thời gian để cán bộ kiểm soát xuất nhập cảnh các nước kiểm soát, xác thực các thông tin trên hộ chiếu vì mọi thứ sẽ hiện ra nhanh chóng khi đọc hộ chiếu.
Ngoài ra, hộ chiếu điện tử không chỉ lưu trữ các thông tin được viết trên giấy như: họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch… mà còn có khả năng lưu trữ các thông tin sinh trắc học của con người như vân tay, mống mắt, khuôn mặt, nhóm máu… Càng lưu trữ được nhiều thông tin, việc nhận dạng một người càng chính xác. Cán bộ làm công tác kiểm soát xuất nhập cảnh nhanh chóng xác nhận được thông tin của hành khách khi làm thủ tục.
- Người được cấp hộ chiếu gắn chip điện tử sẽ được phía nước ngoài ưu tiên khi xét duyệt cấp thị thực nhập cảnh. Hiện nay, trên thế giới có trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng hộ chiếu điện tử, vì lưu trữ được nhiều thông tin theo một định dạng thống nhất giữa các quốc gia. Chính ưu điểm này, người mang hộ chiếu điện tử thường được các quốc gia ưu tiên cho phép xuất nhập cảnh dễ dàng hơn. Cụ thể như Chương trình miễn thị thực nhập cảnh của Mỹ được áp dụng cho 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với điều kiện người nhập cảnh phải có hộ chiếu điện tử.
- Hộ chiếu gắn chip điện tử có tính bảo mật thông tin cao, vì được lưu trữ trong con chip, rất khó sao chép thông tin. Chính vì vậy, hộ chiếu điện tử có tính bảo mật hơn hộ chiếu giấy thông thường, bảo vệ người mang hộ chiếu trước nguy cơ bị lấy cắp thông tin cá nhân; tránh tình trạng bị làm giả vì thực tế hiện các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang phải đối phó với tình trạng gia tăng sử dụng hộ chiếu, thị thực và các loại giấy tờ xuất nhập cảnh giả mạo để hoạt động phi pháp, như: buôn lậu, di cư bất hợp pháp, khủng bố…; hoàn toàn không có việc định vị theo dõi.
- Việc phát hành hộ chiếu điện tử không những tạo điều kiện cho người dân trong hoạt động xuất nhập cảnh mà còn phù hợp với Chính phủ điện tử tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội; nâng cao vị thế của hộ chiếu Việt Nam, thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt Nam trong khu vực và thế giới.