Ông chủ phở Thìn 13 Lò Đúc viết tâm thư mong khách ăn phở gạt bỏ những ồn ào tranh chấp thương hiệu
Ẩm thực - Ngày đăng : 15:43, 01/03/2023
Giữa những ồn ào tranh chấp thương hiệu phở Thìn Lò Đúc gần đây, thực khách khá bất ngờ khi rất “dễ” gặp nhà sáng lập hàng phở có tuổi đời gần 45 năm này. Tại TP.HCM, nhiều ngày qua, thực khách ghé quán phở ở quận 7 luôn được ông Nguyễn Trọng Thìn ra bàn chào hỏi vui vẻ. Trên fanpage của quán này cập nhật liên tục hình ảnh “nghệ sĩ Thìn” biểu diễn nấu phở phục vụ khách.
Tại Hà Nội, ngày 28/2, nhiều thực khách đến quán phở Thìn 13- Lò Đúc cũng chia sẻ hình ảnh nhà sáng lập quán này chia sẻ với khách hàng, tự tay nấu món phở tái lăn phục vụ khách đến quán.
Và quan trọng nhất, giữa ồn ào tranh chấp những ngày qua, khách đến các quán phở Thìn đông hơn.
Fanpage của quán phở Thìn quận 7 - TP.HCM liên tục cập nhật hình ảnh ông Thìn nấu phở. Thực khách đến quán cũng thường thấy ông ra tận bàn chào hỏi. Ảnh: FBNV
Phở Thìn 13 Lò Đúc bị liên tục bán nhượng quyền
Trên Facebook cá nhân ông Nguyễn Trọng Thìn cũng vừa chia sẻ câu chuyện của mình mà ông gọi là “tâm thư”, làm rõ ồn ào những ngày qua.
“Tôi là Nguyễn Trọng Thìn, chủ nhân duy nhất của thương hiệu Phở Thìn tại số 13 phố Lò Đúc, Hà Nội. Trước quá nhiều thông tin trái chiều và sai sự thật về thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc, tôi thấy mình cần phải lên tiếng, để quý anh chị có cái nhìn sâu hơn về câu chuyện này”, ông Thìn viết.
Theo ông trình bày, từ năm 2019, ông có ủy quyền cho luật sư cá nhân làm thủ tục đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu “Phở Thìn 13 Lò Đúc” (do chỉ có nhãn hiệu mới là đối tượng được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam). Trong thời gian này, bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, là mẹ anh Đoàn Hải Trung tìm đến ông xin nhượng quyền thương mại. Biết ông đang gặp khó khăn về việc đăng ký nhãn hiệu, bà Oanh hứa sẽ nhờ người quen tác động, để đăng ký nhãn hiệu “Phở Thìn 13 Lò Đúc” thành công.
“Sau đó, phía cô Oanh đã thành lập Công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội có tên tôi và Đoàn Hải Trung”, ông Thìn cho biết.
Ông Thìn nói trong suốt thời gian vận hành công ty, anh Đoàn Hải Trung độc chiếm con dấu, không tổ chức họp Hội đồng thành viên, không cung cấp tài liệu pháp lý của công ty, dù ông liên tục yêu cầu minh bạch.
Ông Thìn cho rằng các quán do người tranh chấp với ông bán nhượng quyền thương mại không được đào tạo theo công thức nấu phờ của phở Thìn 13 Lò Đúc. Ảnh: FBNV
Cũng theo chia sẻ của ông Thìn, giai đoạn đầu, trong năm 2021, ông ký hợp đồng nhượng quyền với danh nghĩa Chủ tịch HĐTV cho 3 cơ sở tại Ocean Park, Hải Phòng và Trung Quốc. Tiền thu về nhập vào công ty làm phần vốn góp của ông theo thỏa thuận miệng, không được ghi nhận bằng văn bản có tính pháp lý.
Đến hết năm 2021, đến kỳ công khai tài chính, anh Đoàn Hải Trung không công khai tài chính.
Từ giữa năm 2021 đến nay, anh Đoàn Hải Trung liên tục bán nhượng quyền thương mại cho các đối tác mà không được sự đồng ý của ông. Tất cả các cửa hàng này không được đào tạo về nấu phở theo đúng kỹ thuật, công thức của “Phở Thìn 13 Lò Đúc”. Tiền thu về Đoàn Hải Trung giữ riêng, không công khai, không bàn bạc gì với ông.
“Năm 2022, sau khi tôi chấm dứt quan hệ với anh Đoàn Hải Trung và nộp đơn khởi kiện ra tòa, anh Đoàn Hải Trung đã tự ý thay đổi tên thương hiệu từ ‘Phở Thìn 13 Lò Đúc’ thành ‘Phở VieThin – thương hiệu Phở Thìn 1979 13 Lò Đúc’, đăng trên VTV và bán sang Australia”, ông Thìn viết.
Tôi quyết tâm bảo vệ đến cùng đứa con tinh thần của mình
Theo ông, thậm chí tới 6 ngày trước, ông mới biết đến sự tồn tại của 2 công ty nằm trong "hệ sinh thái Phở Thìn" do anh Trung vẽ ra, là Công ty Hợp danh bảo tồn và phát triển thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc Hà Nội, và Công ty Cổ phần tập đoàn VieThin.
Viết tâm thư, ông Nguyễn Trọng Thìn - người gây dựng thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc nói rằng thực khách ăn phở hãy chỉ tập trung món ăn, đừng quan tâm tranh chấp. Ảnh: TTT
Ông Thìn cho rằng anh Đoàn Hải Trung hiện nay không cung cấp tài liệu pháp lý của công ty theo yêu cầu của ông, nhằm cản trở quá trình khởi kiện. Việc tự ý bán thương hiệu và thay đổi tên thương hiệu, ông đã uỷ quyền cho luật sư tập hợp và lập thành Vi bằng.
Ông còn nói mấy năm qua ông âm thầm “chiến đấu” với mẹ con anh Đoàn Hải Trung bằng giấy tờ, hồ sơ kiện tụng. Ông không muốn lên tiếng trên báo đài, vì mình đã già, không muốn gây ồn ào, thị phi.
Ông nói thêm mình không tinh nhanh công nghệ quảng cáo thời hiện đại, để có thể đi thanh minh trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Và ông cũng thấy việc đó không cần thiết.
“Với thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc, quý anh chị và các thực khách có thể yêu, có thể ghét. Khẩu vị mỗi người một khác. Tôi biết không phải ai cũng đón nhận bát phở Thìn Lò Đúc, vì đây chỉ là một biến tấu của món phở truyền thống. Tôi chưa từng vỗ ngực nhận phở của mình ngon nhất Hà Nội, và cũng không so sánh phở của mình với ai. Đó là cách tôi tôn trọng thành quả của mình.
Hình ảnh với thực khách TP.HCM được cập nhật trên trên trang cá nhân của ông Thìn. Ảnh: FBNV
Đối với tôi, thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc chính là một đứa con tinh thần mà tôi quyết tâm bảo vệ và gìn giữ đến cùng, dù có phải tốn bao nhiêu công sức và phải nhờ đến pháp luật. Không một ai được phép ăn cắp thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc của tôi!”, ông Thìn khẳng định.
Ông nói điều làm ông trăn trở nhất sau tranh chấp với anh Đoàn Hải Trung, là dù đã đăng ký bảo hộ thành công thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc tại Mỹ, Pháp, Indonesia, và sắp tới là Nhật Bản, Saudi Arabia, nhưng ông lại chưa thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình tại chính quê hương, bởi nhiều lý do.
Nhưng sự ồn ào xung quanh thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc mấy ngày nay, là bước ngoặt buộc ông phải làm rõ trắng đen, để bảo vệ thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc do mình sáng lập.
Kết thúc “tâm thư” của mình, ông Thìn nói dù câu chuyện đằng sau diễn ra như thế nào, ông cũng hy vọng sẽ chỉ dừng ở mâu thuẫn giữa con người với con người, không liên quan và cũng không ảnh hưởng gì tới hương vị của từng bát phở. Thực khách hãy chỉ tập trung thưởng thức món ăn và gạt sang bên những câu chuyện tranh chấp.
“Tôi, giống như nhiều đầu bếp khác, chỉ hạnh phúc khi được nấu ăn và được thực khách ghi nhận mà thôi”, ông Nguyễn Trọng Thìn kết thúc tâm thư của mình.