Hiu hắt làng chổi đót
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:02, 16/06/2017
Anh cầm một bó đót đã được buộc thành lọn. Sợi dây kẽm dài, một đầu cột buộc vào vách, một đầu anh buộc vào cán chổi.
Anh kéo sợi kẽm căng cứng rồi bắt đầu bó. Một tay anh cuộn tròn bó đót, một tay anh nhập thêm đót vào và chẳng mấy chốc đã hình thành một cây chổi...
Những công đoạn hình thành cây chổi
Chúng tôi có mặt tại con hẻm 192 Phạm Văn Chí (phường 4, quận 6, TP.HCM) vào một buổi sáng.
Vác đót vào nhà
Trước những căn nhà dọc theo hẻm, mỗi người một đống đót (là loại cây thuộc loại cây mía, trên có bông gồm nhiều cọng nhỏ, dài chụm lại với nhau. Khi bông còn non, xanh và chưa nở hoa thì người ta cắt về phơi khô làm chổi).
Đàn ông, phụ nữ đều yên lặng làm việc. Từng nắm đót được xé nhỏ dồn lại, thân đót họ để riêng thành từng đống.
Những nắm đót đã xé ra được chuyển qua một công đoạn khác, công đoạn làm tua. Đót được xếp bằng, phân loại rồi bắt đầu buộc thành lọn. Ai nấy đều chăm chú vào công việc của mình. Mọi diễn biến xung quanh đều không tác động gì đến họ...
Trong khi đó, bên trong và trước một căn nhà khá rộng, 3 người đàn ông đang tất bật với công việc của mình. Khi những bó đót được buộc lọn xong chuyển qua, họ là người hình thành nên cây chổi.
Công đoạn xé đót
Sợi dây kẽm dài một đầu cột chặt vào vách, một đầu cột vào cán chổi được kéo căng cứng. Cứ thế họ bắt đầu bó.
Một tay họ cuộn tròn bó đót một tay nhập thêm đót vào. Chẳng mấy chốc một cây chổi thô hoàn thành. Có lẽ đây là công đoạn quan trọng nhất của nghề bó chổi.
Chị ngồi dưới mái hiên nhà, xung quanh có khá nhiều chổi thô. Trên tay chị là một nắm kẽm được cắt sẵn. Lấy 2 cọng kẽm, chị lần vào đót và bắt đầu bện. Chị bện khéo và rất nhanh.
Chị là Nguyễn Thị Thu Hồng (45 tuổi), chủ cơ sở làm chổi này. Chị cho biết, nghề chổi đã và đang bước vào thời kỳ suy thoái. So với trước đây thì số người còn gắn bó với nghề chổi chỉ còn lại khoảng 30%.
"Chúng tôi gắn bó với nghề chổi hàng chục năm nay. Nghề này đã nuôi sống nhiều gia đình nên vẫn chưa thể bỏ được", chị nói.
Chị Hồng nói với chúng tôi: "Đót được đưa từ miền trung vào (có thể là ở Gia Lai, cũng có khi đót Quảng Ngãi). Ngày xưa khi nghề bó chổi còn phát triển thì sức cung cấp nguyên liệu rất dồi dào nhưng bây giờ khác rồi...".
Bó chổi, công đoạn quan trong nhất để hình thành cây chổi
Hiu hắt nghề bó chổi
Nghề bó chổi xuất hiện ở khu vực Bình Tiên vào khoảng đầu thập niên 1960 do những lưu dân từ Quảng Ngãi mang vào.
Họ tập trung thành từng nhóm. Đông nhất phải kể đến khu quanh chợ Bình Tiên, đường Phạm Phú Thứ, đường Phạm Văn Chí. Con hẻm 192 này đã có một thời mang danh Xóm Chổi.
Trước đây, ngang qua các khu vực kể trên, người ta có thể thấy hàng trăm bó đót chất đống quanh sân, trước hiên nhà. Vậy mà, hiện nay số hộ còn bám với nghề chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Chị Hồng ngậm ngùi cho biết, thu nhập bình quân một người thợ nữ làm chổi từ 100.000 - 150.000 đồng/ngày. Lao động nam thì trên 200.000 đồng và không quá 300.000 đồng/ngày. Với mức thu nhập như thế, những người thợ nam dần dần bỏ nghề đi kiếm công việc khác. Một bó đót đường kính 1m nặng từ 20kg - 25kg có giá từ 500.000 đến 700.000 đồng. Mỗi cây chổi cần từ 0,3kg - 0,5kg đót. Như vậy một bó đót có thể làm ra được tối đa không quá 70 cây chổi. Cùng với nhân công, giá thành một cây chổi lên cao nhưng giá bán ra quá thấp.
Chổi thô sau khi bó xong
Chị Hồng nói: "Với các khoản chi phí như thế nhưng chổi bán ra chợ chỉ có 30.000 đồng thì chúng tôi còn lời được bao nhiêu? Đây cũng là một trong những lý do khiến thợ chổi bỏ nghề".
Dạo quanh con hẻm 192 và 256 Pham Văn Chí, chỉ còn lác đác chưa đến 10 hộ làm chổi. Một cụ già trong hẻm 256 cho biết, những năm trước, chổi tại vùng này được bán từ Nha Trang vào đến các tỉnh miền tây. Thậm chí có lúc chổi được xuất sang cả Lào và Campuchia, Singapore, Indonesia...
Chị Thu Hồng phụ trách công đoạn bện chổi. Bên cạnh chị là những cây chổi đã hoàn chỉnh.
Tuy nhiên thời vàng son ấy đã qua. Hiện giờ chỉ còn những người còn nặng nợ với nghiệp làm chổi bám trụ thôi. Một mai kia nghề bó chổi chắc sẽ không tồn tại ở mảnh đất này nữa...
Cụ cho biết thêm, trong khi nghề chổi tại đây trở nên hiu hắt thì tại Quảng Ngãi nghề chổi phát triển rất mạnh. Nhờ nguyên liệu tại chỗ, giá nhân công thấp nên những cây chổi xuất phát từ Quảng Ngãi vào làm đảo lộn thị trường. Thêm vào đó, nhiều mặt hàng chổi mới xuất hiện khiến cho mặt hàng truyền thống ngày càng lép vế.
Ông Dương Hùng Nhân, Phó chủ tịch UBND phường 4, cho biết, nhờ nghề bó chổi mà nhiều hộ đã được xóa nghèo và sau đó họ trở thành chủ, tiếp tục cưu mang những người nghèo khác.
Đây là một nghề thủ công truyền thống mà phường cố gắng gìn giữ. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, trước tình hình hiện nay giữ được làng nghề này trong thành phố là cả một vấn đề khó khăn...
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên VietNamNet ngày 16/06/2017
https://vietnamnet.vn/lang-choi-dot-sai-gon-thoi-vang-son-xuat-ngoai-nay-hiu-hat-bo-nghe-378439.html