Chủ tịch Hà Nội: Có phần mềm theo dõi tiến độ công việc từng cán bộ

Nhịp sống - Ngày đăng : 09:02, 01/03/2023

Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch Hà Nội yêu cầu giám đốc các sở cần thực sự sát sao, cơ sở dữ liệu cần phải số hóa nhanh hơn nữa; rà soát lại quy trình, thủ tục hành chính với người dân, doanh nghiệp.

Chiều 28/2, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 18-NQ/TƯ về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Giải quyết trực tuyến cao nhất trong năm 2022 là nhóm cư trú

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, công dân trên địa bàn Thủ đô đã có thể sử dụng toàn bộ 25 dịch vụ công thiết yếu tích hợp trên các Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công thành phố và Cổng dịch vụ công các bộ, ngành.

Chủ tịch Hà Nội: Có phần mềm theo dõi tiến độ công việc từng cán bộ - 1

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó giám đốc Công an TP Hà Nội (Ảnh: H.K).

Trong đó, dịch vụ công có số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến cao nhất trong năm 2022 là nhóm cư trú (thông báo lưu trú trên 302.000 hồ sơ; đăng ký thường trú gần 120.000 hồ sơ); thấp nhất là dịch vụ công về "Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận" với 15 hồ sơ (do mới triển khai từ 26/10/2022).

Có 9/25 dịch vụ công trực tuyến được tiếp nhận và giải quyết hoàn toàn trực tuyến (không có hồ sơ tiếp nhận trực tiếp) gồm: Thông báo lưu trú; Khai báo tạm vắng; Đăng ký khai sinh; Đăng ký kết hôn; Đăng ký khai tử; Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (220/380V); Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện; Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển Đại học, Cao đẳng; Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ).

Đối với nhóm tiện ích phục vụ phát triển công dân số, tính đến tháng 12/2022, toàn thành phố đã thu nhận trên 6,5 triệu hồ sơ cấp Căn cước công dân gắn chíp đối với các trường hợp công dân trong độ tuổi quy định, đã nhận và trả trên 6 triệu thẻ cho người dân.

Lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho rằng khó khăn, vướng mắc hiện nay là việc đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện, chưa tạo được tài khoản đối với người nước ngoài; giao diện cổng dịch vụ công còn phức tạp, khó hiểu, chưa thân thiện với người dùng...

Rà soát lại quy trình, tập trung vào thủ tục hành chính với người dân, doanh nghiệp

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an (Tổ phó thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ) đề nghị Hà Nội cần tích cực số hóa hơn nữa.

"Dữ liệu các nhóm sạch rồi thì số hóa ngay, chưa sạch thì cần khẩn trương làm sạch. Phải quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt để tất cả các bộ phận không yêu cầu dân phải xác nhận bằng giấy tờ", ông Ngọc nói.

Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng cần trang bị công cụ và điều kiện tốt để người dân thực hiện dịch vụ công thuận lợi. Mỗi người đến độ tuổi phải có Căn cước công dân gắn chíp, trang bị chữ ký số, tài khoản an sinh…

"Hà Nội có khoảng 500.000 cán bộ, đến tận thôn xóm. Mỗi người về nhà tuyên truyền cho người thân thì tôi tin số hộ dân ở Hà Nội biết được, hiểu được, từng bước thực hiện được các dịch vụ công sẽ tích cực hơn rất nhiều", Thứ trưởng Bộ Công an nói.

Chủ tịch Hà Nội: Có phần mềm theo dõi tiến độ công việc từng cán bộ - 2

Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội (Ảnh: H.K).

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, Đề án 06 là khâu đột phá của chuyển đổi số quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia là nền tảng của chuyển đổi số và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cốt lõi của nền tảng.

Năm 2023, Hà Nội tiếp tục đặt kỷ cương lên hàng đầu, các nhiệm vụ trong thực hiện Đề án 06 đều được phân công, phân hạn cụ thể. Hà Nội cũng có phần mềm theo dõi đánh giá tiến độ công việc từng cán bộ công chức.

"Các Giám đốc Sở cần thực sự sát sao. Cơ sở dữ liệu cần phải số hóa nhanh hơn nữa để tạo nền tảng thông minh từ đó ra các app, phần mềm. Phải coi đây là việc của sở mình, ngành mình, chứ không của riêng Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội. Hệ thống thông minh hay không là trách nhiệm của các đồng chí", ông Trần Sỹ Thanh nói và yêu cầu rà soát lại quy trình, tập trung vào thủ tục hành chính với dân, doanh nghiệp, tiếp đó số hóa, hiện đại hóa quy trình nội bộ.

Thế Kha