Có nên bỏ thi vào lớp 10?
Nhịp sống - Ngày đăng : 12:10, 28/02/2023
Vĩnh Long và Đồng Tháp là hai tỉnh trong năm nay tiên phong bỏ thi tuyển lớp 10 với kỳ vọng giảm áp lực cho học sinh, tạo cơ hội học tập bình đẳng và cắt giảm tốn kém.
Giảm áp lực, tốn kém
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh bỏ thi tuyển lớp 10 năm học 2023 - 2024, chỉ xét tuyển, nhằm giảm áp lực cho học sinh và cắt giảm tốn kém. Quyết định này địa phương đưa ra dựa trên đại đa số ý kiến đồng ý của phụ huynh, giáo viên.
Để đảm bảo công bằng, minh bạch trong xét tuyển, Đồng Tháp vẫn lập hội đồng xét tuyển, phúc khảo tuyển sinh như các năm trước.
Tỉnh Đồng Tháp, hiện hơn 23.400 học sinh lớp 9. Dự kiến khoảng 70% tổng số học sinh sẽ xét tuyển lớp 10 năm học 2023 - 2024. Những học sinh không trúng tuyển sẽ học nghề hoặc học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, trường trung học phổ thông có tổ chức dạy học theo chương trình giáo dục thường xuyên.
Đây là năm đầu tiên Vĩnh Long thực hiện xét tuyển lớp 10 các trường THPT công lập và dân tộc nội trú tỉnh. Chỉ riêng trường chuyên tuyển sinh bằng cả hai hình thức xét tuyển và thi tuyển.
Theo bà Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, hình thức xét tuyển mang tính ổn định, đánh giá được cả quá trình 4 năm học của các em ở cấp THCS. Điều này sẽ tạo điều kiện để định hướng cho các em có thái độ, tinh thần học tập ở cấp trung học phổ thông. Bỏ thi tuyển cũng giúp giáo viên, học sinh giảm áp lực thi cử.
Học sinh có thể tự tính được điểm xét tuyển theo công thức của Sở GD&ĐT, đăng ký vào các trường cho phù hợp và cơ hội trúng tuyển cao hơn. Sở sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tổ chức các hoạt động giáo dục ở các trường; kiểm tra, đánh giá học sinh định kỳ để đảm bảo công tác dạy và học, đánh giá đúng kết quả học thật của các em.
Có nên bỏ thi tuyển vào lớp 10?
Đây không phải lần đầu tiên các địa phương quyết định không thi tuyển mà tổ chức xét tuyển vào lớp 10. Gần nhất, năm học 2021 - 2022, do dịch COVID-19 phức tạp khó để tổ chức kỳ thi vào lớp 10 nên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM chọn phương án xét tuyển vào lớp 10.
TS Hoàng Đình Thảo, chuyên gia giáo dục cho rằng, một số địa phương địa bàn rộng, lượng học sinh đông như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương... buộc phải tổ chức thi tuyển để phân luồng, còn các nơi khác nên xem xét phương án xét tuyển vào lớp 10. Việc bỏ thi tuyển chuyển sang xét vào lớp 10 sẽ có nhiều ưu điểm.
Thứ nhất, từ năm 2022, khi lên bậc THPT học sinh sẽ bắt nhịp vào chương trình giáo dục phổ thông mới với 4 môn bắt buộc và 9 môn tự chọn. Nội dung tập trung chủ yếu định hướng cho học sinh, không nặng về phân môn hay phân ban như trước đây. Do đó nếu vẫn bắt buộc học sinh thi tuyển vào lớp 10 sẽ chỉ thêm gánh nặng và không cần thiết khi bước vào chương trình mới.
Thứ hai, nếu chỉ thông qua một kỳ thi để tuyển chọn và đánh giá phân loại học sinh vào các trường thì không thoả đáng. Kết quả 4 năm học THCS là minh chứng rõ nét nhất cho cả quá trình học tập, rèn luyện của các em, nên lấy đó làm căn cứ để xét vào các trường THPT thay vì điểm thi một bài môn học.
Thứ ba, việc xét tuyển vào lớp 10 sẽ giảm áp lực học tập cho học sinh và cả các bậc phụ huynh. Tại nhiều tỉnh thành, ngoài học trên lớp, các em học sinh còn phải tham gia luyện thi do trường tổ chức hay các lớp học thêm với lịch trình dày đặc, kín mít để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Thứ tư, việc tổ chức thi tuyển tốn kém một nguồn kinh phí không hề ít cho các địa phương. Phụ huynh lại thêm gánh nặng tài chính khi phải đầu tư cho con ôn luyện trong nhiều tháng. Vì vậy, các địa phương hoàn toàn có thể tính toán đến phương án xét tuyển để tiết kiệm thời gian và công sức.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, việc thi 3 hay 4 môn không đánh giá toàn diện học sinh mà chỉ mang ý nghĩa tuyển chọn, chỉ kiểm tra năng lực một số môn học. Điều này dẫn đến tình trạng học lệch coi trọng các môn thi và xem nhẹ môn học khác.
Về lo lắng xét tuyển sẽ xảy ra tình trạng làm đẹp học bạ, tiến sĩ Lâm nói "thi cử cũng có những gian lận, chứ chưa nói đến xét tuyển. Đây là điều khó tránh khỏi, nhưng chỉ là số ít".
Hiện hệ thống dữ liệu kết quả học tập của học sinh đã được số hoá và đồng bộ. Kết quả kiểm tra, đánh giá của học sinh qua từng học kỳ được nhập liệu lên hệ thống, hạn chế được việc sửa, chạy học bạ. Do vậy, rất khó để sửa điểm, làm đẹp học bạ, hạn chế được tối đa tiêu cực khi xét tuyển vào lớp 10 bằng hình thức xét tuyển.
Theo quy định tại Thông tư 03 của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2019, tuyển sinh vào lớp 10 THPT sẽ có 3 phương thức: Xét tuyển, thi tuyển, vừa thi vừa xét tuyển. Việc lựa chọn hình thức được giao cho UBND cấp tỉnh quyết định và chỉ đạo thực hiện trên nguyên tắc minh bạch, công bằng và đảm bảo quyền lợi học sinh.