NATO sẽ có 'cam kết mới' về chi tiêu quốc phòng?
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 09:16, 28/02/2023
Trang mạng Defense News mới đây dẫn lời ông chủ Lầu Năm Góc cho biết, trong khi các cuộc thảo luận về "từ ngữ chính xác" vẫn đang tiếp tục, "cam kết mới" sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại thủ đô Vilnius của Litva vào tháng 7 tới đây.
Theo Bộ trưởng Austin, các nước thành viên NATO đang "nâng cấp các kế hoạch quốc phòng, đặt các lực lượng ở mức độ sẵn sàng chiến đấu cao hơn". "Tại Vilnius, các nhà lãnh đạo của chúng tôi sẽ nhất trí về một cam kết mới đầu tư cho quốc phòng nhằm bảo đảm liên minh có đủ nguồn lực để thực hiện các kế hoạch mới. Chúng tôi trông đợi cùng hợp tác với các đồng minh quan trọng nhằm bảo đảm tất cả chúng tôi cùng đầu tư nhiều hơn cho nền an ninh chung", Bộ trưởng Austin phát biểu với báo giới.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (bên phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ), ngày 15-2. Ảnh: AP |
Hồi năm 2006, các nước thành viên NATO đã nhất trí về mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng nhằm bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của liên minh quân sự. Mục tiêu được đưa ra trong bối cảnh tổng chi tiêu quốc phòng của các nước thành viên NATO cộng lại (trừ Mỹ) chưa bằng 1/2 của Washington.
Tình trạng mất cân đối này được NATO thừa nhận là "đã diễn ra liên tục, với những thay đổi về số liệu, trong suốt lịch sử của liên minh", nhất là khi Mỹ tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng kể từ sau vụ khủng bố 11-9-2001. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 kéo theo việc nhiều nước thành viên NATO giảm nguồn lực cho quốc phòng đã khiến tình trạng trên trở nên trầm trọng hơn.
Tới năm 2014, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở xứ Wales (Anh), các nhà lãnh đạo NATO nhất trí rằng những nước thành viên nào đã đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng thì sẽ "tiếp tục thực hiện", trong khi các nước thành viên khác sẽ "ngừng mọi đợt cắt giảm" và "đặt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng trong vòng một thập niên".
Như vậy, xét theo quyết định mà Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi năm 2014 đưa ra thì chỉ còn chưa đến một năm nữa để tất cả các nước thành viên cùng đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2024. Tuy nhiên, theo Defense News, đến năm ngoái, NATO ước tính mới chỉ có 9 nước thành viên đạt mục tiêu này và 18 nước thành viên "có kế hoạch" đạt mục tiêu trong khi Mỹ chi 3,47% GDP cho quốc phòng-nhiều hơn tổng chi tiêu quốc phòng của 29 nước thành viên NATO còn lại.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây cũng lên tiếng hối thúc các nước thành viên dành ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. Theo ông Stoltenberg, điều này "hiện càng đúng hơn bởi vì chúng ta đang sống trong một thế giới nguy hiểm hơn".
"Tôi cho rằng chúng ta nên chuyển từ việc xem con số 2% GDP là mức trần sang xem nó là mức sàn. Chúng ta cần cam kết ngay rằng chi 2% GDP cho quốc phòng chỉ là mức tối thiểu khi chúng ta nhận thấy được nhu cầu đối với đạn dược, phòng không, huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu và các năng lực tốn kém", Tổng thư ký NATO nhấn mạnh.
Theo Defense News, mặc dù NATO hiện đang thảo luận về một mục tiêu mới cho chi tiêu quốc phòng như Bộ trưởng Austin đề cập nhưng một số giới chức NATO cho biết "không có sự đồng thuận vững chắc". Không có khả năng Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius tới đây sẽ "đem đến một sự gia tăng về con số phần trăm". Thay vào đó, các nước thành viên NATO có thể nhất trí lặp lại cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng nhưng "với ngôn từ mạnh mẽ hơn".
Tạp chí Politico dẫn lời một số nhà ngoại giao châu Âu cũng cho biết, một số nước thành viên NATO "sẵn sàng cam kết mức hơn 2%" nhưng "một số nước châu Âu lại không sẵn sàng ủng hộ một con số mới". "Khả năng lớn nhất" là Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius tới đây sẽ nhất trí xem việc chi 2% GDP cho quốc phòng chỉ là mức sàn và như vậy "đã là một bước tiến".
Trong một bài viết trên Tạp chí Foreign Policy, hai chuyên gia Kathleen J.McInnis và Daniel Fata tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington cho rằng, các nhà lãnh đạo NATO nên "đặt ra những câu hỏi khó hơn" về cách thức sử dụng nguồn tài chính và chia sẻ gánh nặng an ninh thay vì "bị ám ảnh ai đóng góp phần của mình một cách công bằng".
Việc tập trung vào mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng sẽ chỉ "làm tổn hại nghiêm trọng" vai trò của NATO cũng như sự ủng hộ dành cho liên minh. "NATO cần có những cuộc thảo luận chiến lược thực sự về cách thức hoạt động và hiện đại hóa. Việc tập trung vào mức độ chi tiêu những đồng dollar và euro sẽ bỏ sót điều lớn hơn này", hai chuyên gia McInnis và Fata viết.
Trong khi đó, tờ Politico dẫn lời Giáo sư John Manza thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ nhận định, không có mối liên hệ trực tiếp nào "giữa việc chi tiền với năng lực cũng như khả năng sẵn sàng chiến đấu". Theo Giáo sư Manza, "thật nguy hiểm" khi cam kết nhiều nhưng lại thực hiện không được bao nhiêu.
HOÀNG VŨ