Nokia: 'huyền thoại' bước sang trang sử mới

Công nghệ - Ngày đăng : 15:06, 27/02/2023

Nokia vừa công bố thay đổi nhận diện thương hiệu lần đầu tiên sau gần 60 năm và "trình làng" logo mới. Đây được cho là cột mốc đánh dấu thời kỳ phát triển mới của nhà sản xuất thiết bị viễn thông, hướng tới tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Đổi logo, đổi chiến lược kinh doanh

Ngày 26/2, trước thời điểm Đại hội Thế giới Di động (MWC) hàng năm khai mạc tại Barcelona, Nokia đã công bố bộ nhận diện thương hiệu mới.

Theo đó, hãng đã từ bỏ logo cũ với kiểu chữ in đậm và font màu "yale blue" đặc trưng, để thay bằng một thiết kế mới đầy màu sắc và bao gồm năm hình dạng khác nhau tạo thành từ NOKIA. Theo công ty, giao diện mới hiện đại và có tính kỹ thuật số hơn bộ nhận diện cũ.

Giám đốc điều hành Pekka Lundmark nói với Bloomberg: "Trong suy nghĩ của hầu hết mọi người, chúng tôi vẫn là một thương hiệu điện thoại di động thành công, nhưng đây không phải là mục tiêu của Nokia. Chúng tôi muốn ra mắt một thương hiệu mới tập trung rất nhiều vào mạng và số hóa công nghiệp, đây là điều hoàn toàn khác với hãng điện thoại di động cũ”.

Trong thông báo được đăng tải trên website của công ty, Nokia cho biết hãng đang cập nhật chiến lược của mình. Điều này thể hiện mục tiêu của hãng là phát triển hoạt động cung cấp dịch vụ, bán thiết bị cho các công ty viễn thông và bán thiết bị cho các doanh nghiệp khác.

CEO Nokia Lundmark thì cho biết doanh nghiệp này đã có mức tăng trưởng 21% vào năm ngoái trong lĩnh vực kinh doanh, chiếm khoảng 8% doanh thu của hãng, tương đương khoảng 2,11 tỷ USD.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thay đổi nhận diện thương hiệu dường như cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới hãng, dù dòng chữ Nokia cổ điển đã trở thành một phần quen thuộc với quá nhiều khách hàng. Bởi lẽ, hoạt động kinh doanh điện thoại của Nokia không còn là một phần của hãng kể từ khi Microsoft công bố ý định mua lại bộ phận thiết bị và dịch vụ của công ty trị giá 7 tỷ USD vào năm 2014.

Mặc dù sau đó "gã khổng lồ" công nghệ Microsoft đã từ bỏ thương vụ này vào năm 2016 và HMD Global (một công ty được thành lập bởi các cựu giám đốc điều hành của Nokia) đã giành được quyền sử dụng thương hiệu Nokia cho điện thoại thông minh và máy tính bảng và đã tự kinh doanh kể từ đó.

Được biết, Nokia đang xem xét lộ trình tăng trưởng của các mảng kinh doanh khác nhau và xem xét các giải pháp thay thế, bao gồm cả việc thoái vốn. Việc Nokia hướng tới tự động hóa nhà máy và trung tâm dữ liệu cũng được đánh giá là có thể dẫn tới tình trạng họ phải cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn, chẳng hạn như Microsoft và Amazon.

"Sẽ có nhiều trường hợp, đôi khi họ sẽ là đối tác của chúng tôi, là khách hàng và chắc chắn sẽ có những tình huống họ là đối thủ cạnh tranh", ông Lundmark nhấn mạnh.

Đúng chiến lược đã vạch ra

Sau khi tiếp quản Nokia năm 2020, CEO Pekka Lundmark đã vạch ra chiến lược 3 giai đoạn: Khởi động lại, tăng tốc và mở rộng. Khi giai đoạn khởi động lại đã hoàn tất, ông Lundmark cho biết đang bước vào giai đoạn hai.

Mặc dù Nokia vẫn đặt mục tiêu phát triển hoạt động kinh doanh là nhà cung cấp dịch vụ với việc bán thiết bị cho các công ty viễn thông, song trọng tâm chính của Nokia hiện nay là bán thiết bị cho các doanh nghiệp khác.

Các công ty công nghệ lớn đang bắt tay với các nhà sản xuất thiết bị viễn thông như Nokia để bán thiết bị cho các nhà máy tự động hóa và mạng riêng 5G cho khách hàng, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất.

Nokia cho biết, công ty có kế hoạch xem xét lại lộ trình tăng trưởng của các mảng kinh doanh khác nhau và cân nhắc phương án thay thế, không loại trừ khả năng thoái vốn. Ông Lundmark nhấn mạnh Nokia chỉ muốn kinh doanh cùng các doanh nghiệp mà hãng có thể thấy khả năng hoạt động trên toàn cầu.

Việc Nokia hướng tới tự động hóa nhà máy và trung tâm dữ liệu cũng sẽ giúp hãng cạnh tranh với các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Microsoft và Amazon.

Lĩnh vực thiết bị viễn thông đang chịu sức ép do tình hình kinh tế vĩ mô gặp biến động. Nhu cầu tại các thị trường có tỷ suất lợi nhuận cao như Bắc Mỹ ngày càng thấp, trong khi Ấn Độ với tỷ suất lợi nhuận kém lại ghi nhận sự tăng mạnh.

"Ấn Độ là thị trường phát triển nhanh nhất của chúng tôi với tỷ suất lợi nhuận thấp. Đó là sự thay đổi về cấu trúc", lãnh đạo của Nokia chia sẻ. Dù vậy, ông Lundmark vẫn kỳ vọng thị trường Bắc Mỹ sẽ phục hồi vào nửa cuối năm nay.

Sẽ “đi ngược chiều” trong thế giới sản xuất smartphone?

Hầu hết những gã khổng lồ như Apple và Samsung đều sản xuất điện thoại ở châu Á để cắt giảm chi phí, HMD sẽ hãng smartphone lớn đầu tiên đưa ra lựa chọn khác biệt.

HMD Global, nhà sản xuất điện thoại Phần Lan và là người thừa kế thương hiệu điện thoại di động Nokia, cho biết trong một thông cáo báo chí rằng họ hiện đang trong giai đoạn đầu tiên của quá trình sản xuất và thử nghiệm điện thoại thông minh ở châu Âu.

Động thái này được nhằm đáp ứng “nhu cầu gia tăng của khách hàng” đối với các thiết bị được sản xuất tại địa phương, một phần do những lo ngại về bảo mật và tính bền vững của cả người dùng doanh nghiệp và người tiêu dùng, HMD cho biết.

Thông báo được đưa ra 4 năm sau khi HMD Global tiết lộ họ đang chuyển các trung tâm dữ liệu của mình sang châu Âu để đáp ứng các quy định về dữ liệu của EU, do đó việc chuyển hoạt động sản xuất sang khu vự này được coi là một bước tiến tự nhiên, không phải điều gì quá bất ngờ.

Cái tên HMD Global bắt đầu nổi lên vào năm 2016 sau khi cùng với một công ty con của công ty Foxconn (Đài Loan, Trung Quốc) ký thỏa thuận cấp phép độc quyền trị giá 350 triệu USD với Microsoft để sản xuất điện thoại thông minh và máy tính bảng mang nhãn hiệu Nokia.

HMD Global được thành lập bởi các cựu nhân viên của Nokia vào chính ngày ký kết thỏa thuận, với kỳ vọng làm sống lại những sản phẩm của nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới Nokia Oyj.

Thương vụ này được coi là một món hời đối với MHD Global vì Microsoft đã phải chi ra 5 tỷ USD để mua lại bộ phận sản xuất điện thoại và các dịch vụ liên quan của Nokia, đồng thời bỏ thêm 2,18 tỷ USD để mua lại các bản quyền sáng chế của công ty này.

Với thỏa thuận này, Microsoft chuyển tất cả tài sản điện thoại phổ thông của mình, bao gồm thương hiệu, phần mềm và dịch vụ, hợp đồng khách hàng và thỏa thuận cung cấp cho công ty con FIH Mobile của Foxconn và HMD Global.

HMD đã sử dụng các bằng sáng chế điện thoại còn lại của Nokia và các cơ sở sản xuất của Foxconn để xây dựng một dòng điện thoại thông minh mới nhằm cạnh tranh với các nhà sản xuất điện thoại Android giá rẻ khác.

Công ty có trụ sở tại Helsinki, Phần Lan, đã huy động được 330 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm từ những tên tuổi lớn như Google, Qualcomm và chính Nokia.

Cũng như hầu hết các hãng điện thoại di động khác, HMD Global cho đến nay vẫn dựa vào châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ để sản xuất. Tuy nhiên, công ty muốn tạo sự khác biệt hơn nữa trong một không gian bao gồm các công ty giàu tiềm lực như Samsung, Google và Apple.

Việc sản xuất ở châu Âu mà HMD Global vừa tuyên bố không có nghĩa là công ty sẽ từ bỏ thị trường châu Á. Theo ông Lars Silberbauer, giám đốc marketing của công ty, đây là một phương tiện để thu hút khách hàng mới có nhu cầu nội địa hóa rất cụ thể ở khu vực châu Âu.

Việc sản xuất và vận chuyển dự kiến sẽ bắt đầu ngay sau quý III/2023 với điện thoại thông minh 5G nhằm vào “các ngành có ý thức bảo mật” và sẽ được cung cấp dưới dạng sản phẩm B2B.

Hôm 25/2, HMD Global cũng giới thiệu 3 mẫu điện thoại thông minh là Nokia G22, Nokia C32 và Nokia C22 với thời lượng pin 3 ngày. Công ty cũng cho biết họ sẽ bắt đầu sửa chữa điện thoại di động với sự hợp tác của công ty sửa chữa iFixit.

- Sản xuất smartphone bảo mật hơn

Câu hỏi đặt ra là HMD Global sẽ lựa chọn địa điểm nào ở châu Âu làm nơi sản xuất các sản phẩm mới của mình. Phần Lan có thể là một sự đánh cược tốt vì đó là nơi đặt trụ sở chính của công ty.

hmd.jpg

“Thật không may, do khách hàng của chúng tôi làm trong nhiều ngành có ý thức bảo mật khác nhau nên chúng tôi không được phép cho bất kỳ ai biết chúng tôi đang sản xuất các thiết bị này ở quốc gia nào, chỉ đơn giản là để giữ an toàn nhất có thể”, ông Silberbauer giải thích vì sao HMD không thể tiết lộ vị trí chính xác của các nhà máy.

Tuy nhiên, ông Silberbauer đã tiết lộ một số thông tin xung quanh quy trình sản xuất ban đầu, đồng thời xác nhận rằng HMD Global sẽ vẫn hợp tác chặt chẽ với các đối tác hiện tại của mình ở châu Á.

“Về cơ bản, đối tác hiện tại của chúng tôi ở Trung Quốc sẽ thu thập nguyên liệu và tiến hành các bước bảo mật ban đầu trước khi chuyển đến các đối tác sản xuất của chúng tôi ở EU. Các đối tác tại châu Âu sẽ hoàn thành việc lắp ráp, hiệu chỉnh và kiểm tra thiết bị, kiểm tra phần cứng và cụ thể là kiểm tra bảo mật phần mềm”, ông Silberbauer chia sẻ.

HMD Global cũng đang sử dụng mô hình sản xuất phân tán mới này để quảng bá thông tin về tính bền vững của mình. Ông Silberbauer lưu ý rằng đây là một trong những lý do tại sao việc di chuyển cơ sở sản xuất hiện tại khỏi châu Á, nơi HMD Global đã có một lượng lớn khách hàng là không hợp lý.

“Sẽ không hợp lý nếu chúng tôi sản xuất tất cả điện thoại của mình ở châu Âu, bởi vì cả thị trường và người tiêu dùng của chúng tôi không ở châu lục này. Theo quan điểm bền vững, tốt nhất là duy trì hoạt động sản xuất ở những khu vực có người tiêu dùng”, ông Silberbauer cho biết.

THANH PHƯỢNG (tổng hợp)