Câu chuyện với cụ già lúc sáng sớm của người bảo vệ khu phố

Nhịp sống - Ngày đăng : 07:01, 28/06/2017

Với cái bao trên vai, tay cầm cây gậy có gắn nam châm, ông lầm lũi đi dọc theo bờ sông Vàm Thuật nhặt từng nắp chai, vỏ lon bia... Sau hơn một giờ, chiếc bao đã đầy, ông cho bao lên xe máy, đi về nhà Sinh hoạt cộng đồng khu phố 8.

Câu chuyện với cụ già trong sáng sớm

Chúng tôi có mặt tại đường Trần Bá Giao đoạn ngang qua khu phố 8 (phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM). Một người đàn ông cao ráo, nhanh nhẹn mặc đồng phục của bảo vệ dân phố chở bao phế liệu chạy ngang qua. 

Ve chai, phế liệu thu được ông đem về bỏ ở một góc sân nhà sinh hoạt cộng đồng khu phố 8. Trong ảnh, ông Vũ dùng cây gậy nam châm để gom nắp chai.

Một cụ ông tập thể dục gần đó nói với tôi: "Ông Vũ làm bảo vệ dân phố ở đây. 5 năm nay, ngày nào cũng vậy cứ sáng là ông đi lượm ve chai, phế liệu về dồn lại. Lâu lâu ông bán một lần rồi lấy tiền đó mua gạo cho người nghèo".

Ông cụ cho biết thêm, ở khu phố 8 này, không ai không biết ông Vũ. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ dân phố, ông là một người bạn thân thiết với những mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ.

Đó là trường hợp bà cụ Thành (trên 90 tuổi). Cụ có con cháu nhưng cả gia đình đều vướng bệnh gan nên không ai có thể chăm sóc và nuôi nấng cụ. Ông Vũ tìm đến thăm, cứ thế, mỗi tháng ông đem đến cho cụ 10kg gạo và 100.000 đồng. 

Những ngày đầu đi lượm ve chai, không ít lần ông bị mảnh chai, que sắt đâm vào chân. Có lần ông phải điều trị hơn 1 tuần. Cuối cùng ông phải mua giày để tránh những tai nạn bất ngờ.

Gạo có được từ việc ông bán phế liệu, còn tiền ông trích từ khoản tiền ít ỏi trợ cấp cho công việc bảo vệ dân phố của ông. Vậy mà đã 5 năm rồi cứ mỗi tháng đều đặn như thế.

Ông Vũ không giàu. Vì thế để có điều kiện giúp bà con hàng ngày ông vẫn miệt mài nhặt ve chai, phế liệu. Chỉ trừ những ngày đau ốm, ông không hề bỏ sót một bữa nào. 

Phế liệu nhặt về ông dồn một đống ở góc sân nhà sinh hoạt cộng đồng khu phố. Tích tiểu thành đại, mỗi năm cứ đến ngày 30/4, Rằm tháng 7 và Tết Nguyên đán, ông tặng mỗi hộ trong danh sách hộ nghèo 10kg gạo.

Việc làm của ông Vũ đều đặn trong nhiều năm nay đã làm cho nhiều người cảm kích. Những người có điều kiện tốt hơn đã chung tay cùng ông chăm sóc bà con nghèo. Hiện, hàng tháng, có bà cụ Bích góp 60kg gạo, một công ty nhựa cũng ủng hộ 50kg gạo. 

Con đường ông tập thể dục mỗi sáng. Nơi đây ông gặp những người bạn đồng hành. Họ thường trao cho ông những túi ve chai gom từ trong nhà.

Mỗi buổi sáng, những người tập thể dục trong khu phố cũng đã tiếp sức với ông bằng những túi ve chai thu lượm tại nhà. Nhờ đó ông có thêm điều kiện giúp đỡ hàng chục trường hợp khó khăn trong khu phố.

"Làm từ thiện cho đến khi không còn có thể"

Chúng tôi đến nhà sinh hoạt cộng đồng khu phố 8 vừa kịp lúc ông Vũ đi tuần tra về. Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Hoàng Vũ (58 tuổi, quê ở xã Chi Lăng, huyện Tịnh Biên, An Giang). 

Ông Vũ kể, năm 2012, vào một buổi sáng đang đi tập thể dục đến đoạn bờ sông Vàm Thuật, bất ngờ ông gặp một bà cụ khoảng 80 tuổi đi với cháu gái 12 tuổi. 

Nhà hàng nằm sát mép sông, sau một đên, sáng ra bờ sông đầy ve chai và phế liệu. Ông Vũ đi thu nhặt gom lại rồi bán lấy tiền giúp người nghèo.

Ông kể: "Bà đang la rầy đứa cháu lười biếng chỉ lo chơi không phụ việc với bà. Thương đứa bé còn nhỏ ham chơi, tôi mới nói với bà, sáng nào bà cũng ra đây, tôi sẽ giúp bà nhặt ve chai. 

Cứ thế, hàng sáng, tôi đi dọc theo bờ sông lượm những thứ mà từ những quán ăn, nhà hàng vứt xuống. Tôi sắm một cây gậy có gắn nam châm để gom cho hết những nắp chai bia vứt la liệt. Cũng nhờ vậy mà bà cụ cải thiện được phần nào cuộc sống".

Cũng thời gian này, ông được đề xuất làm bảo vệ khu phố. Hai năm sau, bà cụ không không còn nhặt ve chai nữa nhưng ông Vũ vẫn tiếp tục công việc này. 

Trong lúc đi thể dục ở các con đường trong khu phố và dọc theo sông, ông thu gom hết những ve chai, phế liệu vương vãi sau đó đem bán. Tiền thu được ông mua gạo giúp bà con.

Ông nói: "5 năm trôi qua, tôi đã giúp được khá nhiều gia đình. Việc làm của tôi không giúp được bà con thoát nghèo nhưng cũng đỡ được phần nào trong cuộc sống".

Nói về cơ duyên đến với các việc làm từ thiện, ông cho biết: "Năm 1975, tôi tình nguyện đi du kích xã. Đến năm 1979, tôi được chuyển về phục vụ tại huyện đội Tịnh Biên, An Giang, sau đó được chuyển qua Campuchia. 

Trong thời gian này, tôi không thể liên lạc gì với gia đình nên ba má tôi không biết tin của tôi. Ngược lại, tôi cũng không biết tin của gia đình. Lúc này tôi phát nguyện, nếu còn được sống trở về gặp lại ba má, tôi sẽ làm từ thiện cho đến hơi thở cuối cùng.

Ngày trở về gặp lại ba má, thấy trên bàn thờ có tấm ảnh của tôi. Thì ra cả nhà cứ tưởng tôi đã mất. Năm 1983, tôi được phục viên với cấp bậc Trung úy Trung đội trưởng.

Bây giờ tất cả mọi việc đã ổn, nhớ lại lời hứa ngày trước, hàng ngày tôi cố gắng đi tìm những thứ mà người ta vứt đi. Chính những thứ này lại có khả năng nuôi sống những mảnh đời bất hạnh".

"Và tôi vẫn giữ lời, sẽ làm từ thiện cho đến khi không còn có thể ...", ông khẳng định.

Ông Nguyễn Kiên Trung, Phó Chủ tịch UBND phường 5, quận Gò Vấp cho biết: "Là một bảo vệ dân phố, ông Nguyễn Hoàng Vũ luôn làm tốt công tác giữ yên bình cho khu phố. Giờ nghỉ ông đi thu gom ve chai, phế liệu bán lấy tiền mua gạo giúp người nghèo nơi đây. Chính quyền địa phương rất cảm kích trước nghĩa cử đó và ủng hộ việc làm của ông, luôn tạo cho ông nhiều điều kiện để ông có thể làm tốt mọi việc ...".

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng tren VietNamNet ngày 07/06/2017
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/nguoi-bao-ve-nhat-ve-chai-giup-nguoi-ngheo-376850.html?fbclid=

Trần Chánh Nghĩa