Phải làm gì khi con mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 13:24, 27/02/2023
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (tiếng Anh: Obsessive-compulsive disorder, viết tắt là OCD) là một rối loạn tâm lý có tính chất mãn tính. Dấu hiệu phổ biến của bệnh là ý nghĩ ám ảnh, lo lắng không có lý do chính đáng và phải thực hiện các hành vi mang tính ép buộc để giảm bớt căng thẳng.
Trẻ em và thanh thiếu niên mắc hội chứng OCD thường ám ảnh với những suy nghĩ căng thẳng cứ lặp đi lặp lại trong đầu. Chúng có thể không muốn nghĩ về những điều này nhưng không thể dừng lại.
Trẻ mắc hội chứng OCD có thể cảm thấy cực kỳ khó chịu về vi trùng, bụi bẩn, bệnh tật, thương tích hoặc tổn hại; Ai đó bị bệnh hoặc chết; Những thứ được sắp đặt không đúng chỗ; Lo sợ những suy nghĩ tồi tệ có thể trở thành sự thật...
Những đứa trẻ mắc hội chứng OCD thường chạm, gõ hoặc bước theo những cách khác thường, sắp xếp mọi thứ lặp đi lặp lại, lặp lại các cụm từ hoặc câu hỏi, có nhiều nghi ngờ và khó đưa ra lựa chọn, rửa tay hàng chục lần hoặc làm sạch nhiều hơn mức cần thiết, mất nhiều thời gian để làm mọi việc.
Trẻ em và thanh thiếu niên mắc hội chứng OCD có thể bị ám ảnh, cưỡng chế hoặc cả hai. Có rất ít thứ khiến chúng thích. Những suy nghĩ, cảm xúc và thói quen của OCD trở thành một chu kỳ căng thẳng. Điều này có thể khiến trẻ khó tập trung, khó ngủ hoặc khó thư giãn.
Một đứa trẻ mắc hội chứng OCD có thể yêu cầu sự trấn an lặp đi lặp lại. Hoặc chúng có thể khăng khăng yêu cầu cha mẹ nói hoặc làm điều gì đó trong một số lần nhất định hoặc theo một cách nhất định.
Trẻ em có thể lo lắng, bực bội, cáu kỉnh, mệt mỏi, khó chịu khi chúng không thể làm mọi việc theo thói quen, trình tự hoặc luôn có các hành động giống nhau được thực hiện theo cùng một cách ở mọi thời điểm.
Nếu bạn nghĩ rằng con mình mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hãy đưa con đến gặp bác sĩ và chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần. Điều trị OCD là một loại trị liệu hành vi nhận thức. Trong trị liệu, trẻ em học các kỹ năng đối phó và làm dịu sự lo lắng. Chúng học cách đối mặt với nỗi sợ hãi một cách an toàn.
Cùng với trị liệu, các bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị. Điều trị hiệu quả nhất là khi cha mẹ đi cùng với con của họ. Bằng cách đó, cha mẹ có thể học cách huấn luyện con mình vượt qua các triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế, giúp con thực hành các kỹ năng học được trong quá trình trị liệu và hỗ trợ con trong cuộc sống hàng ngày.
Một số trẻ có thể không nói cho cha mẹ biết về những suy nghĩ, nỗi sợ hãi và hành vi mà rối loạn ám ảnh cưỡng chế gây ra. Chúng có thể cảm thấy bối rối hoặc xấu hổ về nỗi sợ hãi của mình và giữ nó cho riêng mình. Chúng cũng có thể cố gắng che giấu các thói quen mà chúng hay làm.
Nên làm gì khi bạn nghĩ rằng con bạn có thể bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế?
Nói chuyện với con của bạn về những gì bạn đã nhận thấy
Nói chuyện với con theo cách ủng hộ, lắng nghe và thể hiện tình yêu thương. Bố mẹ nên nói điều gì đó phù hợp với tình huống của con bạn, chẳng hạn như: "Mẹ nhận thấy con chỉnh sửa tất rất nhiều. Làm cho chúng cân đối, vừa ý con có thể khiến con rất căng thẳng phải không?".
Nói với con rằng rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể gây lo lắng nhưng có cách khắc phục
Bố mẹ có thể nói với con rằng việc đến bác sĩ để kiểm tra sức khỏe sẽ giúp con biết được con có ổn hay không. Hãy để con bạn biết rằng vấn đề này có thể trở nên tốt hơn và bạn muốn giúp đỡ con.
Đặt lịch hẹn với bác sĩ tâm lý trẻ em hoặc nhà tâm lý học
Để chẩn đoán hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, bác sĩ sẽ dành thời gian nói chuyện với bạn và con bạn. Họ sẽ đặt câu hỏi về các triệu chứng của con bạn để giúp chỉ ra các dấu hiệu của OCD. Nếu bác sĩ chẩn đoán con bạn mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, họ sẽ giải thích và hướng dẫn cách điều trị cụ thể.
Tham gia trị liệu cùng con
Một phần của quá trình điều trị là huấn luyện cha mẹ cách đối phó với các triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế của con họ. Tìm hiểu tất cả những gì bạn có thể làm và những cách bạn có thể giúp đỡ con. Bố mẹ nên nỗ lực hỗ trợ con của mình mỗi ngày.
Kiên nhẫn
Vượt qua OCD là một hành trình dài. Con bạn sẽ phải thăm khám trị liệu nhiều lần. Hãy chắc chắn là bạn luôn đi cùng với con, giúp con bạn thực hành những điều mà nhà trị liệu chỉ cho con bạn.
Hãy khen ngợi sự nỗ lực của con bạn. Cho con thấy bố mẹ vui như thế nào khi con tiến bộ. Nhắc nhở con rằng rối loạn ám ảnh cưỡng chế không phải là lỗi của con.
Có rất nhiều cách để các gia đình, cha mẹ giúp con đối phó với OCD. Hãy chia sẻ những câu chuyện của bạn với các bậc cha mẹ khác. Từ đó, mọi người có thể có thêm những thông tin hữu ích hơn để giúp con của mình.