Yêu cầu giấy xác nhận cư trú: Đẩy cái khó cho dân

Pháp luật - Ngày đăng : 01:13, 27/02/2023

Bỏ sổ hộ khẩu nhưng một số nơi lại yêu cầu công dân đến công an phường/xã xin xác nhận cư trú bằng giấy. Rõ ràng đây là cách làm "đẩy cái khó về phía dân".

Từ đầu năm 2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho người dân không còn giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật Cư trú. Chúng ta vẫn thường nói nôm na với nhau là Việt Nam đã bỏ sổ hộ khẩu. Nhưng xin lưu ý, đây là bỏ cách thức quản lý về cư trú bằng sổ hộ khẩu giấy chứ không phải bỏ quản lý cư trú.

Theo pháp luật hiện hành, công dân có quyền tự do cư trú và phải thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình bao gồm việc đăng ký cư trú.

Chính phủ và các bộ, ngành có trách nhiệm quản lý cư trú theo luật định, xây dựng cơ sở dữ liệu về cư trú để phục vụ công tác quản lý. Cơ sở dữ liệu về cư trú phải bảo đảm kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu khác, đáp ứng chuẩn về cơ sở dữ liệu và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin.

Yêu cầu giấy xác nhận cư trú: Đẩy cái khó cho dân - 1

Sổ hộ khẩu đã bị "khai tử" (Ảnh: Nguyễn Hải).

Tôi xin tóm tắt là Việt Nam đã bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy nhưng vẫn duy trì quản lý cư trú đối với người dân bằng ứng dụng công nghệ và cơ sở dữ liệu điện tử. Nói cách khác Việt Nam đang chuyển đổi số về quản lý nhà nước, trong đó có quản lý cư trú. Đây là điều mà nhiều nước trên thế giới đã, đang và sẽ làm: Xây dựng Chính phủ điện tử, quản lý dữ liệu dân số bằng công nghệ.

Quá trình chuyển đổi số đó phải đạt các mục tiêu như đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đảm bảo quản lý cư trú chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch và đơn giản hóa giấy tờ công dân, không gây phiền hà… Tuy nhiên, sau mấy chục năm vận hành, "quán tính" của sổ hộ khẩu giấy là rất lớn. Chắc rằng nhiều gia đình vẫn cất kỹ cuốn sổ hộ khẩu giấy của nhà mình, cho dù nó đã hết hiệu lực pháp lý.

Ghi nhận của phóng viên Dân trí trong những ngày đầu năm tại trụ sở một số UBND phường ở Hà Nội cho thấy, tuy biết sổ hộ khẩu giấy đã bị "khai tử" nhưng đến nay vẫn có một số người mang theo sổ này khi đi làm các thủ tục hành chính với tâm lý đề phòng "bất trắc". Đó là thói quen và tâm lý cá nhân. Nhìn từ góc độ xã hội thì "thói quen" này còn lớn hơn, bởi vậy bỏ hộ khẩu giấy để áp dụng quản lý điện tử là hướng đi tất yếu nhưng không dễ dàng.

Trong thực tế như Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu tại hội nghị về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử mới đây, quá trình thực hiện quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy (từ ngày 1/1/2023) vẫn còn nhiều bất cập, chưa thật sự tạo thuận lợi cho người dân. Người dân vẫn còn nhiều phản ánh về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.

Yêu cầu giấy xác nhận cư trú: Đẩy cái khó cho dân - 2

Người dân mang theo sổ hộ khẩu để "đề phòng bất trắc" khi giải quyết thủ tục hành chính (Ảnh: Nguyễn Hải).

Gần đây báo chí phản ánh tình trạng nhiều nơi yêu cầu giấy xác nhận cư trú thay cho hộ khẩu giấy. Cụ thể, trong các giao dịch hiện nay, người dân không cần phải đem căn cước công dân hay sổ hộ khẩu giấy, chỉ với điện thoại có cài đặt ứng dụng VneID đưa ra "quẹt" là lên hết thông tin công dân. Nhưng cán bộ nhiều nơi chưa quen với việc này, chưa cập nhật được, chưa có đủ thiết bị "quẹt" để hiển thị các thông tin, vì vậy để an toàn thì các cán bộ đó yêu cầu công dân đến công an phường/xã xin xác nhận cư trú bằng giấy. Rõ ràng đây là cách làm "đẩy cái khó về phía dân".

Nhu cầu xác minh nhân thân, xác minh nơi cư trú của người dân trong các giao dịch là rất lớn. Trước đây, việc quản lý cư trú và cung cấp các dịch vụ xã hội dựa trên hộ khẩu giấy, từ đất đai, nhà ở, giáo dục, y tế, việc làm, đăng ký kết hôn, ly hôn cho đến khai sinh, khai tử… Nay chuyển sang điện tử thì đòi hỏi sự sẵn sàng của các bên liên quan, từ sẵn sàng về tư duy chuyển đổi số cho đến sẵn sàng về hạ tầng công nghệ. Nhưng như đã đề cập ở trên, nhiều nơi, mức độ sẵn sàng chưa đáp ứng yêu cầu, vì vậy khi triển khai các biện pháp mới, khó tránh khỏi các vấn đề phát sinh.

Nêu khó khăn không phải để "bàn lùi". Cần khẳng định rằng việc thay đổi cách thức quản lý cư trú từ hộ khẩu giấy sang điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Bộ Công an đánh giá, khi các bộ, ngành, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin cập nhật, kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính sẽ giảm chi phí cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng mỗi năm. Đây mới chỉ là con số tạm tính từ việc người dân, cơ quan chức năng không phải thực hiện sao, chụp, chứng thực hoặc kê khai nhiều lần các thông tin cơ bản. Một thay đổi nhỏ nhưng lợi ích đem lại vô cùng lớn cho người dân, doanh nghiệp, xã hội…

Thiết nghĩ, để hiện thực hóa lợi ích của việc chuyển đổi số trong quản lý cư trú, các cơ quan cần thực hiện nghiêm quy định về bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, tăng cường khai thác thông tin cư trú từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đặc biệt là thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng: Không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận tình trạng cư trú trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.