Đâu sẽ là trung tâm công nghệ mới của châu Âu?

Cuộc sống số - Ngày đăng : 14:48, 26/02/2023

Giữa cuộc đua công nghệ Mỹ - Trung chưa hồi kết, EU đang tìm kiếm 1 trung tâm công nghệ có thể đưa châu lục này tự chủ công nghệ chiến lược trong tương lai

Eindhoven, thành phố lớn thứ 5 tại Hà Lan, từng bị xoá sổ trong chiến tranh thế giới thứ hai, cũng là quê hương của ASML, công ty sản xuất máy đúc chip silicon tiên tiến nhất thế giới, công cụ tạo ra chất bán dẫn sử dụng trong mọi thứ, từ điện thoại thông minh cho đến tên lửa. Thời đại ngày nay, bán dẫn, cùng với trí tuệ nhân tạo (AI), đang được coi là tương lai của công nghệ.

Đứng đầu thế giới về tỷ lệ bằng sáng chế trên đầu người

Không ít người tò mò về cách làm thế nào một thành phố từng hứng chịu suy thoái nặng nề vào đầu những năm 1990 lại có thể chuyển đổi nhanh chóng thành điểm sáng kinh tế của cả khu vực, với mức tăng trưởng trung bình 8% mỗi năm. Tỷ lệ nộp bằng sáng chế lên tới 500 bằng trên 100.000 người dân/năm, thuộc top đầu thế giới. Thành phố cũng chiếm tới 25% tổng số chi tiêu dành cho R&D (nghiên cứu & phát triển) của khối tư nhân tại Hà Lan, khoảng 3 tỷ Euro mỗi năm.

ASML, công ty bán dẫn có giá trị nhất châu Âu với vốn hoá thị trường 250 tỷ Euro, có một phần lớn đóng góp trong đó. Ngoài ra, có thể kể đến những nhà đổi mới sáng tạo có trụ sở tại đây như Signify, từng là đơn vị chiếu sáng thuộc tập đoàn Philips, nhà sản xuất chip NXP và công ty sản xuất xe tải DAF.

Jos Benschop, Phó Chủ tịch cấp cao về công nghệ của ASML cho biết thành phố này có vai trò quan trọng với sự phát triển của công ty nhờ kinh nghiệm hàng trăm năm sản xuất công nghệ cao. Cụ thể, máy in thạch bản cực tím (EUV) độc nhất của công ty không thể được chế tạo mà không có VDL, một công ty gia đình tại địa phương chuyên giải quyết các thách thức kỹ thuật phức tạp.

Hệ thống máy EUV của ASML

“Phát minh thì rất dễ, nhưng để biến chúng thành những thứ bạn có thể làm việc được thì không hề đơn giản”, lãnh đạo cấp cao của ASML nói. Kể từ năm 2019, chính phủ Hà Lan đã cấm xuất khẩu loại máy EUV tiên tiến nhất của công ty, có giá khoảng 170 triệu USD, sang Trung Quốc. Mới đây, The Hague đã đồng ý với Mỹ tiếp tục hạn chế xuất khẩu một số loại máy móc khác trong một thoả thuận chưa được tiết lộ chi tiết.

Hình mẫu vươn lên

Quá trình chuyển mình của Eindhoven giống câu chuyện về một công ty khởi nghiệp đột phá chỉ với một chiếc bàn bếp, nhà kho trong vườn và những nhà phát minh có suy nghĩ vượt ra khỏi khuôn khổ thông thường - Paul van Nunen, Giám đốc Brainport Development, cơ quan phát triển khu vực cho hay.

Thành phố này kết hợp được cả 2 yếu tố đặc trưng Hà Lan: mô hình chính phủ quy tụ các chính trị gia, doanh nghiệp cùng đoàn thể hợp lại tìm giải pháp chung và tập đoàn điện tử Philips, tập đoàn hàng đầu đất nước bắt đầu sản xuất bóng đèn tại Eindhoven từ năm 1891.

Vào đầu những năm 1990, các nhà tuyển dụng lớn như Philips và DAF phải đóng cửa nhà máy trước sự cạnh tranh giá rẻ từ châu Á. Thị trưởng thành phố lúc bấy giờ là Rein Welschen đã mời những người đứng đầu hiệp hội người sử dụng lao động địa phương, các trường đại học kỹ thuật và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cùng bàn phương án ứng phó.

Một cơ sở nghiên cứu khác của Philips trở thành khuôn viên công nghệ cao (high-tech-campus), nơi đặt trụ sở của hơn 260 công ty bao gồm TomTom, Siemens and Huawei. Quỹ đầu tư Oaktree của Mỹ đã mua lại khuôn viên này vào tháng 8/2021. Các công ty ở đó đang phát triển trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và quang tử (photonic) - vi mạch chạy bằng ánh sáng thay vì điện.

Khi Philips chuyển trụ sở chính tới Amsterdam vào năm 2001, khu vực công và tư nhân đã cùng nhau hợp tác để tái sử dụng các phòng thí nghiệm cũng như giữ chân các chuyên gia của tập đoàn này.

“Đây là diện tích mét vuông thông minh nhất thế giới”, Johan Feenstra, giám đốc điều hành Smart Photonics, công ty đã tận dụng các phòng cũ của Philips để thiết lập một dây chuyền sản xuất chip quang tử, vi xử lý có thể giúp cắt giảm lượng điện tiêu thụ của các trung tâm dữ liệu và triển khai ở các khu vực xa xôi hẻo lánh.

Bệ phóng cho mục tiêu tự chủ chiến lược

“Chúng tôi luôn sát cánh cùng thành phố, vì thành phố phục vụ. Công việc của chúng tôi không phải là làm ASML lớn hơn mà là tạo ra nhiều ASML hơn”, Robert Jan Smits, Hiệu trưởng trường Đại học công nghệ Eindhoven, cũng là đầu mối tuyển dụng cho các công ty tại đây, cho biết. “Eindhoven là độc nhất. Bản thân tôi, các CEO và chính trị gia đều thường xuyên gặp nhau. Với chiếc xe đạp của mình, tôi có thể ghé qua ASML, Philips và NXP bất cứ lúc nào”.

Khu vực này dự kiến tạo ra 70.000 việc làm mới trong thập kỷ tới và đang đề xuất chính phủ tài trợ để tăng gấp đôi quy mô trường đại học, tăng cường đào tạo kỹ năng thực tế cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng lưu trú.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Hà Lan nói thêm rằng khu vực cần thu hút thêm sự hỗ trợ từ EU khi khối này đang tìm cách giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, và kể cả là Mỹ trong công nghệ và đầu tư.

“Liên minh châu Âu cần nhận ra rằng họ không có nhiều lựa chọn để hiện thực hoá mục tiêu tự chủ chiến lược. Một trong những lựa chọn sáng giá nhất chính là tại nơi đây”.

Thế Vinh (Theo FT)