Người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ: Những ngày đáng nhớ nơi tâm chấn động đất

Cộng đồng người Việt - Ngày đăng : 11:11, 26/02/2023

Trở về Istanbul sau một tuần đi tình nguyện cùng đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam ở những vùng tâm chấn của trận động đất, anh Bùi Xuân Mai - một người Việt có hơn 10 năm sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã chia sẻ với TG&VN về những ngày đáng nhớ khi thảm họa khủng khiếp bất ngờ ập đến với “quê hương thứ hai” của anh.

Những ngày đáng nhớ ở tâm chấn động đất
Anh Bùi Xuân Mai (thứ hai, từ trái) cùng đoàn cứu hộ tại Adiyaman. (Ảnh: NVCC)

Là một cộng đồng khá nhỏ với gần 200 người, người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu sang học tập, sau đó ở lại lập nghiệp, một phần kết hôn với người Thổ Nhĩ Kỳ và sống rải rác ở các địa bàn.

Anh Bùi Xuân Mai, Trưởng Hội sinh viên Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, không chỉ miền Nam, mà nhiều tỉnh, thành khác ở quốc gia này thường xảy ra động đất, thậm chí có tháng tới vài lần. Nhưng có lẽ, không ai nghĩ rằng, thiệt hại lần này lại nghiêm trọng đến vậy…

Ân tình trong thảm họa

Đã có khoảng thời gian dài học tập và gắn bó với Thổ Nhĩ Kỳ nên anh Bùi Xuân Mai cùng nhiều người Việt Nam ở đây không thể đứng ngoài cuộc khi nơi đây gặp khó khăn.

Anh chia sẻ: “Thiệt hại lần này lớn và xót xa quá. Chúng tôi đã rất may mắn được an toàn nên nhận thấy cần phải giúp đỡ cộng đồng và chia sẻ với những khó khăn của người dân ở đây nhiều hơn. Lúc này họ cần sự giúp đỡ và chia sẻ hơn bao giờ hết”.

Trên tinh thần “có gì góp nấy”, ngay trong ngày thứ hai nhận được tin báo thiệt hại sau động đất, việc đầu tiên anh Mai cùng nhóm bạn làm là kêu gọi cộng đồng quyên góp, bản thân thì trích một phần lương để mua sắm các nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, đậu, dầu ăn, mắm muối…

Ngoài ra, nhóm thu gom quần áo ấm, chăn, gửi tặng người dân. Anh nói: “Thổ Nhĩ Kỳ đang trong mùa Đông lạnh giá, tuyết rơi nhiều, nên bà con rất cần quần áo mùa Đông như áo dài tay, quần nỉ, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ”.

Sau hai đợt quyên góp hưởng ứng nhiệt tình của anh chị em trong cộng đồng, nhóm còn nhận được sự tin tưởng và góp sức của một số bà con người Việt trong nước và tại nhiều nước châu Âu khác như Hungary, Czech, Ba Lan… Tình cảm của đồng bào khắp mọi nơi hướng về Thổ Nhĩ Kỳ khiến những người Việt ở đây cảm thấy ấm lòng và yên lòng hơn trong công việc thiện nguyện.

Anh Mai cho biết, tất cả hàng hóa, nhu yếu phẩm, vật tư quyên góp, ủng hộ được tập kết tại các điểm và chuyển đến hỗ trợ nạn nhân vụ thảm họa động đất. Các cơ quan chính phủ cũng tổ chức công tác cứu trợ rất tốt. Họ có nhiều điểm tập kết để nhận hàng cứu trợ trên những chiếc xe lớn và chuyển đến khu vực gặp nạn.

Không chỉ hoạt động tích cực trên trang cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ, những người bạn của anh Mai như anh Dương Nam Phương-sinh sống tại Istanbul, liên tục cập nhật thông tin và phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại trong công tác bảo hộ công dân.

Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải: “Việc Việt Nam cử đoàn trực tiếp tham gia hợp tác quốc tế cứu trợ nhân đạo khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ là bước phát triển mới của nước ta trong tham gia hợp tác quốc tế, tiếp tục khẳng định và củng cố vai trò Việt Nam là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Niềm hạnh phúc khi giải cứu

Đặc biệt, ngay sau khi biết tin Việt Nam sẽ cử đoàn cứu hộ cứu nạn của Bộ Công an sang thực hiện nghĩa vụ quốc tế nhằm cứu hộ cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, anh Bùi Xuân Mai đã đại diện cộng đồng tình nguyện đến Adiyaman - một trong ba vùng thiệt hại nặng nề nhất sau thảm họa động đất, để hỗ trợ cho đoàn.

Anh chia sẻ: “Tôi tình nguyện đi vì nhận thấy đoàn rất cần có người Việt biết ngôn ngữ, cũng như am hiểu về văn hóa và thổ địa. Tôi giúp các anh thảo luận với các chuyên gia nước ngoài và các bạn địa phương về phương án tiếp cận, xác định vị trí sập…”.

Và rồi, niềm vui trong ngày đầu tiên làm việc của anh Nam là hỗ trợ dịch thuật nắm thông tin, trực tiếp đứng máy thảo luận, nhận hiệu lệnh và phát lệnh đào cho thợ máy. Anh xúc động kể: “Chín giờ tối hôm đó, êkip đã hoàn thành nhiệm vụ đưa một gia đình nạn nhân ra khỏi căn nhà bị sập đúng như phân tích dự đoán của chúng tôi”.

Người dân Adiyaman cho biết, đây là khu vực lực lượng tìm kiếm, cứu hộ tiếp cận tương đối muộn hơn so với các thành phố khác vì nhiều yếu tố khách quan như giao thông trắc trở và thời tiết. Vì vậy, công tác cứu hộ ở đây phải nỗ lực làm việc gấp đôi sức để đua với thời gian.

Cùng với việc giải cứu các nạn nhân trong thảm họa động đất, anh Bùi Xuân Mai cùng Trưởng đoàn giải cứu của Bộ Công an đến thăm hỏi hai gia đình người Việt ở những khu vực gần Adiyaman.

Chị Ngô Thị Kim Thảo (quê ở Bến Tre), cảm ơn đoàn không quản điều kiện đi lại gian nan đến thăm gia đình. Nằm trong vùng tác động của động đất, tường nhà chị nhiều chỗ bị gãy, nứt, sinh hoạt gia đình gặp nhiều khó khăn do thường xuyên bị mất điện và nguồn củi đốt, quần áo ấm không đủ dùng.

Vừa trải qua những giây phút kinh hoàng và hiện đang phải tạm thời trú ẩn tại nhà người thân ở quê chồng, chị Bích Hồng (quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu) và con gái từ Việt Nam mới sang Thổ Nhĩ Kỳ được 10 tháng, cũng không giấu được niềm vui khi được đón đoàn đến thăm.

Trong cuộc gặp gỡ hai gia đình, được sự ủy quyền của Đại sứ quán Việt Nam và thay mặt cộng đồng người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ, anh Mai đã gửi lời thăm hỏi và chia sẻ cùng những món quà nhỏ thể hiện tấm lòng đồng bào cùng hướng về người Việt đang gặp khó khăn vì động đất.

Bảy ngày cứu hộ, cứu nạn trôi qua, đoàn Việt Nam phối hợp cùng lực lượng của các nước giải cứu thành công một người còn sống khỏi khu sập đổ, đưa 14 thi thể ra khỏi đống đổ nát, bàn giao cho cơ quan y tế địa phương. Đặc biệt, đoàn Việt Nam đã để lại những ấn tượng vô cùng tốt đẹp với người dân bản địa.

Anh Bùi Xuân Mai cho biết, trong những cuộc tiếp xúc, phía bạn luôn đánh giá cao và ghi nhận sự giúp sức hết mình của Việt Nam đối với khó khăn của người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Đoàn còn nhận được đồng hành của các tình nguyện viên người Thổ Nhĩ Kỳ, luôn đi theo đoàn hỗ trợ trong suốt hành trình cứu hộ cứu nạn.

Anh kể: “Trong chuyến đi, gặp người Thổ Nhĩ Kỹ ở đâu, họ cũng chia sẻ sự cảm kích trước sự hỗ trợ của Việt Nam. Đoàn giải cứu đến từ Việt Nam được người dân bản địa rất yêu quý.

Chẳng hạn, vào hôm chia tay đoàn về nước, chúng tôi có mời các anh một bữa cơm với những món ăn Thổ Nhĩ Kỳ. Khi biết đó là đoàn Việt Nam sang đây làm nghĩa vụ nhân đạo quốc tế, chị hàng xóm cạnh bên đã mua hai hộp bánh đặc sản của Thổ Nhĩ Kỳ tặng các anh mang về nước”.

Những ngày đáng nhớ ở tâm chấn động đất
Hoạt động quyên góp ủng hộ nạn nhân động đất của cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: NVCC)

Chỉ mong cuộc sống bình an

Khi đoàn giải cứu Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về nước, cũng là lúc anh Bùi Xuân Mai trở lại cuộc sống thường nhật tại thành phố Istanbul. Tuy nhiên, mới đây, hai trận động đất khác lại liên tiếp xảy ra ở Hatay khiến bốn người thiệt mạng, hơn 200 người bị thương và làm đổ sập nhiều tòa nhà.

Những ngày này, nhóm cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thường xuyên nhận được các tin nhắn chia sẻ và ủng hộ từ bà con trong và ngoài nước. Cùng với công tác bảo hộ công dân tích cực trong những ngày qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ luôn sát cánh cùng họ trong khó khăn và động viên tinh thần để bà con an tâm duy trì cuộc sống.

Điều anh Bùi Xuân Mai mong nhất lúc này là sự bình an đến với cộng đồng người Việt cũng như người địa phương. Bởi những mất mát của thảm họa này quá lớn và còn phải rất lâu mới có thể hồi phục, trong khi đó nguy cơ từ các thảm họa khác vẫn rình rập.

Anh Mai chia sẻ: “Cuộc sống và công việc của chúng tôi ở Thổ Nhĩ Kỳ xác định sẽ còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt với những chị em lấy chồng bản địa thì người thân, hạnh phúc và tương lai của họ đều ở đất nước này”.

Baoquocte