"Chạy án" và "lừa chạy án"

Pháp luật - Ngày đăng : 22:37, 25/02/2023

Dù là "chạy án" hay "lừa chạy án" thì đây đều là những hành vi vi phạm pháp luật, không thể chấp nhận được đối với cả những người đang nắm giữ chức vụ, quyền hạn hay đã "về vườn".

Trên sóng truyền hình quốc gia những năm từ 2006 đến 2008, bộ phim "Chạy án" chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Như Phong đã thu hút đông đảo người xem và được đánh giá là một trong những phim thành công nhất trong loạt phim "Cảnh sát hình sự".

Đây là một trong những phim truyền hình được chuyển thể từ vụ án có thật, nghĩa là các chi tiết trên phim không hoàn toàn hư cấu.

Thực tế thì "chạy án", "chạy chức, chạy quyền", "chạy quy hoạch", "chạy huân chương", "chạy dự án", "chạy tuổi", "chạy điểm"… là những thứ chạy mà các cấp có thẩm quyền đã nhiều lần đề cập ở các diễn đàn chính thức. Xã hội cũng nhìn nhận đó là các tiêu cực đã tồn tại lâu năm.

Chúng ta hiểu rằng đằng sau một vụ việc "chạy" bao giờ cũng có sự thỏa thuận và trao đổi lợi ích, có thể là lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác. Nó là những sự thỏa thuận và trao đổi "ngầm", "đi đêm" nên không dễ phanh phui; đối tượng liên quan tất nhiên là không muốn "lộ sáng" việc "đi đêm" của mình vì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ khi cơ quan chức năng vào cuộc thì chúng ta mới thấy rằng bên cạnh "chạy án" còn có cả "lừa chạy án". Hay nói cách khác là có những đối tượng tuy không nắm giữ chức vụ, quyền hạn, không thể can thiệp và thực hiện được việc thay đổi tội danh, khung hình phạt… theo hướng có lợi cho người phạm tội nhưng vẫn nhận tiền hòng chiếm đoạt tài sản của người khác.

Ở đây cũng cần nói rõ thêm rằng pháp luật không có quy định về tội danh "chạy án" hay "lừa chạy án". Theo luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng (Đoàn luật sư TP Hà Nội), nếu hiểu chạy án là việc dùng thủ đoạn trái pháp luật để bóp méo, xoay chuyển vụ án theo hướng có lợi cho người phạm tội, thì tùy vào tính chất, mục đích của hành vi mà người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đó có thể là tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", "nhận hối lộ"… tùy theo trường hợp cụ thể.

Ví dụ trường hợp người không có chức vụ, quyền hạn nhận tiền để chạy án mà không thể can thiệp và thực hiện được việc thay đổi tội danh, khung hình phạt như nêu trên thì có thể bị truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Đối với những người có chức vụ, quyền hạn thì việc nhận tiền chạy án có thể bị khép vào tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" hoặc "nhận hối lộ".

Dù là "chạy án" hay "lừa chạy án" thì đây đều là những hành vi vi phạm pháp luật, không thể chấp nhận được đối với cả những người đang nắm giữ chức vụ, quyền hạn hay đã "về vườn".

Việc lợi dụng quyền hạn, các mối quan hệ, sự tín nhiệm của mình để trực tiếp hoặc thông qua trung gian thực hiện các hành vi nhằm "đổi trắng thay đen", giúp người có tội được hưởng án nhẹ hơn so với hành vi phạm tội là xâm phạm đến các chuẩn mực đúng đắn, quy trình hoạt động, trách nhiệm làm việc trong cơ quan tổ chức, cần phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Từ các phân tích trên, xin được đơn cử một số vụ việc gần đây:

Vào tháng 9/2022, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử bị cáo Bùi Trung Kiên (cựu cán bộ Cục Cảnh sát kinh tế C03 Bộ Công an) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến vụ cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) Nguyễn Minh Quân chi tiền để "chạy án".

Ngày 22/2 vừa qua, Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đỗ Hữu Ca, cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng, để điều tra tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Theo thông tin ban đầu thì tướng Đỗ Hữu Ca bị điều tra dấu hiệu nhận tiền để "chạy án".

Vụ án liên quan đến ông Đỗ Hữu Ca đang được điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật, vì vậy chúng ta chờ thông tin tiếp theo của cơ quan chức năng và không đưa ra suy đoán hay phán xét không có căn cứ pháp luật.

Tuy nhiên, thiết nghĩ hai vụ việc nêu trên cũng như nhiều vụ khác đã được điều tra, xét xử những năm qua là sự cảnh tỉnh đối với bất cứ ai có định "chạy án" hay "lừa chạy án".

Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong ngành công an cũng như các cơ quan nội chính khác là "thanh bảo kiếm" và "lá chắn" bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, vì vậy dù còn công tác hay đã nghỉ hưu đều phải thường xuyên tôi luyện, rèn giũa bản thân để "thanh bảo kiếm" luôn sắc bén và vững vàng, không bị xuyên thủng bởi những viên đạn "bọc đường".