Nghề 'độc' ở Sài Gòn: tân trang bồn cầu
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:10, 31/05/2017
Nghề tân trang bồn cầu
Chúng tôi đến gặp khi ông Lê Văn Quyện (47 tuổi, quê Tiền Giang) khi ông đang làm việc. Chiếc bồn cầu trong tay ông đã quá cũ và nhiều vết bẩn. Ông dùng cây đục nhỏ cùng chiếc búa lướt qua đế bồn.
Chỉ trong nháy mắt, lớp xi măng được ông gỡ bỏ lộ ra bên trong còn nhiều tạp chất. Ông Quyện vẫn bình thản, múc một ca nước rửa trôi những thứ tạp chất đó, ông dựng bồn cầu lên và gỡ những phụ kiện kèm theo...
Cửa hàng bồn cầu của ông Quyện trên đường Võ Văn Kiệt
Được biết, đây là điểm vừa tập kết vừa tân trang, buôn bán bồn cầu cũ. Những chiếc bồn cầu được bày biện thành hàng trông như đồ mới nhưng thật ra đã cũ, đã qua sử dụng nhiều năm. Có lẽ đây cũng là nghề hiếm và ít bị cạnh tranh. Ông Quyện cho biết, ông tiếp xúc với nghề tân trang bồn cầu vào những năm đầu thập niên 1990.
"Hồi ấy, tôi còn trẻ đi chơi khắp đó đây, thấy nhiều gia đình nghèo sống ven sông không có được một mái nhà êm ấm.
Họ thường sử dụng cầu cá (cầu tõm) hoặc nếu nhà nào sang lắm thi có cầu bệt, rất bất tiện. Rồi những nhà ven sông ấy giải tỏa, bà con tìm chỗ khác xây nhà. Nhiều nhà quá nghèo chỉ đủ mua vài tấm tôn che tạm để ở...
Ông Lê Văn Quyện
Ông Quyện súc rửa để làm mới bồn cầu
Một hôm, tình cờ đi ngang qua một căn nhà đang được đập bỏ. thấy chiếc bồn cầu bỏ lăn lóc nên tôi xin về. Người nghèo làm gì họ sắm nổi chiếc bồn cầu như thế. Cuối cùng tôi biết được cách làm cho mới những chiếc bồn cầu cũ để rồi sau đó, tôi bán lại cho người nghèo với giá... rất nghèo", ông kể.
Ông Quyện cho biết thêm: "Công việc tôi làm tính đến nay đã 25 năm. Hàng ngày có nhiều nơi gọi điện cho hoặc bán rẻ những chiếc bồn cầu không còn sử dụng nữa. Bồn cầu cũ cỡ nào tôi làm lại đều như mới cả. Các phụ kiện kèm theo tôi mua mới để gắn vào".
Nếu không nghe ông kể lại, nhìn vào những sản phẩm ông trưng bày ai biết được đó là hàng cũ bởi chúng vẫn tinh tươm, bóng loáng. Đặc biệt là giá thành của nó người nghèo mấy cũng có thể mua được, chỉ 300.000đ/cái.
Bán cho người nghèo
Chia sẻ về nghề, người đàn ông này cho biết thêm: "Bồn cầu cũ là thứ dơ nhất. Ban đầu tiếp xúc với nó tôi cũng ngại lắm nhưng dần dần rồi cũng quen.
Làm cả ngày, chiều về có khi mùi hôi của bồn cầu cũng theo tới tận giấc ngủ. Nhưng miễn sao mình có điều kiện giúp người nghèo và cũng nhờ người nghèo, mình có tiền mà sinh sống". Mỗi chiếc bồn cầu được rửa qua nhiều công đoạn. Đầu tiên ông phải đục bỏ phần xi măng bám vào đế. Sau đó, ông rửa những tạp chất dính theo, tiếp đến là vệ sinh bồn bằng nước và hoá chất. Cuối cùng là công đoạn đánh bóng.
Người em phụ việc
Ông Quyện giới thiệu sản phẩm với khách hàng
Một ngày ông Quyện có thể làm mới được khoảng 3 - 4 cái. Mỗi cái ông chỉ bán với cái giá rất rẻ từ 300 - 500 ngàn tùy theo từng loại. Dù giá nào ông cũng chỉ kiếm lãi vài chục như một cách lấy lại tiền công phục chế.
Ông Quyện nói thêm: "Gia đình tôi nghèo nên tôi hiểu cái khó cái khổ của người nghèo. Chỉ có người nghèo mới thấm thía được cái nghèo, vì thế, tôi bán ở đây nhưng hàng ngày vẫn có trà đá miễn phí cho người đi đường. Những chị em mua ve chai, những anh xe ôm, xích lô... thường ghé vào uống nước, nói dăm ba câu chuyện cho vơi đi nỗi nhọc nhằn...". Ngoài việc tân trang bồn cầu, ông còn thường xuyên nhận dọn dẹp các nhà vệ sinh trong khách sạn, nhà trọ. Nhờ vậy ông có đồng ra đồng vào cùng vợ nuôi đưa con 8 tuổi.
Sức khỏe của ông Quyện nay có phần kém do ảnh hưởng từ vụ tai nạn năm 2001. Lần đó trên đường đi chở bồn cầu, ông bị xe đâm dẫn đến bị thương liệt nửa người. Nhờ vào kiên trì luyện tập nên sức khỏe ông đã hồi phục dần.
"Chỉ mong sao trời cho mạnh khỏe để tôi có cơ hội cùng bà con nghèo sát cánh bên nhau. Đồng tiền tôi kiếm được từ công việc dơ nhất vẫn là đồng tiền sạch nhất, phải không anh?", ông hỏi tôi và tôi cũng đã thừa nhận với ông điều đó.
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên VietNamNet ngày 31/05/2017
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/nghe-doc-sai-gon-25-nam-tan-trang-bon-cau-ban-cho-nguoi-ngheo-375604.html?