Chàng trai 22 tuổi trúng tuyển học bổng tiến sỹ vào 4 trường đại học ở Mỹ
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 07:10, 25/02/2023
Đầu năm 2018, Trần Đình Quang (2001) đoạt giải Nhì trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Hóa học. Mùa thu năm đó, vượt qua hàng nghìn ứng viên, Quang xuất sắc giành học bổng chi trả toàn bộ học phí (37.000 USD/năm) cho chương trình 4 năm tại Đại học Miami (Ohio, Mỹ).
Chưa dừng lại ở đó, năm thứ tư đại học, khi đang theo đuổi song song 2 chuyên ngành Hóa và Toán, chàng trai 22 tuổi tiếp tục nhận thư trúng tuyển chương trình tiến sỹ từ 4 trường đại học của Mỹ. Cả 4 trường đều tài trợ toàn bộ học phí cũng như trả lương/trợ cấp (stipend) hàng năm.
“Cuối năm 2022, khi mở thư, mình cứ nghĩ trường thông báo nhầm. Lật đật chạy lên phòng thí nghiệm để hỏi người đi trước và được xác nhận đã trúng tuyển, mình gần như chết lặng, suýt khóc òa lên vì sung sướng bởi đây là ngôi trường mình đặt mục tiêu lớn nhất", Đình Quang chia sẻ với Zing.
Bốn năm định hình bản thân
Quang chia sẻ quá trình học tập tại Đại học Miami khá nhẹ nhàng, không quá áp lực, chương trình học thường gắn với thực hành. Vì vậy, trong gần 4 năm học, Quang luôn giữ vững GPA ở mức 3.76/4.0.
Tuy nhiên, cuộc sống ở Mỹ đối với Quang lại không hề “màu hồng". Ngoài việc học tập và nghiên cứu trên trường, Quang có thêm công việc làm gia sư cho sinh viên Mỹ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống đắt đỏ. Chính vì vậy, Quang hầu như không có nhiều thời gian dành cho bản thân, việc đi sớm về khuya là điều thường thấy.
“Lúc mới sang, mọi thứ với mình đều xa lạ, một mình lo liệu, xoay xở đủ thứ. Nhiều lúc kết quả học tập và làm việc không như mong đợi, mình từng muốn bỏ cuộc. Nhưng nhìn lại những thứ đã làm được, mình lại lấy đó làm động lực. Dần dần, tinh thần và tâm lý của mình vững hơn, mọi thứ cũng đi vào quỹ đạo", Quang chia sẻ và nhận định 4 năm qua chính là khoảng thời gian giúp cậu định hình bản thân khi được tiếp cận với công việc nghiên cứu.
Ngay từ năm nhất, Quang đã có cơ hội làm nghiên cứu khoa học, nhưng do COVIDd-19, nam sinh bị kẹt lại ở Việt Nam 1,5 năm. Đến đầu năm 3, cậu quay lại trường và thực hiện nghiên cứu độc lập về Hóa vô cơ dưới sự hướng dẫn của một giáo sư người Mỹ.
Hè năm ngoái, với nghiên cứu của mình, cậu nhận thêm học bổng hỗ trợ của trường trị giá 2.600 USD/10 tuần. Quang đặt mục tiêu sẽ đăng tải bài nghiên cứu này lên tạp chí Hóa học Mỹ (JACS).
Từ việc chỉ mơ hồ nghĩ sẽ học tiến sỹ khi còn là sinh viên năm nhất, đến hiện tại, sau gần 4 năm trau dồi năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu, Quang đã định hình và khẳng định bản thân sẽ theo đuổi con đường khoa học.
Chọn học tiến sỹ thay vì thạc sỹ hoặc đi làm
Nộp hồ sơ đến 9 trường đại học, đến nay, Quang đã nhận 4 thư mời nhập học tiến sỹ, cả 4 trường đều đồng ý hỗ trợ học bổng toàn phần.
Cụ thể, Đại học Michigan trao học bổng trị giá 10,8 tỷ đồng (91.000 USD/năm), Đại học Rochester trao 12,3 tỷ đồng (104.000 USD/năm), Đại học Ohio State với 10,6 tỷ đồng (89.000 USD/năm) và Đại học Iowa với 4,6 tỷ đồng (39.000 USD/năm).
Chia sẻ về việc học thẳng lên tiến sỹ, Quang cho biết thông thường, mọi người sẽ học 2 năm thạc sỹ sau tốt nghiệp cử nhân để có thêm kinh nghiệm nghiên cứu. Tuy nhiên, ở Mỹ, hệ thống sau đại học cho phép Quang học thẳng 5 năm để lấy bằng tiến sỹ.
Bên cạnh đó, với 4 năm đại học, Quang đã tích lũy kha khá kinh nghiệm nghiên cứu. Cậu cũng từng tiếp xúc với môi trường làm việc của nghiên cứu sinh và định hình rõ ràng khối lượng công việc cần làm nếu theo học. Vì vậy, nam sinh đặt ra mục tiêu và quyết tâm theo đuổi.
“Việc học 5 năm tiến sỹ khá gấp rút, nhiều người từng bị sốc khi đi từ môi trường cử nhân không quá áp lực sang môi trường học thuật khó và phức tạp. Tuy nhiên, bản thân mình cảm thấy đã sẵn sàng để theo đuổi. Vì vậy, việc lựa chọn học thẳng lên tiến sỹ không quá khó khăn”, Quang nói.
Nam sinh cho biết thêm bản thân không muốn đi làm trước hoặc đi làm song song với học tiến sỹ bởi cậu muốn tập trung hoàn toàn vào nghiên cứu.
Chia sẻ về quá trình làm hồ sơ, Quang kể cậu bắt tay vào chuẩn bị từ mùa hè năm ngoái. Trong suốt quá trình, cậu luôn chủ động liên hệ với các nghiên cứu sinh Việt Nam mới đỗ học bổng gần đây để học hỏi về cách xây dựng hồ sơ.
Ngoài điểm GPA, kinh nghiệm nghiên cứu, các hoạt động trong 4 năm và tìm nhóm nghiên cứu phù hợp, Quang đánh giá bài luận của cậu là yếu tố chủ chốt để các trường đưa ra kết quả.
“Ban tuyển sinh của các trường chỉ có thể dựa vào điểm số, hồ sơ và bài luận để đánh giá sinh viên, vì vậy, một bài luận nổi bật, thể hiện hết được phẩm chất cá nhân chính là chìa khóa”, Quang bộc bạch.
Theo Quang, bài luận gần 1.000 chữ của cậu không viết về những điều đã có trong hồ sơ, thay vào đó, cậu chia sẻ về hành trình làm nghiên cứu, những điều phải đánh đổi, những thứ đã học được, đồng thời xác định rõ bản thân sẽ làm gì trong 5 năm làm nghiên cứu sinh.
Theo đuổi ngành Hóa vô cơ tại Đại học Michigan
Vì muốn theo đuổi tiến sỹ ngành Hóa vô cơ, Đình Quang chọn Đại học Michigan là điểm đến cho 5 năm tới. Đây cũng là ngôi trường Quang mơ ước, đặt mục tiêu từ đầu và nhận thư trúng tuyển đầu tiên.
Theo Quang, ngành Hóa vô cơ tại Đại học Michigan được đánh giá cao. Đây cũng là ngôi trường mà người truyền cảm hứng cho cậu theo học. Quan trọng hơn, cậu đã tìm được giáo sư hướng dẫn và nhóm nghiên cứu phù hợp tại đây.
“Mình từng có cơ hội đến Đại học Michigan để trải nghiệm và nhận thấy môi trường ở đây rất phù hợp, cơ sở vật chất tốt và các phòng nghiên cứu đều được đầu tư. Hơn hết, mình tìm thấy ở Michigan những con người cùng chí hướng, đều cố gắng vì mục tiêu phục vụ cho khoa học", nam sinh nói.
Năm năm tới, Quang dự định theo đuổi nghiên cứu về vai trò của kim loại trong các enzyme sinh học thông qua các hợp chất mô phỏng khác nhau, và nghiên cứu về cơ chế hoạt động cũng như tiềm năng ứng dụng của các hợp chất này trong đời sống. Cậu cũng dự định tìm kiếm cơ hội nghiên cứu sau tiến sỹ ở Mỹ.
“Mình sẽ theo đuổi con đường nghiên cứu chuyên nghiệp, trở thành giáo sư ngành Hóa vô cơ và mở một nhóm nghiên cứu của riêng mình. Tuy nhiên, nếu có cơ hội làm việc trong các công ty về hóa học, mình cũng sẽ cân nhắc”, Quang chia sẻ về dự định cá nhân.