Những vất vả của ngành y... rồi sẽ qua
Tin Y tế - Ngày đăng : 14:47, 24/02/2023
Cải thiện thu nhập của nhân viên y tế
Từ ngày 1.7.2023, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở cũng được điều chỉnh tăng lên 100%.
Hiện nay, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập hầu hết đang hưởng lương từ ngân sách, được tính lương căn cứ vào mức lương cơ sở. Do đó, khi lương cơ sở tăng 20,8% thì mức lương cơ bản của những nhân viên y tế này cũng sẽ tăng theo.
Các chuyên gia y tế cho rằng, với tác động từ việc tăng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở và tăng lương cơ sở sẽ giúp thu nhập của nhân viên y tế sẽ được cải thiện mạnh mẽ trong năm nay. Đây là một trong những thông tin khiến nhiều nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng rất kỳ vọng.
Việc tăng thu nhập cho nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng trong năm 2023 được xem là một trong những giải pháp nhằm nâng cao đời sống cho lực lượng quan trọng này, hạn chế tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển từ cơ quan y tế công lập sang khu vực tư.
Giải quyết từng bước tình trạng thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế
Tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện cũng đang là một vấn đề nhức nhối, khiến hoạt động của các bệnh viện gặp khó khăn, cán bộ nhân viên y tế vất vả khi cứu chữa người bệnh. Tuy nhiên, ngành y tế cũng đang nỗ lực giải quyết từng bước những khó khăn này.
Bộ Y tế đã xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đến ngày 31.12.2024;
Chính phủ phê duyệt Nghị định số 95/NĐ-CP ngày 15.11.2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5.11.2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Đồng thời, Bộ Y tế đã chỉ đạo tập trung đẩy nhanh việc cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, trang thiết bị y tế.
Mới nhất, ngày 8.2, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã gia hạn gần 8.880 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế. Điều này có nghĩa là toàn bộ giấy đăng ký lưu hành của gần 8.880 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31.12.2024.
Đây là đợt gia hạn đầu tiên của năm 2023 theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 80 của Quốc hội.
“Việc áp dụng cơ chế này giúp đảm bảo ổn định nguồn cung ứng thuốc cho nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cho phép cơ quan quản lý có thời gian giải quyết hồ sơ gia hạn tồn đọng trong giai đoạn dịch COVID-19 và sửa đổi, bổ sung Luật Dược phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay” - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định.
Với nhiều giải pháp đã triển khai, dự kiến Bộ Y tế có thể giải quyết được khoảng 6.000 hồ sơ gia hạn/năm, do đó, đến hết năm 2024 sẽ giải quyết được cơ bản hết số hồ sơ gia hạn tồn đọng và hồ sơ gia hạn nộp mới trong thời gian tới.
Trong năm 2023, ngành y tế tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế, các dự án luật. Trước mắt, xây dựng và triển khai hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi vừa mới được Quốc hội ban hành; tiếp tục sửa đổi Luật Dược, Luật Dân số, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Trang thiết bị y tế…; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Luật giá, Luật Đấu thầu, nhất là đối với các nội dung liên quan đến lĩnh vực y tế.