Bảng xếp hạng đại học Việt Nam: 'Nhiều dữ liệu đánh giá thiếu thuyết phục'
Nhịp sống - Ngày đăng : 12:40, 24/02/2023
Bảng xếp hạng top 100 trường đại học Việt Nam năm 2023 - Viet Nam's University Rankings (VNUR) công bố mới đây khiến cộng đồng học thuật, các trường xôn xao. Nhóm nghiên cứu cho biết đã rà soát hơn 230 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam để đánh giá, xếp hạng.
Đánh giá chưa thuyết phục
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch hội đồng Đại học FPT chỉ ra một số điểm khó hiểu như thông tin sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội khoảng 60.000 nhưng báo cáo tính chưa đến 50.000 em. Hay số sinh viên Đại học Quốc TP.HCM khoảng 80.000 nhưng báo cáo lại đưa ra con số chưa đến 1.000 sinh viên (905). Do vậy một số tiêu chí tính trên đầu sinh viên có điểm tăng vọt và xếp nhất nhì.
Một dẫn chứng khác là VNUR xếp hạng Đại học Bách Khoa Hà Nội đứng đầu về tiêu chuẩn dạy học nhưng lại xếp thứ 181 về tiêu chuẩn cơ sở vật chất là không ổn. “Cơ sở vật chất của Đại học Bách khoa Hà Nội không tồi. Có thể VNUR tính diện tích sàn/sinh viên, nhưng tính cơ sở vật chất của một cơ sở giáo dục không đơn giản như vậy, vì thế đánh giá này thiếu thuyết phục”, TS Lê Trường Tùng nói.
Đại học FPT là cơ sở đại học đầu tiên tham gia bảng xếp hạng đại học QS (QS World University Rankings) vào năm 2012. Đến năm 2018, trường dừng tham gia. Khi tham gia xếp hạng, mục đích của trường là để hiểu thế nào là một đại học tốt từ đó để xây dựng chiến lược phát triển. Trường dừng lại với hai lý do: Đã đủ dữ liệu để trả lời câu hỏi một trường đại học tốt là thế nào? và bảng xếp hạng ngày càng thương mại hóa. "Các bảng xếp hạng trong nước cũng vậy, nếu Đại học FPT nhận thấy có yếu tố thương mại hoá, trường sẽ rút", ông Tùng thẳng thắn chia sẻ.
Vị này cũng cho rằng, các trường không nên chạy đua tham gia các bảng xếp hạng trong nước và quốc tế, đây là biểu hiện của bệnh thành tích. Bảng xếp hạng chỉ như số liệu tham khảo để điều chỉnh hướng phát triển của một cơ sở, không phải thước đo thành công.
Tiến sĩ Phạm Hiệp, đồng trưởng nhóm Khoa học giáo dục và chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, không có bảng xếp hạng đại học nào là hoàn hảo, kể cả những bảng xếp hạng đại học lâu đời đã vận hành từ 20 - 30 năm như QS, THE hay Thượng Hải. Do đó, không nên nhìn vào một bảng xếp hạng để đánh giá hết về trường đại học và cũng không nên mong chờ một bảng xếp hạng hoàn hảo.
Bảng xếp hạng vừa mới ra đời như VNUR chắc chắn sẽ còn nhiều hạn chế cần khắc phục, cải thiện để hoàn thiện và vận hành tốt hơn. VNUR đang thiếu một số chỉ số quan trọng: Chỉ số quốc tế hoá chưa được thể hiện vì chưa có dữ liệu cập nhật đầy đủ. Bảng xếp hạng chưa có những chỉ số riêng liên quan đến hoạt động tương tác với cộng đồng của trường đại học, dù chỉ số này cũng đã được thể hiện phần nào thông qua chỉ số “chất lượng được công nhận” (tiêu chí kiểm định).
Về chỉ số “công bố bài báo khoa học”, cụ thể là số lượng bài báo khoa học của toàn trường, VNUR lấy dữ liệu từ Web of Science, với số lượng 191 trường. Ông Hiệp cho rằng đơn vị nên lấy dữ liệu từ Scopus sẽ bao trùm hơn.
Tiêu chí Nhiệm vụ khoa học công nghệ, bảng xếp hạng này mới cập nhật dữ liệu ở những đề tài do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố là chưa đầy đủ, bởi các trường vẫn còn nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ làm với doanh nghiệp, quốc tế mà không khai báo tại Cục.
Đồng quan điểm, TS Hoàng Nhật Bách, Đại học Georgetown, Mỹ cho rằng, VNUR có đầy đủ các tiêu chí đánh giá một trường đại học, nhưng cách khai thác dữ liệu đánh giá chưa đúng đã tạo nên sự tranh cãi.
"Tôi không tin tưởng phần số liệu. Một bảng xếp hạng mới ra đời, làm sao nhóm nghiên cứu có đủ số liệu từ các trường, đảm bảo số liệu đó là chuẩn hóa và chính xác được hết. Trong khi đó, các thành viên của VNUR lại công bố lấy dữ kiệu từ báo cáo ba công khai, chưa đủ sức thuyết phục. Các báo cáo này hay đề án tuyển sinh... đều chưa được kiểm định về thông tin. Do vậy, thời điểm này, chúng ta chỉ nên dùng bảng xếp hạng để tham khảo, còn nếu dựa vào đây để đưa ra các quyết định thì chưa nên", TS Bách chia sẻ.
Thành viên nhóm VNUR nói gì?
Ông Nguyễn Vinh San, thành viên của VNUR cho biết, sau khi công bố, nhiều trường phản ánh VNUR đánh giá hai tiêu chí "Diện tích xây dựng/sinh viên và số lượng sách, giáo trình trong thư viện" là chưa thuyết phục.
Ông San thừa nhận, hai tiêu chí này chưa thể đánh giá toàn diện về cơ sở vật chất của một trường, đặc biệt là chất lượng, số lượng cơ sở vật chất hoặc cảnh quan của nhà trường... Trong bộ tiêu chuẩn của VNUR để xếp hạng các cơ sở đào tạo đại học Việt Nam, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất cũng nằm thấp nhất trong tất cả các tiêu chuẩn. Bộ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất mà VNUR đưa vào chỉ mang tính chất khuyến khích và đánh động ở bước đầu, sẽ còn chỉnh sửa để phù hợp.
Về nguồn dữ liệu đánh giá, VNUR thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó quan trọng nhất là báo cáo ba công khai của các trường được công bố vào tháng 6 hàng năm theo quy định của pháp luật. Với các trường chưa kịp công bố báo cáo hàng năm, nhóm nghiên cứu dựa vào đề án tuyển sinh hàng năm.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng thu thập dữ liệu từ các Bộ chủ quản, hệ thống công bố khoa học quốc tế...
“Trong phương pháp nghiên cứu, thống kê, phân tích, VNUR cũng tuyên bố thu thập dữ liệu độc lập mà không chờ báo cáo của các trường. Điều này cũng khiến các trường bất ngờ khi xuất hiện trong bảng xếp hạng này”, ông Nguyễn Vinh San chia sẻ.
Trước những ý kiến trái chiều về bảng xếp hạng 100 trường đại học Việt Nam năm 2023 do VNUR công bố, ông Nguyễn Vinh San nói, VNUR đang đi những bước đi đầu tiên, nhóm nghiên cứu cầu thị tiếp nhận những ý kiến phản hồi, phản biện, góp ý của dư luận, của các cơ sở đào tạo để từ đó nhóm nghiên cứu có những điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Nhóm thực hiện bảng xếp hạng VNUR bắt đầu ý tưởng và bắt tay vào nghiên cứu xây dựng Bảng xếp hạng cho đại học Việt Nam từ cuối năm 2020 và thu thập dữ liệu, xây dựng Bộ tiêu chuẩn vào đầu năm 2021.
VNUR xếp hạng các trường đại học dựa trên 6 tiêu chuẩn, gồm: Tiêu chuẩn chất lượng được công nhận (30%); Tiêu chuẩn dạy học (25%); Tiêu chuẩn công bố bài báo khoa học (20%); Tiêu chuẩn nhiệm vụ khoa học công nghệ và sáng chế (10%); Tiêu chuẩn chất lượng người học (10%); Tiêu chuẩn cơ sở vật chất (5%).