Tuyển sinh lớp 10: Nhân đôi điểm môn Văn, Toán dễ khiến học sinh học lệch

Nhịp sống - Ngày đăng : 08:10, 24/02/2023

Theo chuyên gia, lâu nay các địa phương nhân đôi điểm môn Ngữ văn, Toán thi vào lớp 10 đồng nghĩa việc ngầm tăng trọng số, mức độ quan trọng của 2 môn học này.

Thời điểm này, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 với 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Đa số các địa phương này đều quy định điểm số bài thi môn Toán, Ngữ văn nhân hệ số 2, bài thi Ngoại ngữ nhân hệ số 1.

Việc nhân đôi hệ số điểm 2 môn Văn, Toán đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhiều quan điểm cho rằng cách tính điểm này không còn phù hợp với chương trình giáo dục hiện nay.

Tuyển sinh lớp 10: Nhân đôi điểm môn Văn, Toán dễ khiến học sinh học lệch - 1

Theo chuyên gia, nhân đôi điểm môn Văn, Toán dễ khiến học sinh học lệch. (Ảnh minh họa)

Cô Nguyễn Phương Ly, giáo viên môn Tiếng Anh bậc THCS tại Hải Dương cho rằng, việc học ngoại ngữ ngày càng quan trọng. Chính phủ đã ban hành đền án ngoại ngữ quốc gia để các địa phương tập trung đầu tư, biến ngoại ngữ thành thế mạnh. Hiện trong thông tư về cách đánh giá, xếp loại học sinh bậc trung học cũng đề cao vai trò của môn Ngoại ngữ cùng với Văn, Toán là tiêu chí để xếp loại học lực. Học sinh muốn đạt điểm giỏi phải có điểm trung bình các môn từ 8 điểm trở lên, không có môn nào dưới 6,5 và điểm trung bình của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 8 trở lên.

Cũng theo cô Ly, ngoại ngữ được coi là “chìa khóa” để hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa, hay gần hơn, trong công tác xét tuyển đại học, các trường đều rất chú trọng đến đầu vào ngoại ngữ của sinh viên.

“Việc nhân đôi hệ số môn Toán, Văn khiến học sinh đầu tư nhiều hơn vào những môn học này để thi đỗ vào lớp 10, trong khi đó môn Ngoại ngữ có vai trò quan trọng không kém lại dễ bị nhiều thí sinh xem nhẹ hơn. Hay với tâm lý học để thi, nhiều em đã học kém môn Ngoại ngữ, thì nay lại càng ngại học môn này khi hệ số điểm thấp hơn. Việc đặt các môn học ngang hàng nhau về hệ số điểm cũng sẽ giúp thí sinh có cách nhìn nhận khác về tầm quan trọng của việc học toàn diện, đây cũng là mục tiêu hướng tới của chương trình GDPT mới.

Việc tuyển sinh lớp 10 do từng địa phương quyết định dựa trên đặc điểm học sinh từng vùng miền, tuy nhiên tôi cho rằng, dù ở khu vực nông thôn hay thành thị, cũng cần xem xét việc bỏ nhân hệ số với 2 môn Văn, Toán, đặt các môn học này ngang hàng về hệ số với môn Ngoại ngữ”, cô Ly nêu quan điểm.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cũng cho rằng, việc nhân đôi 2 môn Văn Toán xuất phát từ quan niệm đây là những môn chính dùng để đánh giá năng lực học sinh mà nhiều địa phương vẫn áp dụng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trong chương trình GDPT mới, Toán, Văn, Ngoại ngữ đều là các môn bắt buộc. Thầy Tùng Lâm cho rằng, để tránh tâm lý môn chính môn phụ, đảm bảo công bằng trong xét tuyển, các địa phương nên bỏ quy định nhân hệ số 2 với 2 môn Ngữ Văn và Toán.

Đồng quan điểm, thầy Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng không nên nhân hệ số 2 điểm số môn Toán và Ngữ văn: “Lâu nay các địa phương vẫn nhân đôi điểm số 2 môn này đồng nghĩa với việc đang ngầm tăng trọng số, mức độ quan trọng của 2 môn học này so với các môn học khác trong chương trình.

Tuy nhiên bậc THCS nên để học sinh học đều tất cả các môn. Thi cử không nên làm thay đổi mục tiêu của giáo dục. Năng lực cần hình thành một cách toàn diện. Bên cạnh đó, việc nhân hệ số 2 điểm môn Toán, Văn cũng khiến cả học sinh, phụ huynh và giáo viên hình thành suy nghĩ môn chính, môn phụ, dẫn đến tình trạng học lệch ở học sinh và tâm lý chán nản ở những giáo viên dạy các môn được cho là môn phụ”.

Ở góc nhìn rộng hơn, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, với bậc THPT, không chỉ bàn về vấn đề tuyển sinh, mà cần nhìn rộng hơn là giải pháp nào để tăng cơ hội học bậc THPT cho học sinh ở độ tuổi này. Muốn vậy, nhà nước cần xem xét mở rộng hệ thống các trường công lập, hoặc có các chính sách khuyến khích hơn nữa tư nhân tham gia vào giáo dục. Cần nhìn nhận giáo dục THPT là sự cần thiết cốt yếu của phát triển bền vững. Những trường hợp học sinh không thể vào bậc THPT mới nên học nghề sau khi tốt nghiệp THCS.

“Quốc gia nào phát triển tốt giáo dục phổ thông sẽ không ngần ngại trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bởi khi có nền tảng văn hóa, việc cập nhật kiến thức sẽ rất nhanh và bền vững”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

N.T(VOV.VN)