Trẻ hay bị bắt nạt đều xuất thân từ 2 kiểu gia đình, cha mẹ nên lưu ý

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 07:32, 24/02/2023

Nếu sống trong 2 kiểu gia đình này, trẻ sẽ có những tính cách khiến trẻ dễ trở thành đối tượng bị bắt nạt.

Tính cách của một đứa trẻ cũng là một trong những yếu tố khiến trẻ dễ bị bắt nạt. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ nhút nhát và tự ti thường dễ trở thành mục tiêu bị bắt nạt ở trường hoặc xã hội hơn những đứa trẻ khác. Nnhững đứa trẻ có kiểu tính cách này thường xuất thân từ 2 kiểu gia đình. Nếu nhà bạn cũng đang ở một trong hai kiểu gia đình dưới đây thì phải sớm thay đổi:

1. Có cha mẹ thích kiểm soát

Một nghiên cứu tại Mỹ từng cho thấy có hơn 60% trẻ em bị bắt nạt ở trường nhưng chỉ âm thầm chịu đựng mà không nói cho bố mẹ hay giáo viên biết. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn cho nhà trường và các bậc phụ huynh: Tại sao khi bị bắt nạt, trẻ lại không dám nói cho người lớn biết?

Sau khi khảo sát ý kiến của các em học sinh, đáp án được đưa ra nhiều nhất chính là: "Nói ra cũng chẳng có ích gì".

Hầu hết, những đứa trẻ có tâm lý này đều lớn lên trong một gia đình có cha mẹ quá nghiêm khắc và thích kiểm soát con cái. Sự hà khắc của bố mẹ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ. Khiến trẻ bị gò bó trong những khuôn mẫu mà bố mẹ mong muốn và hình thành tâm lý nghe theo bố mẹ một cách tuyệt đối.

Trẻ hay bị bắt nạt đều xuất thân từ 2 kiểu gia đình, cha mẹ nên lưu ý-1

Lớn lên trong gia đình như vậy, dần dần, trẻ sẽ mất ý kiến của mình không được coi trọng, cảm thấy tự ti, ngại bày tỏ và chia sẻ với bố mẹ. Thậm chí ngay cả khi bị bắt nạt, trẻ cũng sẽ im lặng và tự chịu đựng một mình vì trong trẻ đã hình thành suy nghĩ phải biết vâng lời kẻ mạnh.

2. Bố mẹ ít quan tâm đến con cái

Nhiều khảo sát cho thấy những đứa trẻ lớn lên trong cảnh thiếu thốn tình cảm sẽ có nguy cơ bị bắt nạt học đường cao hơn.

Trong cuộc sống hiện đại, nhiều bậc cha mẹ hàng ngày bận rộn với công việc, không còn thời gian ở bên con cái. Điều này vô tình tạo ra khoảng cách với trẻ. Trong quá trình phát triển, trẻ luôn cần sự đồng hành của cha mẹ nhưng nếu không có cha mẹ ở cạnh bên, trẻ sẽ buộc phải độc lập sớm hơn những đứa trẻ khác. Trẻ sẽ tự giải quyết vấn đề mà không có nhu cầu chia sẻ với bố mẹ, luôn giấu mọi chuyện xảy ra hay đòi hỏi sự trợ giúp.

Cha mẹ nên làm gì khi biết con mình bị bắt nạt?

1. Dạy trẻ dũng cảm bày tỏ lòng mình

Trẻ bị bắt nạt là điều không ai mong muốn. Vì vậy, cách tốt nhất để có thể phòng tránh và ngăn chặn kịp thời nạn bạo lực học đường là khuyến khích trẻ bày tỏ và chia sẻ.

Để trẻ thoải mái bày tỏ, nêu ra ý kiến, quan điểm và vấn đề của bạn thân, cha mẹ nên thường xuyên dành thời gian và thể hiện tình yêu thương với trẻ. Sự gần gũi, thân thiết chính là phương thức gắn kết trẻ với cha mẹ tốt nhất. Có như thế, trẻ mới đủ tin tưởng để chia sẻ và xem bố mẹ là chỗ dựa vững chắc để có thể dựa vào trong mọi trường hợp.

Khi nghe trẻ chia sẻ việc bị bắt nạt, bố mẹ nên bình tĩnh để nghe kể và an ủi con thay vì nóng nảy la mắng hay tra hỏi trẻ. Khi trẻ bị bắt nạt, chúng sẽ có nhiều cảm xúc tồn đọng trong lòng. Vì vậy, để trẻ bày tỏ lòng mình và trút bỏ cảm xúc là cách tốt nhất. Sau đó, cha mẹ nên nói trẻ nghe cách giải quyết vấn đề để trẻ sẽ được an ủi và tự tin tới trường trở lại.

Trẻ hay bị bắt nạt đều xuất thân từ 2 kiểu gia đình, cha mẹ nên lưu ý-2

2. Dạy trẻ tự vệ

Trong quá trình trưởng thành của trẻ, sẽ có lúc trẻ phải đối mặt với vấn đề một mình mà không có bố mẹ giúp đỡ. Vì vậy, dạy trẻ cách giải quyết những vấn đề này cũng là hành trang thiết thực nhất cho sự phát triển sau này của trẻ.

Các bậc cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ hô to, ra dấu hiệu kêu cứu cho người lớn ở gần nếu bị bắt nạt hoặc gặp nguy hiểm. Đây là những kỹ năng cơ bản giúp trẻ có được sự giúp đỡ từ bên ngoài và thoát khỏi tình huống xấu. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên nhắc nhở con cái nên đi ở những nơi đông người, hạn chế đi vào góc khuất vì sẽ tạo điều kiện cho kẻ xấu bắt nạt.

Trẻ hay bị bắt nạt đều xuất thân từ 2 kiểu gia đình, cha mẹ nên lưu ý-3

3. Dạy trẻ cách nói "không" và phản kháng

Trong cuộc sống, có những trường hợp chúng ta phải biết nói không và cha mẹ nên dạy trẻ nhận biết điều đó. Từ bé, trẻ nhỏ thường được dạy phải biết vâng lời mà hiếm được dạy về cách để từ chối người khác. Điều này sẽ dẫn đến việc trẻ ngại khước từ hoặc không thể từ chối những đòi hỏi từ người khác đối với mình. Đối với những đứa trẻ yếu ớt, dễ bị tổn thương thì điều này dễ khiến trẻ bị đối xử bất công hơn trong cuộc sống.

Vì vậy, cha mẹ nên dạy trẻ trong hoàn cảnh nào thì nên từ chối yêu cầu của đối phương. Khi trẻ gặp phải điều gì không thích, hay vô lý tự tin bày tỏ sự từ chối. Từ đó, trẻ sẽ học được cách thể hiện rõ lập trường của bản thân. Những đứa trẻ học được điều này ít khi bị người khác bắt nạt. Thậm chí ngay cả khi trẻ bị bắt nạt, chúng vẫn biết cách thể hiện khí thế, lòng dũng cảm và kiên quyết chống trả để đối phương biết rằng mình không dễ bị bắt nạt. Có như vậy mới tránh được việc bị bắt nạt xảy ra thường xuyên.

Việc cha mẹ dạy trẻ nói không và học cách phản kháng không phải là dạy trẻ sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề mà là dạy trẻ học cách tự bảo vệ mình.

Theo Tổ quốc