Điểm tin công nghệ 24/2: iPhone 15 sẽ sở hữu một loạt thay đổi về thiết kế
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 24/02/2023
- iPhone 15 sẽ sở hữu một loạt thay đổi về thiết kế
Ảnh dựng của iPhone 15 phiên bản tiêu chuẩn cho thấy cổng USB-C, Dynamic Island và kích thước màn hình lớn hơn bản tiền nhiệm.
Sau khi chia sẻ ảnh dựng của iPhone 15 Pro, trang 9to5Mac và Ian Zelbo tiếp tục đăng tải hình ảnh của iPhone 15 tiêu chuẩn, được thiết kế dựa trên bản vẽ cung cấp bởi các nguồn uy tín.
Bộ ảnh cho thấy những thay đổi trong thiết kế của iPhone 15, đáng chú ý là dải khuyết mặt trước bị loại bỏ để thay bằng Dynamic Island.
Theo 9to5Mac, tính năng này được giới thiệu lần đầu trên iPhone 14 Pro, gồm phần khuyết cho cảm biến và camera trước, có thể mở rộng chiều dài để hiện thêm thông tin nhờ phần mềm.
Trước đó, một số tin đồn cho biết Apple có thể trang bị Dynamic Island trên cả 4 phiên bản iPhone 15, thay vì chỉ dành cho dòng Pro như thế hệ trước.
Thay đổi khác nằm ở cạnh dưới với cổng kết nối USB-C thay cho Lightning. Đây là động thái nhằm tuân thủ quy định chuẩn hóa cổng sạc của Liên minh châu Âu (EU), có hiệu lực từ năm 2024.
So với cổng Lightning, USB-C cho phép người dùng kết nối nhiều thiết bị hơn, có thể hỗ trợ sạc nhanh và truyền dữ liệu tốc độ cao. Tuy nhiên, chưa rõ Apple sẽ áp dụng giao thức nào cho cổng USB-C trên iPhone 15.
Dựa vào ảnh, mặt lưng của iPhone 15 không có nhiều thay đổi so với thế hệ trước, gồm 2 camera xếp theo đường chéo. Camera telephoto và cảm biến LiDAR nhiều khả năng vẫn chỉ dành cho dòng iPhone Pro.
Thông số trong bản vẽ cho thấy kích thước màn hình của iPhone 15 là 6,2 inch, lớn hơn một chút so với các mẫu iPhone tiêu chuẩn khác. Độ phân giải màn hình và tần số quét chưa được tiết lộ.
Chi tiết không xuất hiện trong bản vẽ là nút bấm cảm ứng lực, tính năng được đồn đại sẽ xuất hiện trên thế hệ iPhone 2022. Nhiều khả năng nút cảm ứng chỉ dành cho iPhone 15 Pro, trong khi iPhone 15 tiêu chuẩn vẫn dùng nút vật lý.
Bộ ảnh được dựng dựa trên bản vẽ giai đoạn đầu, do đó có thể khác với thiết kế chính thức. Dù vậy, người dùng vẫn có thể hình dung một số chi tiết quan trọng của iPhone 15 như kích thước, cổng USB-C và Dynamic Island.
- Trung Quốc cấm công cụ ChatGPT
Theo một bài đăng của nhật báo China Daily trên mạng xã hội Weibo, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã yêu cầu các công ty công nghệ lớn của nước này không cung cấp dịch vụ ChatGPT cho người dân.
Nội dung bài đăng cho biết các tập đoàn lớn tại Trung Quốc như Tencent, Alibaba nhận được yêu cầu về việc ngừng cung cấp dịch vụ ChatGPT cả trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua nền tảng của bên thứ 3. Ngoài cấm ChatGPT, Trung Quốc cũng thông báo các công ty trong nước muốn ra mắt chatbot hoặc dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) có liên quan phải báo cáo và xin phép cơ quan quản lý. Không tổ chức hoặc cá nhân nào được tự ý khởi chạy các dịch vụ kiểu siêu AI của công ty OpenAI (Mỹ).
- Internet vệ tinh của Elon Musk có mặt tại Đông Nam Á, phí thuê bao 1,1 triệu/tháng
Ngày 22/2, công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk thông báo dịch vụ Internet vệ tinh quỹ đạo thấp (LEO) của hãng chính thức đi vào hoạt động tại Philippines.
“Starlink đã có mặt ở Philippines”, tài khoản Twitter của SpaceX đăng dòng trạng thái bằng tiếng địa phương. Đây là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên phủ sóng dịch vụ Internet vệ tinh quỹ đạo thấp.
Elon Musk từng cho biết dịch vụ dự kiến có mặt tại Đông Nam Á vào năm 2022, nhưng phải lùi đến thời điểm hiện tại. Data Lake, đối tác của SpaceX tại Philippines nói rằng việc thay đổi lộ trình ra mắt là do sự chậm trễ trong sản xuất.
Trang chủ Starlink cho thấy các nước trong khu vực như Malaysia, Brunei, Singapore, Indonesia và Campuchia dự định triển khai dịch vụ vào năm 2023, Lào năm 2024. Riêng Việt Nam và Thái Lan chưa hiển thị thời gian cụ thể.
Starlink lập kế hoạch cung cấp dịch vụ cho khách hàng tại Philippines với giá ban đầu là 599 USD/đơn vị vệ tinh và phí dịch vụ kết nối ở mức 99 USD/tháng, với tốc độ tải xuống là 200 Mbps.
Trên thực tế, số tiền người dùng tại Philippines cần bỏ ra là 29.320 peso (12,6 triệu VNĐ) để mua bộ thu phát sóng và phí thuê bao hàng tháng 2.700 peso (1,16 triệu VNĐ).
- Facebook cấm người dùng xin rượu bia, thuốc lá
Với các tiêu chuẩn cộng đồng mới từ Facebook, người dùng khi vi phạm sẽ có thể bị khoá tài khoản hoặc xoá khỏi nền tảng vĩnh viễn.
Trong một động thái mới đây, Facebook vừa cập nhật chính sách nội dung mới của nền tảng, trong đó đưa ra các quy tắc mới về việc hỏi xin đồ uống có cồn hoặc thuốc lá.
Cụ thể, nền tảng này quy định các loại hàng hoá cấm người dùng đăng tải lên mạng xã hội, bao gồm súng, Thuốc không dùng cho mục đích y tế, Dược phẩm (thuốc theo toa hoặc phải có chuyên gia y tế quản lý), Cần sa, Các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng (động thực vật hoang dã), Các sản phẩm giảm cân, Đồ uống có cồn/thuốc lá,...
- Viettel mang nhiều giải pháp công nghệ “Made by Viettel” đến MWC 2023
Cụ thể tại MWC 2023, Viettel sẽ giới thiệu các giải pháp công nghệ “Made by Viettel” như: Bộ sản phẩm 5G có sự tham gia của các công nghệ mở giúp giảm giá thành sản xuất, hướng đến mục tiêu giúp các nhà đầu tư sớm phổ cập 5G; Nền tảng bản sao số (Viettel Social Digital Twin platform) hướng tới nghiên cứu xây dựng bản sao xã hội số giúp hỗ trợ, giám sát, điều hành, quy hoạch đô thị dựa trên dữ liệu; Viettel Money đặc biệt khi trở thành ví điện tử, thanh toán số ngay trên điện thoại “cục gạch”; Kiến trúc linh hoạt của IOC giúp xây dựng các chính quyền số giải quyết những nhu cầu cấp bách tại địa phương, trước khi phải đầu tư toàn diện;
Bên cạnh đó Viettel cũng mang đến MWC 2023 giải pháp Trung tâm giám sát an ninh mạng SOC bảo vệ toàn diện tổ chức, doanh nghiệp trên không gian mạng. Nền tảng linh hoạt với nhiều lựa chọn theo mô hình, nhu cầu của từng khách hàng; Hệ thống tính cước thời gian thực vOCS được nâng cấp toàn diện, cung cấp khả năng tính cước hội tụ cho cả dịch vụ viễn thông, dịch vụ cố định và các dịch vụ số (non-telecom), có khả năng cá thể hóa theo từng nhu cầu của mỗi khách hàng.
- Hàn Quốc sử dụng AI phân tích giọng nói tội phạm lừa đảo qua điện thoại
Bộ Hành chính và An toàn Hàn Quốc vừa công bố sẽ sử dụng mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích, so sánh giọng nói của tội phạm lừa đảo qua điện thoại để hỗ trợ cảnh sát bắt giữ chúng.
Theo KBS World, trong thời gian qua, Cơ quan Pháp y quốc gia Hàn Quốc (NFS) đã sử dụng mô hình phân tích giọng nói do Nga và Anh phát triển để tiến hành công tác giám định giọng nói cần thiết cho việc điều tra tội phạm lừa đảo qua điện thoại.
Tuy nhiên, mô hình này sử dụng tiếng nước ngoài, nên mức độ chính xác với nhóm tội phạm sử dụng tiếng Hàn chỉ dừng ở mức 30%. Ngoài ra, các tổ chức tội phạm lừa đảo qua điện thoại thường phân chia theo vai trò, như người giả làm điều tra viên, người giả làm công tố viên, nhưng mô hình này chưa có chức năng phân loại những người dính líu tới hành vi phạm tội.