Vụ rapper bị lột đồ trên gameshow: Da thịt đàn ông cũng cần được tôn trọng?
Dòng chảy - Ngày đăng : 08:57, 23/02/2023
Chương trình 2 ngày 1 đêm đang gây làn sóng tranh cãi vì màn lột đồ của rapper Hieuthuhai. Cụ thể, trong tập 30 lên sóng cuối tuần qua, ê-kíp đưa ra trò chơi đoán tên bài hát. Nếu đoán sai, một thành viên sẽ phải cởi từng món đồ trên người.
Rapper Hieuthuhai là người chịu phạt nên đã phải cởi bỏ áo khoác, áo lót, giày, nón, găng tay... và cả quần dài, sau đó dùng thùng giấy để che các bộ phận nhạy cảm trước ống kính máy quay. Mặc dù nam nghệ sĩ cởi trần, run rẩy giữa thời tiết lạnh, các thành viên khác vẫn trêu đùa, hưởng ứng.
Hotboy cởi đồ khoe thân thể: Mồi "câu view" của chương trình?
2 ngày 1 đêm là chương trình thực tế nổi tiếng, sở hữu đối tượng người xem đa dạng, gồm cả trẻ em dưới 18 tuổi. Chương trình này không chỉ phát sóng trên YouTube, mà còn chiếu trên HTV7. Chính vì vậy, hình ảnh rapper Hieuthuhai lột quần áo bị cho là phản cảm, không phù hợp với đại đa số khán giả.
Điều đáng nói, màn tung hứng của Trường Giang, Kiều Minh Tuấn, Lê Dương Bảo Lâm... trong chương trình cũng bị chỉ trích vì "diễn lố". Khi Hieuthuhai che cơ thể bằng thùng giấy, các thành viên khác xem đây là "trò vui", tạo tiếng cười bằng cách thi nhau chui vào trong thùng, dọa giật phăng chiếc thùng, trêu chọc nam rapper...
Về phía chương trình, nhà sản xuất cho biết họ làm theo bản gốc Hàn Quốc, không cố tình gây chiêu trò phản cảm, kém văn minh như ý kiến của một bộ phận dân mạng. Tuy nhiên, nhiều khán giả, chuyên gia lại phản bác cách giải thích này.
Có ý kiến phân tích rằng trong dàn diễn viên tham gia 2 ngày 1 đêm, Hieuthuhai vốn là "hot boy" nổi tiếng với gương mặt điển trai, được nhiều khán giả yêu thích. Áp dụng hình phạt "cởi từng món đồ" đối với nam rapper chính là "mồi câu view" hiệu quả cho người xem.
Chia sẻ với PV Dân trí, Thạc sĩ Lê Anh Tú - Giảng viên khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông của trường Đại học Văn Lang - cho biết: "Các chương trình gameshow thường áp dụng những mánh khóe, chiêu trò để hút sự chú ý của khán giả. Đây không phải điều lạ lẫm, cũng không phải là vô tình. Trong 2 ngày 1 đêm, tôi nghĩ ê-kíp sản xuất cũng lường trước được những phản ứng của khán giả khi triển khai trò chơi này và chấp nhận điều đó để tăng sự tò mò khi lên sóng".
"Da thịt đàn ông cũng cần được tôn trọng"
Trong vụ ồn ào nói trên, một số người lên án dữ dội, cho rằng chương trình 2 ngày 1 đêm đang "coi nhẹ sự riêng tư về cơ thể phái nam". Nhiều khán giả nhận định hình ảnh Hieuthuhai khoe da thịt cùng màn đùa cợt trong show đã tạo điều kiện cho hàng loạt bình luận "quấy rối" thiếu nghiêm túc trên mạng xã hội.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai - người giảng dạy và nghiên cứu ngành Giao tiếp và Quản trị đa văn hóa, có nhiều năm công tác tại Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam (Hà Lan) - cho rằng ngay cả khi Hieuthuhai có sự đồng thuận về việc phơi bày cơ thể trên chương trình, thì việc đưa trò chơi lột từng món đồ mang tính "kích thích" này cũng là lựa chọn "thiếu cân nhắc".
Tiến sĩ Phương Mai phân tích sự phản cảm đến từ việc chương trình tận dụng yếu tố kịch tính khi Hieuthuhai lần lượt cởi bỏ từng món đồ: "Sự leo thang về kịch tính thuần túy với mục đích phơi bày cơ thể chính là yếu tố tạo ra sự khác biệt với hình ảnh các diễn viên hoặc người mẫu để lộ da thịt vì mục đích nghệ thuật. Nó cũng khác với các bãi tắm nude (khỏa thân - PV) nơi có quy định rõ ràng, khác các cuộc thi sắc đẹp, hoặc hình ảnh những người đàn ông cởi trần thi thoảng ta vẫn thấy trong khu dân cư. Không có sự kịch tính leo thang từng bước mang tính nhục dục để câu view trong những trường hợp ấy".
Bà Mai khẳng định không gian riêng tư và công cộng có nhiều điểm khác biệt, dẫn đến "nhiều thứ chỉ đẹp và vui khi ở trong giới hạn tương xứng". "Vấn đề là, việc câu view bằng nhục dục theo kiểu kịch tính leo thang như thế - dù có sự đồng thuận - nên giới hạn trong không gian riêng tư hay có thể dùng làm nội dung cho một chương trình truyền hình?", tiến sĩ đặt câu hỏi.
Đặc biệt, tiến sĩ Phương Mai nhấn mạnh thêm: "Đã đến lúc da thịt đàn ông cũng cần được tôn trọng như da thịt đàn bà. Và những comment (bình luận - PV) quấy rối tình dục, dù người trong cuộc không phản đối, cũng cần được coi là hành vi thiếu văn minh, bất kể giới tính".
Ranh giới giữa gợi dục và đùa vui
Một bộ phận khán giả nhìn nhận tích cực hơn, cho rằng dân mạng đang "vạch lá tìm sâu", nghiêm trọng hóa vấn đề vốn nhỏ nhặt. Người hâm mộ phân tích trong tình huống này chương trình che chắn kỹ, không cố tình tạo sự "gợi dục".
Tuy nhiên, cần xác định ranh giới giữa đùa vui và gợi dục. Rõ ràng, từ luật chơi cho đến tình tiết Kiều Minh Tuấn, Cris Phan kéo tuột chiếc thùng giấy của Hieuthuhai đã lộ rõ chủ đích của nhà sản xuất 2 ngày 1 đêm. Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu "bình thường hóa" góc nhìn về một vấn đề nhạy cảm, thì phải chăng sẽ vô tình cổ súy cho những nhận thức sai lầm cho khán giả?
"Nếu cho rằng đưa hình ảnh khoe da thịt lên phương tiện truyền thông đại chúng này là điều nhẹ nhàng, vui vẻ. Vậy ở những cuộc chơi riêng tư thì sẽ còn "nhạy cảm" hơn thế nào nữa? Có rất nhiều nội dung vừa giải trí vừa lành mạnh, phù hợp số đông. Không nhất thiết phải lợi dụng những hình ảnh dễ gây tranh cãi lên để làm trò đùa", một khán giả bình luận.
Một chuyên gia truyền thông (xin phép giấu tên) đang giảng dạy trong ngành báo chí tại Đại học Xã hội và Nhân văn TPHCM nói với phóng viên Dân trí: "Chương trình không thể đổ lỗi cho khán giả hiểu sai thông điệp. Về nguyên tắc cơ bản, khi chương trình lên phương tiện truyền thông đại chúng, ê-kíp sản xuất phải hiểu rõ thông điệp của họ sẽ đến với số lượng công chúng cực kỳ đông đảo. Họ phải tính đến việc một bộ phận khán giả - vốn đa dạng về văn hóa, vùng miền, trình độ, sở thích, định kiến - không hiểu, hoặc hiểu không hết, hiểu sai thông điệp mà chương trình đưa ra. Theo tôi, hoặc là nhà sản xuất cố tình ngụy biện trong khi chủ đích của họ là khoe hình ảnh da thịt để câu view. Một trường hợp khác là nhà sản xuất quá... thiếu hiểu biết, khi không nắm được nguyên tắc sơ đẳng nhất trong truyền thông".
"Tôi không nâng vấn đề lên thành câu chuyện bình đẳng quyền nam nữ, vì tôi nghĩ rằng nó phụ thuộc vào tính đa dạng của đại chúng. Mỗi người có những quan niệm tiêu chuẩn về cái đẹp, cái xấu, cái cần được thể hiện công khai, hay bác bỏ, châm biếm khác nhau. Trong trường hợp này là về cơ thể đàn ông, thì các thế hệ, các tư tưởng văn hóa khác nhau sẽ có những quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, chuyện tranh cãi, xung đột tất nhiên sẽ xảy ra. Quan trọng là có những người làm truyền thông cố tình lợi dụng, khai thác chi tiết nhạy cảm một cách thiếu chuyên nghiệp, cẩu thả đến mức không thấy được sự tranh cãi tất yếu sẽ đến từ việc dùng các chi tiết đó", chuyên gia này đưa ra nhận định.