Điểm tin kinh doanh 23/2: Vàng được dự báo rớt về vùng giá 51 triệu đồng
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 23/02/2023
- Vàng được dự báo rớt về vùng giá 51 triệu đồng
Giá vàng đang gặp áp lực lớn trước thông tin lãi suất.
Vào hôm nay 23/2, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố biên bản cuộc họp về chính sách tiền tệ, trong đó chứa đựng rất nhiều manh mối về thông điệp lạm phát cũng như cách điều hành lãi suất trong thời gian tới.
Giới phân tích nhận định thị trường đang dần chấp nhận khả năng Fed sẽ có thể tăng lãi suất kéo dài cả năm cho đến khi lạm phát mục tiêu về dưới 2%.
Hiện nay, lạm phát vẫn đang cao gấp 3 lần lạm phát mục tiêu. Fed vẫn còn nhiều không gian cho chính sách tiền tệ diều hâu của mình vì lạm phát không giảm nhanh, thị trường lao động và tăng trưởng kinh tế còn tốt.
Ngân hàng Commerzbank (Đức) dự báo giá vàng sẽ giảm về mức 1.800 USD/ounce, tương 51,9 triệu đồng/lượng vì sức ép lãi suất.
Phiên giao dịch hôm 22/2, với việc đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng giá trị, giá vàng thế giới chỉ còn 1.832 USD/ounce, tương đương 52,8 triệu đồng/lượng.
Vàng PNJ và SJC hiện lần lượt bán ra thị trường là 54,7 và 67,15 triệu đồng/lượng.
- Giá cam sành bất ngờ vọt tăng sau chuỗi ngày 'lao dốc' chưa từng có
Chiều 22/2, ông Nguyễn Văn Tám - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long - cho biết, giá cam sành hiện tại đang dần khởi sắc trở lại, giá dao động từ 10.000 - 11.500 đồng/kg.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) huyện Trà Ôn, lượng cam chín tại vườn cần tiêu thụ hiện tại chỉ còn khoảng vài trăm tấn. Thay vì “kén” mua loại cam chín như trước đây do vận chuyển dễ bị hư hỏng thì nhiều thương lái lại “quay xe” thích mua cam chín vì được người tiêu dùng ưu chuộng, bởi cam có độ ngọt.
“Từ mức giá 1.000 đồng/kg thì hiện nay, cam chín đã có giá 7.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân sẽ có lãi và số lượng cam chín tại vườn cũng sẽ nhanh chóng được tiêu thụ hết”, ông Tám chia sẻ.
Được biết, toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có hơn 17.000 ha trồng cam sành, tăng gần 3.000 ha so với năm 2020.
Ghi nhận của phóng viên, đến chiều 22/2, giá cam sành tại tỉnh này đã tăng trở lại. Cụ thể, giá thu mua cam của thương lái dao động từ 7.000 - 14.000 đồng/kg tuỳ loại.
- Thị trường Fintech Việt Nam có thể cán mốc 18 tỷ USD vào năm 2024
Trong báo cáo ngành Fintech tháng 02/2023, Hệ thống Giám sát Danh tiếng (Reputa) cho biết, thị trường Fintech Việt Nam hiện đang có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trong khu vực, sau Singapore.
Tuy có sự giảm nhẹ 1,5 lần so với tháng 12/2022, MoMo vẫn giữ vững ngôi vị đầu bảng xếp hạng với Total Score tổng điểm đạt 128,19. Trong tháng 1, MoMo nhận về 2.357.607 tổng tương tác từ các bài viết trên nền tảng Facebook. Trong đó, bài viết minigame “Sáng tạo mã QR-Mê say rước lộc về nhà liền”, được người dùng hưởng ứng nhiệt tình nhận về hơn 13.390 tương tác.
ZaloPay bất ngờ vượt lên 4 bậc, đạt vị trí top 2 với Total Score tăng gấp 9,5 lần tháng 12/2022. Với những minigame tăng tương tác như “Chia sẻ story này đi” hay “Tương tác đón lộc ví vàng”.
Reputa đánh giá, sự “lạnh lẽo” trên thị trường vốn mạo hiểm trong năm 2022 kéo theo sự ảm đạm chung của thị trường khởi nghiệp thế giới. Tuy nhiên, Fintech vẫn là một điểm sáng, ghi nhận mức tăng trưởng đầu tư cao nhất trong năm. Theo dự báo của Robocas Group, thị trường Fintech Việt Nam có thể cán mốc 18 tỷ USD vào năm 2024 với mức độ cạnh tranh cao.
- Thống đốc yêu cầu chi nhánh ngân hàng phải đối thoại với doanh nghiệp vay vốn
Theo đó, Thống đốc yêu cầu chi nhánh NHNN các tỉnh phải triển khai ngay Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn theo hình thức phù hợp để đổi thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng; nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ; chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), các sở, ban, ngành và hiệp hội có liên quan tại địa phương rà soát tình hình tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp; nắm rõ thông tin về các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay ở ngân hàng nào (doanh nghiệp không đủ điều kiện hay ngân hàng không cho vay) và nguyên nhân không tiếp cận được. Các nội dung này phải được thông tin công khai và làm rõ tại Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp của địa phương.
Đối với các TCTD, Thống đốc yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nội dung kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Các TCTD phải chỉ đạo các chi nhánh tham gia đầy đủ các Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại địa phương; đăng ký với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tại địa phương về các chương trình tín dụng ngay từ đầu năm; chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng nhằm tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật.
Các TCTD cũng cần thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh (điện thoại, email), kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; yêu cầu các chi nhánh TCTD có trách nhiệm xử lý, trả lời rõ ràng về ý kiến của TCTD đối với việc cấp tín dụng cho từng trường hợp cụ thể; chủ động, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong hệ thống; báo cáo chính quyền địa phương, NHNN, các bộ, ngành có liên quan về các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền; đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai.
Thống đốc cũng yêu cầu NHNN chi nhánh tại các tỉnh, thành phố thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh (điện thoại, email), kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn có trách nhiệm xử lý, trả lời người dân và doanh nghiệp và báo cáo kết quả xử lý về NHNN trên địa bàn để tổng hợp gửi về NHNN (thông qua Vụ Truyền thông) đăng tải trên cổng thông tin điện tử của đơn vị này. NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố báo cáo kết quả triển khai các nội dung nêu trên về NHNN (thông qua Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) trước ngày 28/2 để tổng hợp, báo cáo Thống đốc.
- Khách đi máy bay trong hai tháng đầu năm 2023 tăng gần 50%
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo Bộ Giao thông Vận tải về công tác vận chuyển hàng không 2 tháng đầu năm 2023 với những con số thống kê rất ấn tượng.
Theo đó, sản lượng điều hành bay đi/đến trong hai tháng đầu năm 2023 đạt 78,8 nghìn chuyến, tăng 62,3% so với cùng kỳ năm 2022; điều hành bay quá cảnh đạt 35,4 nghìn chuyến, tăng 79,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Sản lượng hành khách thông qua các Cảng hàng không trong hai tháng đầu năm đạt 19,7 triệu khách, tăng 91,5% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, khách quốc tế đạt 4,7 triệu khách, tăng 1.959,9% so với cùng kỳ năm 2022; khách nội địa đạt 14,8 triệu khách, tăng 48,0% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 168.000 tấn, giảm 28,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, hàng hóa quốc tế là 117.000 tấn, giảm 37,3% so với cùng kỳ năm 2022; hàng hóa nội địa là 51.000 tấn, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng trong 2 tháng đầu năm 2023, tình hình vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam đạt 9,8 triệu khách, tăng 91,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó khách nội địa là 7,4 triệu khách, tăng 48,0% so với cùng kỳ năm 2022; khách quốc tế là 2,4 triệu khách, tăng 2.333,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, vận chuyển hàng hóa trong hai tháng đầu năm cũng đạt 42.500 tấn, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, hàng hóa quốc tế là 17.000 tấn, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm 2022; hàng hóa nội địa là 25.500 tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022.