Doanh nghiệp, người dân chờ đợi gì từ hai gói tín dụng cho bất động sản và xây dựng?

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 20:10, 21/02/2023

Thông tin về 2 gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho bất động sản và 110.000 tỷ đồng cho xây đang thu hút sự quan tâm của người dân lẫn các doanh nghiệp, trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn và nhu cầu sở hữu nhà ở của người có thu nhập thấp ngày càng tăng.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” diễn ra vào sáng 17/2, Bộ Xây dựng đề xuất gói 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; còn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản.

Vậy nếu hai gói tín dụng này được triển khai trong thực tế sẽ tác động thế nào đến thị trường bất động sản, xây dựng và người dân được lợi gì?

cb1d64e4-5c85-4126-b.jpeg
Thị trường bất động sản sẽ 'ấm' lên với gói 120.000 tỷ đồng?

Bài học từ gói 30.000 tý 10 năm trước

Theo thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng các ngân hàng này cũng thống nhất dành một gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% (lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ). Thống đốc nhấn mạnh: “Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia mà bị thiếu hụt về thanh khoản thì NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho để triển khai tiếp”.

vnp_0754_1.jpg
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, bài học 10 năm trước từ gói 30.000 tỷ đồng vẫn còn nguyên giá trị.

Còn theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, với mức lãi suất cho vay chỉ từ 5 - 6%/năm. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nói rõ, gói 110.000 tỷ đã được Thủ tướng đồng ý đưa vào Nghị quyết sắp tới cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

"Chúng tôi đã phân định rõ 55.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư vay còn 55.000 tỷ đồng cho người dân vay. Gói này được đưa vào nghị quyết giống gói 30.000 tỷ đồng trước cho nhà ở xã hội. Gói tín dụng này cứu được cả thị trường".

Theo bà Dương Thùy Dung - Giám đốc Cấp cao CBRE - cho biết rất hoan nghênh gói tín dụng cho nhà ở xã hội, nhưng phải có lộ trình rõ ràng mới khả thi. Cũng giống như cách đây 10 năm với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng khi mới bắt đầu triển khai cũng chưa được chuẩn.

"Mình đã có bài học cách đây 10 năm, bây giờ số tiền hàng trăm tỷ đồng làm sao đến tay được đúng đối tượng", bà Dung nói.

Ở góc độc doanh nghiệp, theo ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Bất động sản EZ, cho hay, hai gói tín dụng được đề xuất sẽ là tiền đề tháo gỡ cho thị trường, cùng đó là niềm hy vọng của doanh nghiệp có thể tiếp cận. Đặc biệt là đối tượng có nhu cầu mua nhà ở thực.

“Để được hưởng hỗ trợ là một con đường rất dài”

Hiện nay khó khăn nhất đối với doanh nghiệp là vấn đề kẹt dòng vốn, lãi suất rất cao. Bên cạnh đó là vướng mắc về pháp lý, gần như không có dự án mới. Theo đó, để giải quyết các vấn đề khó khăn, ông Toản cho rằng, đầu tiên phải đưa được gói tín dụng ra, đây là tín hiệu rất tích cực cho thị trường.

20210406083706-00d5.jpg
Theo Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2025 sẽ xây dựng khoảng 571.000 căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở đô thị.

Còn theo ông Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Lê Thành, thẳng thắn chia sẻ: là doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, vướng mắc về pháp lý là lớn nhất đối với doanh nghiệp BĐS. Đặc biệt là với phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ.

Mặc dù Chính phủ đã có chủ trương và nhiều chính sách ưu tiên nhưng để được hưởng hỗ trợ là một con đường rất dài.

Cũng như ông Nghĩa, một số doanh nghiệp khác bày tỏ rằng khi đã chấp nhận tham gia phát triển phân khúc nhà ở xã hội thì chỉ cần cơ chế. Nhà nước hãy tạo một cơ chế rõ ràng, đầy đủ mà ngắn gọn, không rườm rà, không phức tạp sẽ là trợ lực lớn nhất cho doanh nghiệp.

Theo Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2025 sẽ xây dựng khoảng 571.000 căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở đô thị, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp. Trong giai đoạn từ 2025 - 2030 sẽ tiếp tục xây dựng thêm khoảng 845.000 căn nhà ở xã hội. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước đang triển khai 401 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 434.000 căn hộ, nên từ nay đến năm 2025 chỉ cần xây dựng thêm khoảng 200.000 căn là đạt mục tiêu đề án đưa ra.

Mong giải ngân đúng người, đúng dối tượng

Chị Hồng Loan – công nhân làm việc tại Quận 12, Tp.HCM chia sẻ, vợ chồng chị thuê trọ nhiều năm nay chưa có cơ hội mua nhà vì giá nhà tăng liên tục. Ngoài ra lãi suất ngân hàng cao khiến giấc mua sở hữu căn nhà với gia đình chị ngày càng xa. Chị Loan có tìm hiểu thông tin và biết sắp có 2 gói tín dụng hỗ trợ về nhà ở xã hội.

“Tôi mong 2 gói tín dụng sớm được triển khai, các thủ tục mua nhà dễ dàng để người lao động thu thập thấp như chúng tôi sớm có cơ hội mua nhà và ổn định cuộc sống”.

giai-ngan-1-1200x675.jpg

Anh Minh Huấn (Quận Bình Tân, Tp.HCM) – chạy xe công nghệ chia sẻ, anh được người nhà cho xem thông tin về hai gói tín dụng hỗ trợ mua nhà ở xã hội. Nhưng anh vẫn phân vân không biết mình có phải đối tượng được mua nhà ở xã hội hay không. Anh mong có thêm thông tin, thủ tục cần thiết để được vay vốn và sớm có cơ hội mua nhà.

Ngoài ra, người dân mong muốn các thông tin về điều kiện mua và duyệt hồ sơ phải minh bạch, rõ ràng để người có nhu cầu thực sự được tiếp cận. Bởi thực tế, tình trạng mua đi bán lại nhà ở xã hội vẫn đang diễn ra, dẫn đến việc người có nhu cầu thực sự lại không mua được, vô tình lại tiếp tay, làm lợi cho các đối tượng “cò”.

Tú Uyên