Bảng xếp hạng top 100 trường đại học Việt Nam VNUR 2023 chưa đủ tin cậy?

Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 09:35, 21/02/2023

Đại diện một số trường cho rằng, việc nhóm nghiên cứu VNUR 2023 không trực tiếp làm việc với trường để thu thập dữ liệu, chỉ tìm kiếm từ trên mạng Internet sẽ không đảm bảo chính xác.

Vừa qua, bảng xếp hạng top 100 trường đại học Việt Nam năm 2023 - Viet Nam's University Rankings (VNUR) được công bố đã gây được sự chú ý của cộng đồng học thuật.

Được biết, VNUR được thực hiện trong khuôn khổ hoạt động của một công ty phi lợi nhuận. Nhóm nghiên cứu gồm GS Nguyễn Lộc, nguyên cán bộ nghiên cứu, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Ths Nguyễn Vinh San, Thạc sĩ Đo lường và Đánh giá trong Giáo dục, Trường Đại học Sư Phạm (Đại học Đà Nẵng) cùng một số chuyên gia khác.

Nhóm nghiên cứu cho biết đã tiến hành rà soát tất cả 237 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam thông qua việc xử lý dữ liệu thông tin rất lớn.

Dữ liệu này bao gồm các báo cáo ba công khai, các đề án tuyển sinh, các dữ liệu về xếp hạng, kiểm định, định hạng vào năm 2022 của Bộ GD&ĐT, QS, QS Stars, UPM, dữ liệu của Web of Science trong giai đoạn 5 năm (2018 - 2022), dữ liệu về hoạt động khoa học công nghệ và sáng chế của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng nhiều thông tin được tham khảo có chọn lọc trên các trang web liên quan.

Tổng số 191 trường có đầy đủ số liệu để thực hiện xếp hạng. Theo bảng xếp hạng này, Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn đầu danh sách, xếp thứ hai là Đại học Quốc gia TPHCM.

Các vị trí tiếp theo trong top 10 lần lượt là: Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế.

Bảng xếp hạng top 100 trường đại học Việt Nam VNUR 2023 chưa đủ tin cậy? - 1
Bảng xếp hạng top 100 trường đại học Việt Nam VNUR 2023 chưa đủ tin cậy? - 2
Bảng xếp hạng top 100 trường đại học Việt Nam VNUR 2023 chưa đủ tin cậy? - 3

Top 10 trường đại học Việt Nam theo bảng xếp hạng Viet Nam's University Rankings (Ảnh: VNUR).

Đại học lọt vào top 10 trong bảng xếp hạng cho rằng chưa đủ tin cậy

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo một đại học nằm trong top 10 của bảng xếp hạng VNUR 2023 chia sẻ, bản thân ông rất ủng hộ việc khởi động một bảng xếp hạng đại học của Việt Nam, bởi đây là cách làm có thể giúp các trường phấn đấu, phát triển.

Tuy nhiên, ông cho rằng, bảng xếp hạng VNUR hiện chỉ mang tính tự phát của một nhóm chuyên gia. Họ không làm việc trực tiếp với các trường để thu thập dữ liệu, thay vào đó chỉ rà soát, tìm kiếm các báo cáo ba công khai, đề án tuyển sinh,… từ mạng Internet, "cái có cái không". Bởi vậy, dù trường này được xếp trong nhóm top đầu, ông cũng cảm thấy bảng xếp hạng chưa đủ tin cậy.

"Khảo sát hơn 200 cơ sở giáo dục đại học đòi hỏi phải có nguồn lực rất lớn và quan hệ rất rộng. Để làm được cần có một tổ chức nghiêm túc, đủ tài chính, đủ nguồn lực đứng ra thu thập dữ liệu từ các trường mới có thể xếp hạng được. Dù chúng tôi được xếp trong top đầu, cũng có những tiêu chí xếp ở vị trí rất cao nhưng tôi cho rằng không đủ cơ sở để xếp hạng như vậy", vị lãnh đạo nêu quan điểm.

Lãnh đạo một trường đại học khác nằm trong top 40 thì bày tỏ thắc mắc, không rõ nhóm nghiên cứu lấy theo nguồn dữ liệu nào để xếp hạng.

"Nhóm nghiên cứu đã công bố bảng xếp hạng này trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng chưa thấy hỏi hay trao đổi gì với các trường, cũng không lấy số liệu trực tiếp từ các trường. Họ giải thích là lấy từ các báo cáo ba công khai, đề án tuyển sinh, nhưng cũng phải xem số liệu đó lấy từ năm nào. Đã đánh giá thì phải cùng thời điểm mới thống nhất giữa các trường được", ông nói.

Theo vị lãnh đạo này, việc công khai bảng xếp hạng các trường đại học ở thời điểm mùa tuyển sinh có phần khá nhạy cảm.

"Tôi nghĩ nếu là một bảng xếp hạng công khai của Việt Nam thì cần có một tổ chức nào đó đứng ra làm và phải thông báo với các trường những tiêu chí đánh giá. Bên cạnh đó, dữ liệu nên lấy trực tiếp từ các trường mới đầy đủ và chuẩn xác.

Ở đây, mới chỉ có một nhóm nghiên cứu đứng ra làm. Tôi cho rằng Bộ GD&ĐT nên có ý kiến, vì nếu cứ công bố kết quả nghiên cứu theo cách này sẽ gây ảnh hưởng tới các trường", ông cho hay.

Chuyên gia chưa tin tưởng tính chính xác, đầy đủ của số liệu

Đưa ra nhận định cá nhân về bảng xếp hạng đại học VNUR, chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu, đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ Giáo dục tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho rằng, về mặt tiêu chí, VNUR có tiêu chí khá tốt, đầy đủ. Bảng xếp hạng này lấy từ tiêu chí liên quan đến đào tạo, nghiên cứu, đến cơ sở vật chất,...

Tuy nhiên, dù tiêu chí có tốt, tức thang điểm đánh giá tốt, nhưng nếu lấy số liệu không đầy đủ thì rất khó để xếp hạng chính xác.

"Thực tế, tôi không tin tưởng lắm về phần số liệu. Vì với một bảng xếp hạng mới ra đời, làm sao nhóm nghiên cứu có đủ số liệu từ các trường, đảm bảo số liệu đó là chuẩn hóa và chính xác được hết. Sẽ có trường nộp số liệu mới nhất, có trường nộp số liệu cũ cách đây mấy năm. Thậm chí, có trường nộp số liệu chân thực, nhưng cũng có thể có trường sẽ cố tình họ "xào nấu" một chút để số liệu đẹp hơn.

Theo tôi, thời điểm này, có lẽ chúng ta chỉ nên dùng bảng xếp hạng để tham khảo, còn nếu dựa vào đây để đưa ra các quyết định thì chưa nên", anh Hiếu chia sẻ.

Phân tích kỹ hơn về nhận định trên, chuyên gia Lê Đình Hiếu cho hay, một trong những nguồn dữ liệu được nhóm nghiên cứu thu thập để đánh giá là đề án tuyển sinh của các trường. Tuy nhiên, những đề án này do trường tự viết, tự báo cáo lên Bộ GD&ĐT, không có đơn vị thẩm định. Điều này dẫn đến một số trường có thể "viết hay", một số trường lại viết rất đơn giản.

"Tôi lấy ví dụ có một trường đại học luôn được đánh giá hàng đầu về chất lượng nhưng không nằm trong top cao. Nếu dựa vào đề án tuyển sinh, sẽ dễ dàng nhận thấy họ luôn làm đơn giản, không đưa ra nhiều thành tích, dù trên thực tế họ rất có "tiếng tăm". Bởi vậy, tôi nghĩ việc dựa vào dữ liệu này để xếp hạng sẽ chỉ mang tính tương đối", anh nói.

Chuyên gia này nhấn mạnh, nhìn theo cả hai chiều, anh không phản đối bảng xếp hạng VNUR. Bởi phải có những bảng xếp hạng như trên ra đời và phải trải qua nhiều năm mới công bố, đến những năm sau mới có một được bảng xếp hạng chuẩn nhất.

"Tôi vẫn ủng hộ bảng xếp hạng này ra đời, chỉ có điều tôi không tin ngay ngày hôm nay nó đã chính xác nhất. Sau một vài năm, có thể bảng xếp hạng VNUR sẽ tốt hơn", anh nêu quan điểm.

Bảy tỏ nhận định về ý kiến "đã có những bảng xếp hạng quốc tế nên không cần một bảng xếp hạng của Việt Nam nữa", chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu cho biết, để được những bảng xếp hạng quốc tế như QS World University Rankings hoặc Times Higher Education đánh giá, các trường cũng cần đủ nguồn lực tài chính.

Theo đó, để có cơ hội được đưa vào các bảng xếp hạng này, trước hết các trường phải đóng phí để trở thành hội viên của tổ chức nước ngoài nói trên. Sau đó, trường phải nộp rất nhiều giấy tờ, số liệu và mời đoàn nước ngoài về để đánh giá, kiểm tra những dữ liệu đó.

"Theo tôi, chỉ những trường tư thục hoặc những trường công lập có đủ ngân sách mới làm được. Còn những trường nhỏ, nguồn lực tài chính không mạnh khó có thể theo được những bảng xếp hạng trên", anh nhận định.

Được biết, VNUR xếp hạng các trường đại học dựa trên 6 tiêu chuẩn, gồm: Tiêu chuẩn chất lượng được công nhận (30%); Tiêu chuẩn dạy học (25%); Tiêu chuẩn công bố bài báo khoa học (20%); Tiêu chuẩn nhiệm vụ khoa học công nghệ và sáng chế (10%); Tiêu chuẩn chất lượng người học (10%); Tiêu chuẩn cơ sở vật chất (5%).

Nhật Lam