Cha mẹ lơ là, con gặp tai họa
Tin Y tế - Ngày đăng : 18:50, 20/02/2023
Mổ mắt, rách chân vì súng tự chế, kéo
Ngày 20/2, bác sĩ Lê Quang Mỹ - khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 2 - đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi bị một viên đạn cắm sâu vào xương sọ, vị trí trên ổ mắt phải của bé trai.
Cháu được người nhà đưa vào bệnh viện địa phương sơ cứu rồi chuyển đến Nhi đồng 2 trong trạng thái tỉnh táo.
Chụp cắt lớp sọ não, bác sĩ phát hiện viên đạn nằm cạnh mắt phải, găm vào xương sọ bệnh nhân. Các bác sĩ mổ cấp cứu, lấy ra viên đạn chì kích thước 5 mm.
Người nhà cho biết hôm 18/2, bé đến nhà bạn chơi, cùng nhau nghịch khẩu súng săn. Tưởng trong nòng súng không có đạn, cậu bạn bóp cò, viên đạn bay vào mặt bé.
Vừa qua bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân V. L. (nam, 11 tuổi).
Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ chơi với em trai, có dùng kéo sắc nhọn vô tình đâm vào bắp chân trái, gây vết thương chảy máu.
Người nhà đưa trẻ vào bệnh viện địa phương, cắt lọc khâu vết thương và theo dõi 4 ngày thấy chân sưng không giả, đau nhức nên chuyển bệnh viện tỉnh, cắt bớt chỉ vết thương, băng ép, chuyển bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật mở rộng vết thương bóc tách cơ, khâu nối phục hồi động mạch khoeo, cột tĩnh mạch khoeo….
Kết quả sau gần 2 tuần điều trị tình trạng trẻ cải thiện dần, chân hết sưng cử động khá, mạch mu chân và chày sau bắt rõ.
Phụ huynh bảo vệ trẻ như thế nào?
Ngoài hai trường hợp trê, rất nhiều tai nạn sinh hoạt liên quan đến các loại vật dụng có tính sát thương như các loại súng tự chế, súng đạn chì ở những vùng nông thôn dùng để bắn chim, bắn gà.
Bác sĩ Lê Quang Mỹ khuyến cáo phụ huynh không nên sử dụng những vật này vì việc này rất nguy hiểm, trẻ nhỏ hiếu động có thể gây tai nạn đe dọa tính mạng.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM - cho hay các tai nạn thương tích tại nhà trẻ trong nhóm từ 1 -7 tuổi có thể gặp phải như: dị vật đường thở, bỏng, ngạt nước…
Do đó, cách phòng ngừa chung nhất là luôn giữ trẻ, để ý trẻ cẩn thận.
Phụ huynh không nên cho trẻ nhỏ chơi nam châm hoặc các món đồ có kích thước nhỏ hơn 5cm.
Khi nghi ngờ con em mình nuốt phải dị vật, phải đưa ngay trẻ đến bệnh chuyên khoa nhi để được chẩn đoán sớm, xử trí kịp thời, tránh nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
Để phòng ngừa các tai nạn thương tích ở trẻ, bác sĩ khuyến cáo thêm, các cửa sổ đều có lưới che chắn, cầu thang gác có nắp đậy, cửa ra vào lan can đóng, khóa cẩn thận, các ổ điện có nút đậy, bàn ủi, pô xe, bình nước sôi…để cao xa tầm với trẻ, xô nước được đậy kín hoặc trút hết nước ra, hồ non bộ ít nước.
Bên cạnh đó, các đồ trang trí bằng điện, kết nối dây kẽm phải được che chắn, các bình bông, vật nặng, tủ bàn được cố định phù hợp tránh ngã đổ, các loại hóa chất, xăng dầu, thuốc men, các vật dụng sắc nhọn…để xa tầm với trẻ.