Chương trình phổ thông mới: Phụ huynh không thể 'khoán trắng' cho giáo viên
Nhịp sống - Ngày đăng : 15:10, 20/02/2023
Ngày 20/2, Bộ GD&ĐT thông tin về điểm mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 và yêu cầu trong quá trình thực hiện. Hiện chương trình phổ thông mới đang áp dụng cho các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10, còn lại lớp 4, 5, 8, 9, 11, 12 đang học chương trình phổ thông cũ.
Trong đó, chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi học sinh phải tự học nhiều hơn, vận dụng kiến thức thực tiễn cuộc sống. Để đáp ứng tốt các yêu cầu trên, phụ huynh cần tăng cường hỗ trợ các em học tập, vận dụng kiến thức bên ngoài khuôn viên nhà trường.
Đây là điểm mới, khác với chương trình phổ thông cũ - chỉ yêu cầu phụ huynh phối hợp với giáo viên, nhà trường trong việc giáo dục đạo đức, chưa chú trọng việc giáo dục kiến thức, nội dung bài học..
Như vậy, phụ huynh không thể khoán trắng cho giáo viên, nhà trường, mà cần đồng hành cùng con, hỗ trợ học tập và giáo dục đạo đức, lối sống tốt hơn.
Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ, chương trình phổ thông mới chú trọng phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh. Các năng lực, phẩm chất này được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học, cấp học.
Các trường cần xác định mục tiêu giúp học sinh vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.
Chương trình giáo dục mới có 14 môn học. Càng lên các cấp học cao hơn thì số môn bắt buộc càng giảm. Cấp tiểu học và THCS có 10 môn học bắt buộc, 2 môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1, 2.
Cấp THPT gồm 6 môn học bắt buộc: Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Lịch sử. 4 môn học lựa chọn: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Ngoài ra còn có môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2).
Ở chương trình phổ thông cũ, phương pháp dạy học cơ bản vẫn nặng về trang bị kiến thức và kỹ năng làm bài tập theo yêu cầu thi cử. Nội dung sách giáo khoa được xem là tài liệu duy nhất để đánh dạy học, đánh giá và thi cử. Học sinh có một bộ sách duy nhất.
Trong khi đó ở chương trình giáo dục mới học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức để phát triển năng lực phẩm chất. Học sinh học thông qua làm, thực hành và nhiều bộ sách giáo khoa.
Vai trò của giáo viên cũng được thay đổi. Ở chương trình cũ, giáo viên dạy theo phân phối chương trình được xác định, theo nội dung đã có trong sách giáo khoa. Trong khi đó chương trình mới mang tính "mở", giáo viên chuyển mạnh từ vai trò người truyền thụ kiến thức sang định hướng.
Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh, đổi mới giáo dục là tác động đến con người, đòi hỏi có thời gian cho sự phát triển về phẩm chất, năng lực, cần có thời gian đủ dài mới đánh giá được đầy đủ kết quả, hiệu quả giáo dục. Vì vậy, việc triển khai chương trình mới cần đặc biệt chú trọng về phương pháp, cách thức thực hiện đúng định hướng đổi mới.