Căng thẳng cuộc chạy đua vào lớp 10 trung học phổ thông công lập

Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 17:11, 19/02/2023

Mùa tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024 đang nóng dần. Hàng loạt địa phương đã công bố phương án tổ chức thi tuyển. Riêng Hà Nội, vẫn đang loay hoay việc nên thi 3 hay 4 môn.
Căng thẳng cuộc chạy đua vào lớp 10 trung học phổ thông công lập
Học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2022 - 2023. Ảnh: Vân Trang

Có nơi không thi tuyển vào lớp 10?

Đến thời điểm hiện tại, đã có 8 tỉnh thành công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024. Trong đó, Đồng Tháp là địa phương duy nhất không tổ chức thi mà tuyển sinh bằng xét kết quả học tập.

Tỉnh này dự kiến tuyển 70% số học sinh tốt nghiệp THCS trong tỉnh vào học lớp 10 các trường THPT. Số còn lại, sẽ tham gia học nghề hoặc học chương trình giáo dục thường xuyên tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên; trường THPT có tổ chức dạy học theo chương trình giáo dục thường xuyên.

Tại Ninh Bình, thí sinh đăng ký dự thi và xét tuyển vào trường THPT đại trà thi 3 bài thi: Toán, Ngữ văn và tổ hợp. Bài thi tổ hợp gồm môn tiếng Anh (hình thức trắc nghiệm, chiếm khoảng 60% bài thi) và 2 môn, bao gồm một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và một trong các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Điểm của mỗi môn thi trong 2 môn thi còn lại là bằng nhau và chiếm khoảng 20% tổng số điểm của bài thi.

Giám đốc Sở GDĐT công bố tổ hợp các môn thi bài thi tổ hợp trong ngày 15.4.

Nhiều tỉnh thành khác như TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ... lại lựa chọn thi 3 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để tuyển sinh vào lớp 10.

Loay hoay chọn lựa 3 hay 4 môn

Hà Nội vẫn chưa có phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024. Ảnh: Vân Trang
Hà Nội vẫn chưa có phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024. Ảnh: Vân Trang

Ngày 16.2, UBND TP Hà Nội đã lấy phiếu khảo sát xin ý kiến giáo viên về nội dung thi 3 hay 4 môn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024.

Phiếu khảo sát đưa ra 3 phương án khảo sát gồm: Thi 3 môn (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ); thi 4 môn (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thi thứ 4 bằng hình thức bốc thăm) và ý kiến khác.

Trong khi Hà Nội vẫn chưa "chốt" số lượng và phương án tuyển sinh vào lớp 10, trên khắp các diễn đàn, phụ huynh, giáo viên đều ủng hộ phương án thi 3 môn vào lớp 10 để giảm áp lực cho học sinh.

Sở dĩ, họ mang tâm lí căng thẳng, lo lắng là bởi trong nhiều năm nay, hệ thống trường công lập không thể đáp ứng hết nhu cầu của người học.

Chẳng hạn, năm học 2021 - 2022, trong gần 107.000 em đăng ký thi vào lớp 10, có khoảng 64,7% trúng tuyển vào các trường THPT công lập. Còn năm học 2022 - 2023, con số này là khoảng 60%.

Số học sinh còn lại sẽ học các trường tư, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề.

Áp lực không nằm ở số môn thi

Nhiều người ví, tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội luôn căng thẳng, quyết liệt hơn cả thi đại học. Đặc biệt, ở khu vực nội thành đông dân nhưng ít trường khiến cuộc đua càng thêm "nóng".

Nhiều học sinh 7-8 điểm/môn vẫn trượt, điều này tạo nên áp lực lớn cho cả thí sinh và phụ huynh.

"Phần lớn phụ huynh mong muốn con trúng nguyện vọng trường công lập. Tuy nhiên, ở tại Hà Nội, mỗi năm chỉ tiêu cho trường THPT công lập chỉ khoảng 60% nên áp lực là rất lớn.

Áp lực không phải ở số môn thi bao nhiêu. Bởi nếu có thời gian, phụ huynh vẫn sẽ tìm các lớp học thêm cho con" - thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên Sinh học tại Hà Nội nêu quan điểm.

Tranh cãi nên thi 3 hay 4 môn để tuyển sinh vào lớp 10 vẫn chưa có hồi kết. Học sinh thì vẫn đang phải đối mặt với nhiều áp lực: Áp lực của việc học tập, áp lực đến từ sự kỳ vọng của gia đình...

"Rất khó để khẳng định thi ba hay bốn môn là phù hợp hơn, bởi chúng ta chưa có thống kê so sánh việc học sinh thi tuyển vào lớp 10 hai môn, ba môn hay bốn môn thì học sinh đó chất lượng học tập như thế nào khi vào bậc THPT.

Nếu thi càng ít môn thì càng giảm tải được áp lực học tập, hạn chế tình trạng học thêm, luyện thi; bớt được kinh phí cho phụ huynh, xã hội. Đây là lợi ích trước mắt. Còn về về lâu dài, chúng ta nên bãi bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 khi điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu học tập tối đa cho học sinh, tiến tới phổ cập THPT" - thầy Nguyễn Văn Lực, giáo viên Trường THCS Trịnh Phong (Khánh Hòa) nêu quan điểm.