Sau ChatGPT, Việt Nam có nhiều tiềm năng, dư địa để đưa AI vào đời sống
Cuộc sống số - Ngày đăng : 08:30, 19/02/2023
Lời tòa soạn: ChatGPT là chương trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên do OpenAI phát triển với khả năng trả lời gần như mọi câu hỏi của người sử dụng. Chỉ sau 2 tháng kể từ khi ra mắt, ChatGPT đã chạm mốc 100 triệu người dùng; bỏ xa các hiện tượng công nghệ khác. Cùng với sự nổi lên của ChatGPT, có không ít vấn đề xoay quanh chương trình AI này được "mổ xẻ". Đó là những câu chuyện về khả năng của công nghệ AI, tính ứng dụng hay các vấn đề pháp lý. Góp thêm một góc nhìn của giới công nghệ Việt Nam, VietNamNet xin gửi tới độc giả những chia sẻ của ông Đặng Thái Hòa - Phó Tổng Giám đốc Rikkeisoft kiêm Giám đốc Rikkei AI về trào lưu ChatGPT. |
Ông đánh giá thế nào về cơn sốt ChatGPT thời gian qua?
ChatGPT đang được người dùng từ nhiều ngành nghề khác nhau quan tâm, bởi họ cảm thấy chưa công cụ chatbot nào có thể trả lời tốt về mọi lĩnh vực như vậy.
So với các mô hình chatbot trước đây, ChatGPT có ưu điểm về mặt công nghệ, cũng như mức độ đầu tư về mặt dữ liệu và cả việc dùng người để huấn luyện AI. Tuy nhiên theo góc nhìn của cá nhân tôi, sẽ có hai vấn đề cần lưu ý về ChatGPT, đó là độ sâu và độ tin cậy của câu trả lời.
Kết quả do ChatGPT trả về sinh ra từ AI, dựa trên lượng lớn dữ liệu được học từ trước, vì vậy không thể hoàn toàn tin cậy vào công cụ này. Còn về độ sâu, một con chatbot có khả năng hỗ trợ mọi lĩnh vực chắc chắn không thể sâu bằng những chuyên gia dành nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu về vấn đề đó.
Sự nổi lên của ChatGPT sẽ tác động ra sao tới thế giới công nghệ những năm tới?
Sự nổi lên của ChatGPT khiến thị trường công nghệ AI hấp dẫn trở lại. Bởi sau đó, nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã liên tục cho ra đời các sản phẩm, dịch vụ mới như Microsoft nâng cấp Bing, Google nghiên cứu và phát triển chatbot mới. Trong 1-2 năm tới, chatbot cũng như công nghệ AI chắc chắn sẽ còn được chú ý tới nhiều hơn.
Không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, nhiều ngành nghề khác như sáng tạo nội dung, giáo dục sẽ chịu những tác động nhất định từ cơn sốt ChatGPT.
Qua việc học thêm thông qua dữ liệu và tương tác với con người, ChatGPT sẽ ngày càng hoàn thiện và dần dần, người dùng sẽ khó phân biệt kết quả trả về là của ChatGPT hay người thật.
Tuy vậy trên thực tế, ChatGPT chưa thể áp dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bởi công cụ này chỉ giúp tổng hợp, chọn lọc và cung cấp thông tin chứ chưa có khả năng đánh giá, phân tích chuyên sâu.
Nguy cơ, rủi ro mất an toàn thông tin là có thể xảy ra khi sử dụng ChatGPT. Vì vậy, người dùng cần tránh cung cấp cho con AI này các thông tin cá nhân cũng như những số liệu về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Các sản phẩm AI Việt đang đứng ở đâu? Chúng ta có lợi thế gì và còn thiếu gì so với thế giới?
Ở Việt Nam, các công ty công nghệ đều đã có sự đầu tư vào AI, thế nhưng so với thế giới, mức đầu tư này còn hạn chế. Nguyên nhân là bởi việc đầu tư cho AI cần tới dữ liệu lớn và tiềm lực về nguồn vốn, chưa kể đến vấn đề pháp lý.
Theo như tôi biết, ở Việt Nam hiện đã có nhóm nghiên cứu đang ứng dụng ChatGPT để tạo ra nền tảng VoiceGPT (ứng dụng âm thanh và chat để đưa ra câu trả lời).
Nhiều công ty Việt đã cho ra đời các sản phẩm chatbot để phục vụ tư vấn bán hàng, giao tiếp nội bộ. Tuy nhiên để có thể phát triển sản phẩm đến mức như ChatGPT, sẽ phải cần đầu tư nhiều về đội ngũ huấn luyện và học máy.
Đội ngũ kỹ sư AI Việt Nam trẻ trung và dồi dào, chịu khó học hỏi. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với khu vực và thế giới trong lĩnh vực này.
Trong cuộc đua giữa các ông lớn công nghệ, doanh nghiệp Việt liệu sẽ tìm ra cơ hội nào cho mình?
Đến năm 2024, Insider Intelligence dự đoán rằng, chi tiêu bán lẻ của người tiêu dùng thông qua chatbot trên toàn thế giới sẽ đạt 142 tỷ USD, tăng so với chỉ 2,8 tỷ USD vào năm 2019.
Chatbot sẽ ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam. Theo tôi, tiếp thị, thanh toán, xử lý dịch vụ khách hàng là những lĩnh vực chatbot phát huy khả năng mạnh mẽ nhất. Khi chatbot thể hiện được khả năng của mình bằng việc giúp các doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động, quy mô thị trường này có thể sẽ còn tiếp tục mở rộng.
Nếu ChatGPT chính thức được hỗ trợ tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của công nghệ, nhu cầu về các dịch vụ 24/7/365 của khách hàng sẽ ngày càng tăng cao. Điều này trực tiếp thúc đẩy các công ty nhanh chóng chuyển đổi, phát triển chatbot và trợ lý ảo nhằm phục vụ khách hàng vào bất kì thời điểm nào trong ngày.
Đâu là cái đích mà các doanh nghiệp AI Việt nên nhắm tới?
Các sản phẩm ứng dụng công nghệ AI nói chung tại Việt Nam sẽ ngày càng đi sâu vào cuộc sống thường ngày của người dân như trợ lý giọng nói, phân tích hình ảnh trong y tế, giao thông.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của thị trường AI tại Việt Nam nói riêng, tiềm năng, dư địa để đưa sản phẩm AI vào đời sống thực tiễn là rất dồi dào. Chính các doanh nghiệp Việt và các sản phẩm dành riêng cho người Việt sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển và mang đến bước tiến vững chắc cho ngành AI Việt Nam.
Cảm ơn ông!