Cuộc sống của người phụ nữ có chồng từng mang án oan "giết vợ cũ"
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:11, 19/02/2023
Đôi tay run run cầm di ảnh của chồng rồi cần thận lau các vết bụi bám trên tấm kính, người phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt ngấn lệ, vừa đặt cẩn thận tấm ảnh trên ban thời, vừa gọi 3 tiếng "ông Sường ơi?". Đó là bà Vi Thị Cú (68 tuổi, trú thôn Gốc Vối, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) - vợ của ông Mưu Quý Sường (ở cùng thôn) - người từng tù oan hơn 7 năm về tội "Giết người" - nạn nhân là vợ cả của ông Sường.
Cái lạnh của đợt gió mùa Đông Bắc vào trung tuần tháng 2, thi thoảng làm bà Vi Thị Cú ho sù sụ từng cơn. Người phụ nữ 68 tuổi vừa vượt qua cơn thập tử nhất sinh của căn bệnh phổi nhờ sự chăm sóc tận tình của con cháu. Đó là niềm hạnh phúc cuối cùng mà bà có được, sau sự ra đi của chồng cách đây 10 năm.
Người thôn Gốc Vối vẫn nhớ về bà Cú với hành trình cùng chồng, con đi kêu oan. Từ ngày ông Mưu Quý Sường được minh oan vào ngày 29/1/2018 đến nay đã hơn 5 năm trôi qua, nhưng bà Cú vẫn nhớ như in từng lá đơn đã được gửi đi, cũng như những nỗi khổ cực, nhọc nhằn mà hai vợ chồng cùng đồng hành.
Cuộc sống xum vầy bên con cháu
Bà Cú kể, trước ngày bà đến kết duyên với ông Sường vào năm 1988, bà Cú đã có 4 người con riêng với người chồng đầu tiên. Đến năm 1995, 4 người con này được người thân bảo lãnh sang nước Anh sinh sống. Mấy năm qua, các con bà Cú nhiều lần ngỏ lời đưa mẹ sang ở cùng nhưng bà nhất quyết không đồng ý.
Hiện bà ở cùng vợ chồng con trai thứ 5 là Mưu Quý Lợi và mở cửa hàng tạp hóa nhỏ để kinh doanh thêm đồng ra đồng vào. Còn người con gái là Mưu Thị Thìn cũng sống ngay sát vách nhà bà.
"Ban ngày các con đi làm, cháu đi học chỉ có mình tôi ở nhà may có quán tạp hóa được người trong thôn, qua đường thường ghé mua nên đỡ buồn.
Buổi tối cả nhà đông đủ, quây quần bên nhau vui vẻ, ấm áp lắm, giờ tôi cũng chẳng mong ước gì, chỉ mong có thật nhiều sức khỏe để an hưởng tuổi già cùng con, cháu", bà Cú chậm rãi nói.
Nhắc lại câu chuyện về người chồng thứ 2 là Mưu Quý Sường phải mang nỗi oan nghiệt giết vợ cả xuống mồ cách đây gần 50 năm, bà Cú trầm tư kể: Những ngày giá rét đầu tháng 11, năm 1977, cả thôn Gốc Vối xôn xao khi công an đến nhà bắt ông Sường vì tội "giết vợ". Lúc này, bà Cú ngoài đôi mươi, đã lập gia đình với ông H.V.D. (người cùng xã Trù Hựu).
Hơn 10 năm sau (năm 1988), ông Sường "bỗng ra tù", trở về quê hương với hai bàn tay trắng, không mảnh đất cắm dùi, hai người con của ông cũng đã theo người thân sang Trung Quốc.
Ngày đấy, bà Cú cũng trải qua biến cố lớn khi chồng mất để lại 4 đứa con thơ, chẳng biết duyên số run rủi thế nào, hai người gặp nhau rồi quyết định về sống chung một nhà.
"Lúc chúng tôi đến với nhau, cả hai bên nội, ngoại đều kịch liệt phản đối vì ông ấy từng mang cảnh tù tội "giết vợ". Thấy ông Sường thương tôi, thương các con nên tôi bỏ ngoài tai những lời gièm pha, quyết tâm về chung nhà với ông ấy", bà Cú ngậm ngùi nhớ lại ngày hai người đến với nhau.
Những tháng ngày mới về chung sống với ông Sường, bà không những bị gia đình phản đối, mà bà con hàng xóm cũng dần xa lánh, bàn tán đủ điều vì dám lấy chồng từng mang tội "giết vợ".
Bà bảo, ngày mới về chung nhà, ông Sường thường trằn trọc mất ngủ, tính khí cục cằn, bà phải nhiều lần gặng hỏi, mãi sau chồng cũng tâm sự rồi khẳng định không giết vợ cả và mong muốn được đi kêu oan.
Hành trình 30 năm đi đòi công lý cho chồng
Tin lời chồng, bà cùng ông đã viết không biết bao nhiêu lá đơn, gửi đơn đi khắp nơi cầu cứu nhưng không có phản hồi. Đến năm 1989 và 1990, hai người con là anh Mưu Quý Lợi và chị Mưu Thị Thìn lần lượt chào đời nên cuộc sống chồng chất khó khăn, ông bà phải tạm gác lại việc kêu oan để chăm lo cho gia đình.
Khi cuộc sống đỡ khó khăn, hai vợ chồng tiếp tục gửi đơn kêu oan đi khắp nơi. Đến năm 2008, ông, bà nhận được công văn trả lời của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang với nội dung: Cơ quan cảnh sát điều tra không có đủ căn cứ để kết luận ông Sường đã phạm tội giết người. Còn việc ông Sường yêu cầu bồi thường oan sai đã hết thời hiệu giải quyết.
Đến cuối năm 2013, trong khi đang tiếp tục gửi đơn kêu oan cho bản thân, ông Mưu Quý Sường lâm trọng bệnh rồi qua đời.
"Trước lúc mất, chồng tôi có thều thào chưa được minh oan nên muốn vợ, con tiếp tục đi đòi lại công bằng. Nghe chồng nói vậy tôi đành phải an ủi, động viên ông ấy rồi tự nhủ sẽ theo đuổi kêu oan cho chồng đến cùng", bà Cú rưng rưng nước mắt nhớ lại những lời dặn dò của chồng trước lúc lâm chung.
Vào năm 2016, trong lúc xem tivi, bà Cú tình cờ thấy có tin tức về ông Trần Văn Thêm (quê Yên Phong, Bắc Ninh) mang án oan được công khai xin lỗi nên bà nhờ người tìm đến nhà ông này để hỏi cách kêu oan.
"Hơn 1 năm sau, đến ngày 11/12/2017, ông Sường được minh oan, trùng với ngày giỗ sau 3 năm ông mất. Lúc đó, tôi mừng lắm, sau 40 năm mang án oan "giết vợ cũ, cuối cùng chồng tôi đã được minh oan", bà Cú nghẹn ngào nói.
Dù đã hơn 5 năm trôi qua, nhưng ký ức về ngày 29/1/2018, vẫn in đậm trong ký ức của bà Vi Thị Cú khi chính quyền chính thức tổ chức buổi công khai xin lỗi ông Sường.
Ngày đấy, người dân thôn Gốc Vối kéo đến chật kín Hội trường UBND xã Trù Hựu, do bên trong chật kín nên nhiều người phải đứng bên ngoài. Bên trong hội trường, di ảnh ông Sường được gia đình mang đến như để ông chứng kiến việc cơ quan chức năng xin lỗi mình.
Anh Mưu Văn Thắng (SN 1977, con trai ông Sường) cũng kịp từ Trung Quốc về Việt Nam dự buổi xin lỗi công khai. Khi mẹ đẻ chết, bố bị bắt, anh Thắng mới 7 tháng tuổi, còn chị gái Mưu Thầu 12 tuổi. Đến năm 1979, hai chị em được người thân đưa sang Trung Quốc nuôi dưỡng.
Ngày bố mất, anh Thắng và chị Thầu không về Việt Nam được vì đường sá xa xôi. Năm 2020, khi nhận được số tiền đền bù 2,4 tỷ, trừ các chi phí đi lại, bà Cú cho anh Thắng chút vốn mua ô tô để kiếm kế sinh nhai.
Trong suốt cuộc trò chuyện, bà luôn trăn trở về người con riêng của chồng ở nơi đất khách, quê người không có người thân thích mỗi khi ốm đau, bệnh tật sẽ rất cô đơn. Mấy năm trước, bà cũng đã ba lần sang Trung Quốc để thăm và động viên anh Thắng về quê sinh sống nhưng không được.
"Khi chồng tôi được minh oan và chính quyền đã tổ chức buổi công khai xin lỗi gia đình, từ lúc đó chồng tôi và các con mới lấy lại được danh dự, tiếng tăm. Mặc dù ông nhà tôi đã mất nhưng con, cháu cũng phần nào được an ủi và hàng xóm láng giềng cũng không còn xa lánh như trước mà thân thiện, cảm thông hơn", bà Cú vừa nói, rồi vội vàng lấy vạt áo lau vội giọt nước mắt đang chảy tràn trên khuôn mặt.
Bà Cú ngước nhìn lên di ảnh của chồng - ông Mưu Quý Sường, trên ban thờ rồi nghẹn ngào thì thầm "ông ấy khổ lắm chú ạ, đến lúc chết chưa được một ngày nào sung sướng".
Vào khoảng 6h ngày 2/11/1977, Công an huyện Lục Ngạn, Ty Công an Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) nhận tin báo về việc bà Phạm Thị Múi (vợ ông Mưu Quý Sường) chết dưới suối thôn Gốc Vối, xã Trù Hựu. Ty Công an Hà Bắc đã cử lực lượng khám nghiệm hiện trường, tử thi và đưa ông Sường về ghi lời khai.
Tại đây, ông Sường khai 5h cùng ngày, ông dậy nhưng không thấy vợ. Khi đi tìm, ông thấy vợ nằm chết ở đầu nhà.
Sợ liên quan, ông Sường mang thi thể bà Múi xuống suối dựng hiện trường giả việc vợ bị ngã xuống suối. Do nghi ông Sường là người giết vợ nên Công an huyện Lục Ngạn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Sường về tội "Giết người" và chuyển vụ án về Ty Công an Hà Bắc điều tra theo quy định.
Ông Sường bị giam hơn 7 năm và không có phiên tòa nào được mở. Trong thời gian này, trong buồng giam xảy ra vụ phạm nhân đánh nhau và ông bị phạt bốn năm tù. Thụ án xong hình phạt này, đến năm 1988 ông Sường được về nhà sau hơn 11 năm bị bắt.
Sau đó, ông nhiều lần gửi đơn kêu oan đi khắp nơi.