Vỉa hè trung tâm TPHCM bị lấn chiếm, đẩy người đi xe lăn xuống lòng đường
Nhịp sống - Ngày đăng : 10:28, 18/02/2023
Những năm qua, khu vực trung tâm TPHCM đã "thay áo" cho vỉa hè bằng việc lát đá tự nhiên, đáng chú ý là sự xuất hiện của đường lăn, các vị trí hạ hè dành cho người khuyết tật di chuyển. Tuy nhiên, cho đến nay, người khuyết tật hầu như không thể hoặc rất hiếm khi sử dụng được phần đường này do vỉa hè bị lấn chiếm.
Tối 17/2, phóng viên Dân trí có mặt tại đường Nguyễn An Ninh (quận 1), một trong những tuyến đường buôn bán tấp nập với đủ thể loại kinh doanh, nhiều người kê luôn bàn ghế, sạp hàng xuống lòng đường để chào khách.
Một đoạn vỉa hè trên đường này bị lấn chiếm hoàn toàn để làm nơi kinh doanh các loại vali, túi xách. Người dân, du khách nước ngoài buộc phải di chuyển xuống lòng đường để đi.
Ghi nhận ở một số tuyến đường khu vực trung tâm TPHCM, không khó để bắt gặp cảnh người dân, du khách đi bộ phải tràn xuống lòng đường để di chuyển vì vỉa hè đã bị "nuốt trọn" bởi nhiều hình thức khác nhau.
Vỉa hè tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) mặc dù được chỉnh trang, cải tạo khá bài bản, đặc biệt có làn dành riêng cho người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng. Nhưng nhiều cửa hàng kinh doanh tận dụng để đậu xe, thu hẹp không gian vỉa hè khiến người đi bộ bình thường còn khó khăn nói gì đến người khuyết tật.
Khu vực đường Tôn Thất Thiệp (đoạn nối ra phố đi bộ Nguyễn Huệ) vỉa hè gần như bị bịt kín bởi một quán cà phê, một phần lòng đường trở thành bãi đậu xe ôtô. Người dân, du khách nước ngoài đi lại buộc phải len lỏi qua các dãy bàn, ghế gặp nhiều khó khăn.
Tương tự, trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 1), một đơn vị kinh doanh ngang nhiên dùng rào chắn để ngăn vỉa hè, biến khu vực dành cho người đi bộ thành nơi giữ xe máy.
Ngoài ra, tại khu vực cửa Tây chợ Bến Thành (đoạn vỉa hè đường Phan Chu Trinh, quận 1), nhiều người đặt biển giữ xe ngay dưới lòng đường, khu vực vỉa hè gần đó gần như bị chiếm trọn để làm bãi giữ xe máy.
Nhiều người dân phải đi bộ xuống lòng đường vì không còn vỉa hè để đi. Khoảng 500m vỉa hè dọc đường Phan Chu Trinh bị chiếm dụng để làm bãi giữ xe, buôn bán...
"Khu này cả chục năm nay đều lộn xộn như vậy, vỉa hè thì thành bãi xe hết, có thời gian được dẹp bỏ, nhưng sau đó ít bữa đâu lại vào đó, lại nhếch nhác, xe cộ, hàng quán lại bịt kín, dân đành xuống đường để đi thôi", bà Nguyễn Thị Hòa (ngụ quận 1) ngao ngán nói.
Hàng chục bãi giữ xe máy "mọc" lên trên vỉa hè xung quanh chợ Bến Thành, du khách nước ngoài phải đi bộ xuống lòng đường.
Theo quy định của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, mọi hoạt động phải đảm bảo chiều rộng vỉa hè tối thiểu 1,5m phục vụ cho người đi bộ. Nếu hè phố hiện hữu không đủ chiều rộng thì đơn vị quản lý phải có lộ trình thay thế để ưu tiên người đi bộ, trước khi tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.
"Bỏ quên" quy định, nhiều đoạn vỉa hè ở khu vực hồ con rùa (quận 3) gần như bị "bịt kín" bởi các cơ sở kinh doanh tận dụng làm bãi xe, bị quán cà phê, quán ăn lấn chiếm.
TPHCM thuộc top đầu những thành phố đông dân nhất Việt Nam, cũng là thành phố thu hút rất đông khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, không gian đi bộ cho người dân và du khách ở các khu vực trung tâm thành phố đang dần bị thu hẹp vì tình trạng lấn chiếm vỉa hè diễn ra nhiều năm nay.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề vỉa hè bị lấn chiếm, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, thống nhất quan điểm cần chấn chỉnh lại các hoạt động sử dụng vỉa hè tại địa phương.
Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, vấn đề căn cơ nhất trong quản lý và sử dụng vỉa hè phải là công tác quy hoạch. Từ quy hoạch, thành phố sẽ chỉ rõ và xác định khu vực vỉa hè nào được khai thác, được thực hiện các loại hình nào và cơ chế, quy chế quản lý ra sao.
"Công tác quy hoạch sẽ xác định vỉa hè từng tuyến đường, khu vực có thể sử dụng cho chức năng gì. Sẽ có những nơi vỉa hè chỉ được sử dụng cho chức năng đi bộ, không gian công cộng. Những nơi vỉa hè đủ điều kiện sẽ kết hợp nhiều chức năng khác", Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.
Đồng thời, cũng từ quy hoạch, thành phố sẽ có cơ sở để tính đến chuyện xử lý trách nhiệm người đứng đầu ra sao nếu để bất cập xảy ra. Cụ thể, thành phố dựa trên các quy chuẩn, quy định về quản lý vỉa hè tại từng nơi, nếu cơ quan quản lý không làm theo, áp dụng đúng sẽ xử lý.
"TPHCM sẽ làm đồng bộ giữa câu chuyện sắp xếp lại, quy hoạch và xem xét xử lý trách nhiệm", ông Mãi nói.
Quang Huy - Phương Nhi