Năng lực tàu ngầm Nga khiến NATO lo ngại
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 09:28, 18/02/2023
Nga tăng cường hoạt động đội tàu ngầm
Báo cáo thường niên công bố ngày 13/2 của Cơ quan Tình báo Na Uy cho rằng, Nga đang ngày càng dựa vào Hạm đội phương Bắc để tăng cường khả năng răn đe trong khu vực.
“Các lực lượng của Hạm đội phương Bắc sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tập trận định kỳ, các cuộc tuần tra tàu ngầm dài ngày hơn ở Biển Barents và tăng cường hoạt động của tàu ngầm ở Đại Tây Dương. Việc sử dụng các tàu ngầm đa nhiệm ít tiếng ồn mới cũng giúp tăng năng lực của hạm đội Nga ở Biển Na Uy và Đại Tây Dương”, báo cáo nêu rõ.
Hạm đội phương Bắc có 26 tàu ngầm, 10 tàu tác chiến mặt nước, 16 tàu tuần tra và ven biển, 8 tàu tác chiến/đối phó với thủy lôi, 8 tàu đổ bộ, cùng với các máy bay chiến đấu, máy bay chống ngầm và hệ thống phòng không, theo báo cáo năm 2023 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Hạm đội phương Bắc có 6 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đang phục vụ, một tàu đang sửa chữa trong khi 3 chiếc khác đang được chế tạo; ngoài ra còn có 4 tàu ngầm tên lửa hành trình, cộng với 3 chiếc cùng loại đang được chế tạo.
Ông Pavel Luzin, một học giả của Chương trình Nga và Á-Âu tại Đại học Tufts, cho biết Nga đang cân nhắc lại hoàn toàn cách tiếp cận hàng hải trong bối cảnh Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO.
Lo ngại của NATO
NATO ngày càng lo ngại rằng các tàu ngầm tấn công, tàu ngầm tên lửa đạn đạo và tàu lặn chuyên dụng của Nga có thể được sử dụng để đe dọa hoặc tấn công cơ sở hạ tầng kinh tế, quân sự của họ.
Mối lo ngại này tăng lên từ khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014. Kể từ đó, các tàu ngầm Nga đã triển khai thường xuyên hơn, nhiệm vụ kéo dài hơn và hoạt động của chúng gần cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển cũng gia tăng.
Theo Business Insider, Nga đã đầu tư mạnh vào việc hiện đại hóa hạm đội 58 tàu ngầm hiện có, mặc dù 10 trong số đó đã hoạt động hơn 35 năm. Thành phần đáng lo ngại nhất là các tàu ngầm lớp Yasen. Hai tàu lớp Yasen đã đi vào hoạt động từ năm 2014 và tàu thứ ba đang được thử nghiệm trên biển.
Tàu ngầm lớp Yasen được đánh giá là hoạt động đặc biệt yên tĩnh và mang tên lửa hành trình tấn công mặt đất mà các chỉ huy NATO lo ngại có thể được sử dụng để tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng ở châu Âu hoặc Mỹ nếu các tàu này có thể tiến vào Đại Tây Dương trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến.
Hoạt động gần đây của tàu ngầm Nga cho thấy Moscow tập trung vào khả năng đi vào Đại Tây Dương và đến gần Bờ Đông nước Mỹ.
Năm 2019, 10 tàu ngầm của Nga, 8 trong số đó chạy bằng năng lượng hạt nhân, đã thực hiện đợt triển khai bất ngờ từ các căn cứ ở Bắc Cực đến Bắc Đại Tây Dương với mục đích rõ ràng là đi càng xa càng tốt mà không bị NATO phát hiện.
Phó Đô đốc Daniel Dwyer, chỉ huy Hạm đội 2 có trụ sở tại Virginia của Hải quân Mỹ - Hạm đội được kích hoạt lại vào năm 2018 để đối phó với các mối đe dọa hải quân ngày càng tăng - cho biết vào năm 2022 rằng, Đại Tây Dương “không còn cung cấp lợi thế địa lý” cho phép bảo vệ đại lục Mỹ mà Washington đã tận hưởng trong nhiều thập kỷ
Nga cũng tiếp tục chế tạo các tàu ngầm lớp Kilo II chạy bằng điện-diesel chuyên dùng cho trinh sát và tác chiến chống ngầm, đồng thời đã chế tạo ít nhất 2 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cỡ lớn đóng vai trò như tàu mẹ để triển khai các tàu ngầm cỡ nhỏ hơn.
Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có một số lợi thế so với tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường: Chúng thường lớn hơn và có thể mang nhiều vũ khí hơn, đồng thời có thể di chuyển nhanh hơn với hành trình dài hơn.
Ông Tuomas Pöyry, Phó Chủ tịch của Image Soft, một công ty Phần Lan chuyên phát triển hệ thống giám sát dưới nước cho biết, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với các lò phản ứng được thiết kế giảm tiếng ồn mà chúng tạo ra là “những thứ khó phát hiện nhất”.
“Nếu một tàu ngầm hạt nhân hiện đại lặn và ở yên dưới đáy biển để ẩn nấp và chờ đợi, chúng rất khó bị phát hiện”, ông Pöyry nói. Tuy nhiên, một tàu ngầm di chuyển sẽ gây ra tiếng ồn, và thậm chí cả những tàu ngầm hạt nhân có độ ồn thấp nhất cũng vẫn có thể bị phát hiện cách xa hàng chục km trong điều kiện thích hợp.
Cuộc săn tìm dưới nước
Tấn công tàu chiến, đặc biệt là tàu sân bay và cơ sở hạ tầng của đối phương, chẳng hạn như cảng biển, là nhiệm vụ chính của các tàu ngầm tấn công và tên lửa hành trình của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Việc theo dõi các tàu ngầm đó là mối quan tâm chính của NATO.
Ở giai đoạn đầu Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã phát triển Hệ thống giám sát âm thanh (SOSUS), một mạng lưới sonar nhằm phát hiện và xác định các tàu ngầm của Liên Xô trong “khoảng trống” GIUK (nằm giữa Greenland-Iceland-Vương quốc Anh) có vị trí chiến lược ở Bắc Đại Tây Dương.
Thông tin về SOSUS cuối cùng bị rò rỉ cho Liên Xô, làm giảm hiệu quả của nó, nhưng Mỹ vẫn điều hành mạng lưới này cho đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Mỹ cũng thu được thông tin tình báo về tàu ngầm Liên Xô thông qua các hoạt động bí mật, bao gồm cả việc trục vớt một phần tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo K-129 bị chìm năm 1974 và nghe lén thông tin liên lạc của hải quân Liên Xô.
NATO tập trung nhiều hơn vào việc tìm kiếm và theo dõi tàu ngầm Nga trong những năm gần đây khi Moscow củng cố hạm đội dưới biển và thể hiện khả năng tấn công các mục tiêu sâu trong đất liền bằng tên lửa hành trình mới.
Các chuyên gia cho rằng, các công nghệ mới sẽ khiến việc phát hiện tàu ngầm của đối phương trở nên phức tạp hơn bao giờ hết trong những năm tới. Quân đội các nước NATO tỏ ra thận trọng khi nói về khả năng tìm kiếm những tàu ngầm như vậy. Một số quan chức thậm chí thừa nhận rằng họ không thể nhìn thấy mọi thứ họ muốn thấy.
Tại phiên điều trần của Thượng viện vào tháng 2/2020, người đứng đầu Bộ Tư lệnh lực lượng Mỹ ở châu Âu đã được hỏi liệu các lực lượng Mỹ có “bao quát đầy đủ” đối với các tàu ngầm Nga ở Đại Tây Dương hay không.
Khi đó ông trả lời rằng: “Chúng tôi đã làm nhưng không phải 100%”./.