Chuyện chưa kể về anh hùng Lộc Viễn Tài: Cuộc chiến đấu bảo vệ Lũng Làn

Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 18:51, 17/02/2023

Tên của anh hùng - liệt sĩ Lộc Viễn Tài đã được đặt cho một đoạn đường ở TP.Hà Giang (Hà Giang), nhưng câu chuyện về ông - thượng úy Lộc Viễn Tài, người đồn trưởng biên phòng hy sinh trong những ngày đầu của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 và được phong anh hùng, thì ít người biết đến.

Những năm 1970, Đồn Công an nhân dân vũ trang Lũng Làn (nay là Đồn biên phòng Sơn Vĩ) nằm ở địa bàn H.Mèo Vạc - nơi xa xôi, khó khăn, vất vả, hẻo lánh nhất tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang). Chính vậy, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đầu năm 1979 ở đây cũng rất khốc liệt.

Xem thêm: 44 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc: Vì độc lập, tự do

Chuyện chưa kể về anh hùng Lộc Viễn Tài: Cuộc chiến đấu bảo vệ Lũng Làn  - Ảnh 1.

Bộ đội biên phòng Hà Giang đánh trả quân Trung Quốc xâm lược, tháng 2.1979

Người chỉ huy mưu lược

Đầu năm 1979, đại úy - đồn trưởng Hoàng Văn Yêu nghỉ hưu sau 13 năm giữ chức Đồn trưởng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng) Lũng Làn (nay là Đồn biên phòng Sơn Vĩ, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Giang). Thượng úy Lộc Viễn Tài, khi đó là trợ lý huấn luyện của Ban tham mưu, Công an vũ trang Hà Tuyên, được cử lên thay ông Yêu làm Đồn trưởng Lũng Làn. Khi ông Tài lên tới đồn, chỉ còn 8 ngày nữa là tết âm lịch.

Thượng úy Nguyễn Vũ Dương (nguyên Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Lũng Làn, hiện đang ở TP.Hà Giang) kể lại thời điểm tháng 2.1979 khi đang là trung sĩ, Phó trung đội trưởng vũ trang Đồn biên phòng Lũng Làn: Từ ngày 13.2.1979, người dân đã báo cho bộ đội "lính Trung Quốc về xóm Lũng Mèo bên kia biên giới rất đông. Chúng bàn tán là ngày 17.2 sẽ đánh sang đồn ta".

Xem thêm: Chiến tranh biên giới phía Bắc: Sòng phẳng với lịch sử không phải kích động hận thù

Tháng 2.1979, cuộc tấn công xâm lược của Trung Quốc trên tuyến biên giới Hà Tuyên diễn ra theo một hình thái rất đặc biệt: Chúng chỉ sử dụng 1 sư đoàn độc lập và đánh ta ở khu vực biên giới. Địch không đánh vào nội địa và ở khu vực biên phòng, cũng không phát triển tấn công sâu. Từ thời kỳ đầu mở cuộc xâm lược đến sau khi rút quân, địch chỉ đánh vào 5 đồn biên phòng (Lũng Làn, Săm Pun, Phó Bảng, Thanh Thủy, Bản Máy), trong đó Đồn Lũng Làn bị đánh nhiều nhất cũng chỉ 2 lần…

(Thượng úy Nguyễn Vũ Dương, nguyên Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Lũng Làn)

Thời điểm này, trạm quan sát trên điểm cao 1379 của đồn cũng phát hiện rất nhiều xe vận tải quân sự của Trung Quốc chạy đến trạm Lũng Hồ (Trung Quốc). Từ những thông tin trên, Đồn trưởng Lộc Viễn Tài ngay lập tức triển khai phương án phòng thủ, điều hỏa lực ra các chốt, đưa các tổ chiến đấu chiếm lĩnh những vị trí thuận lợi để phục đánh địch. Ngày 16.2.1979, thám báo Trung Quốc mò sang ta trinh sát, qua mốc 138 thì trúng mìn ta gài dẫn đến thương vong, cả nhóm phải khênh nhau về.

Rạng sáng 17.2.1979, sau khi nã pháo dữ dội sang ta, phía Trung Quốc cho 1 trung đoàn bộ binh bao vây tấn công Đồn biên phòng Lũng Làn và 1 tiểu đoàn khác đánh chiếm điểm cao 1379 (Phìn Lò).

Xem thêm: Khoảnh khắc khó quên về cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979

Chuyện chưa kể về anh hùng Lộc Viễn Tài: Cuộc chiến đấu bảo vệ Lũng Làn  - Ảnh 3.

Anh hùng Lộc Viễn Tài

Chỉ huy lực lượng phòng ngự tại doanh trại, Đồn trưởng Lộc Viễn Tài trực tiếp dùng đại liên K53 bắn loạt đạn đầu tiên vào tốp lính đi đầu, báo hiệu cho các hỏa lực đồng loạt đánh địch, gây thương vong lớn, buộc chúng phải tháo lui. Khoảng 10 giờ sáng, bộ binh Trung Quốc tấn công đợt 2, Đồn trưởng Lộc Viễn Tài ra lệnh bắn mạnh cho địch co cụm và sau đó dùng cối tiêu diệt, đẩy địch vào bãi mìn, khiến chúng phải rút lui.

Đầu giờ chiều 17.2.1979, lính Trung Quốc mở đợt tấn công thứ 3 vào đồn. Đồn trưởng Lộc Viễn Tài bố trí sẵn 1 tổ đón lõng ở khe núi phía bắc do trung sĩ Nguyễn Vũ Dương làm tổ trưởng. Khi địch tiến quân đến nơi, tổ phục kích nổ súng hất địch xuống thung lũng, để súng cối của đồn rót xuống, khiến địch thương vong nặng, phải chạy về bên kia biên giới.

"Trong ngày 17.2.1979, trận địa phòng ngự tại đồn đứng vững trước sức tấn công mạnh của địch. Tất cả là do sự chỉ huy của anh Tài. Hồi ấy, cả đồn toàn lính mới, chưa đánh nhau", ông Dương nhớ lại.

Chuyện chưa kể về anh hùng Lộc Viễn Tài: Cuộc chiến đấu bảo vệ Lũng Làn  - Ảnh 3.

Thiếu tướng Đinh Văn Tuy, Phó chính ủy Bộ đội Biên phòng (sau được phong hàm trung tướng, giữ chức Chính ủy và Tư lệnh Bộ đội biên phòng) kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biên giới phía Bắc, đầu tháng 1.1979

Chặn địch cho chiến sĩ rút

Ông Nguyễn Xuân Hòa (63 tuổi, đang làm bảo vệ ở Thành ủy Hà Giang), nguyên là chiến sĩ liên lạc Đồn Lũng Làn, trực tiếp theo sát Đồn trưởng Lộc Viễn Tài những ngày đầu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược.

1. Tất cả các đơn vị Công an nhân dân vũ trang trên tuyến biên giới Việt - Trung phải chấp hành nghiêm mệnh lệnh chiến đấu cấp 2, theo đúng quy định số 46 (20.8.1978) của Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang.
2. Ban chỉ huy các tỉnh phải ra lệnh cho các đồn biên phòng, các đơn vị cơ động khẩn trương triển khai sẵn sàng chiến đấu theo phương án tác chiến bảo vệ biên giới. Các cơ quan chỉ huy phải thường trực chỉ huy chặt chẽ.
3. Trung đoàn 12, 16 phải chuẩn bị sẵn sàng cơ động khi có lệnh của Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang.
4. Tạm đình chỉ phép năm, phép tranh thủ cho đến khi có lệnh mới…

(Mệnh lệnh báo động chiến đấu cấp 2 của Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, ngày 27.12.1978)

Nói chuyện với tôi, ông Hòa bảo: "Tôi nợ anh Tài mạng sống". Ông kể: "Sáng 5.3.1979, quân Trung Quốc tiếp tục tràn qua biên giới. Sau khi đẩy lui 6 đợt tấn công của địch vào doanh trại, Đồn trưởng Lộc Viễn Tài thấy chốt Lũng Chín (cách đồn 3km) bị địch vây đánh quyết liệt, có thể bị mất chốt. Ông giao quyền chỉ huy cho thiếu úy - đồn phó Nguyễn Hồng Cẩm, còn mình dẫn 2 chiến sĩ Nguyễn Xuân Hòa và Phạm Văn Phương đi tiếp ứng".

"Gần đến Lũng Chín thì lính Trung Quốc phát hiện chúng tôi. Anh Tài dùng trung liên RPD chiến đấu. Ban đầu địch rất bất ngờ vì bị đánh sau lưng, sau thấy lực lượng mỏng, nên chúng quay lại, cùng với cánh quân mới sang từ Tù Lũng, bao vây tiêu diệt. Khi gần hết đạn, Đồn trưởng Lộc Viễn Tài lệnh chúng tôi rút lui, còn anh ấy ở lại chặn địch", ông Hòa rành mạch vậy và trầm giọng: "Chúng tôi thoát khỏi vòng vây vẫn nghe tiếng RPD quen thuộc. Rồi nghe tiếng lựu đạn nổ, tiếng súng rộ lên rồi lặng xuống và tiếng lính Trung Quốc réo lên… Biết là anh Tài đã hy sinh".

Cũng trong trận 5.3.1979 ở Đồn Lũng Làn, sau khi Đồn trưởng Lộc Viễn Tài hy sinh, địch tập trung đánh vào đồn quyết liệt. Cuối giờ chiều, khi đạn dược gần cạn, Đồn phó Nguyễn Hồng Cẩm và Chính trị viên phó Lưu Đình Toàn quyết định cho đơn vị phá vây, rút lên điểm cao 1379. Khi bị địch đuổi theo, anh Cẩm ở lại chặn đánh địch, nghi binh cho đơn vị rút lui, và anh dũng hy sinh. Trong lịch sử Bộ đội biên phòng, đây là đơn vị duy nhất có 2 chỉ huy hy sinh trong cùng một ngày, để bảo vệ cho bộ đội rút lui an toàn.

"Đêm 8.3.1979, tôi và chiến sĩ Âu Tiến Dũng bò vào đồn (lúc này lính Trung Quốc vẫn đóng giữ), lấy được thi hài anh Cẩm. Hơn chục ngày sau, khi lực lượng tăng viện từ tỉnh lên đến nơi, lính Trung Quốc mới chính thức rút về bên kia biên giới. Chúng tôi đi tìm mãi mới thấy thi hài Đồn trưởng Lộc Viễn Tài nằm dưới chân đồi", ông Nguyễn Vũ Dương kể lại. (còn tiếp)