'Doanh nghiệp bất động sản phải có trách nhiệm với chính mình'
Bất động sản - Ngày đăng : 20:28, 17/02/2023
Kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững sáng 17/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng các cơ quan liên quan hoàn thiện văn bản tổng hợp ý kiến của các đại biểu.
Chia sẻ với hội nghị, Thủ tướng khẳng định Chính phủ và các bộ ngành từ cuối năm ngoái đến nay đều rất tập trung để tháo gỡ các khó khăn của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, đây là vấn đề đã tích tụ từ lâu, nay dưới tác động của những khó khăn bên ngoài và bên trong nên mới bộc lộ.
Do đó, điều quan trọng là nhận thức rõ vấn đề và có hướng giải quyết. Trong đó, giải pháp phải dựa trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, đặc biệt hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng trao đổi thẳng thắn với các doanh nghiệp, bộ ngành, chuyên gia tại hội nghị sáng 17/2. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
8 vấn đề của thị trường bất động sản
Tổng hợp ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng chỉ ra 8 vấn đề chính của thị trường bất động sản hiện nay. Đó là cơ cấu sản phẩm còn lệch pha: Phân khúc cao cấp nhiều, dư dả, có khi đang ế, nhưng ngược lại phân khúc cho người nghèo, người thu nhập thấp, bình dân, người lao động, con cái đối tượng chính sách lại thiếu hụt.
Ngoài ra, giá cả chưa hợp lý. Theo Thủ tướng, thu nhập bình quân đầu người của nước ta hiện chỉ 4.100 USD/năm, nhưng giá nhà ở TP.HCM đã lên đến 55 triệu đồng/m2. "Như vậy, mất 1 năm thu nhập mới mua được 2 m2 nhà ở", ông nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhìn nhận các chính sách quản lý chưa phản ứng kịp thời với diễn biến thị trường. Mặt khác, thị trường còn tồn tại nhiều vướng mắc về pháp lý và khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, gồm cả tín dụng, trái phiếu, chứng khoán và vốn huy động từ khách hàng.
Bên cạnh đó, quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch các dự án còn chậm trễ. Cán bộ một số nơi, một số thời điểm còn sợ trách nhiệm, không dám làm.
Cuối cùng, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ các doanh nghiệp bất động sản chưa thực sự linh hoạt xử lý kịp thời những vướng mắc do chính mình gây ra.
Tất cả chủ thể có liên quan phải có trách nhiệm
Khẳng định lúc khó khăn càng phải đồng lòng, Thủ tướng nhấn mạnh tất cả chủ thể có liên quan, từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp và khách hàng đều phải có trách nhiệm và cùng vào cuộc xử lý.
Tinh thần chung là các giải pháp đưa ra phải cụ thể, rõ ràng, đảm bảo được cả trước mắt lẫn lâu dài, không chuyển trạng thái đột ngột. Đặc biệt, hướng xử lý phải đảm bảo đúng quy luật thị trường và bình đẳng với các ngành nghề khác.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và khách hàng cùng vào cuộc xử lý những vấn đề của thị trường bất động sản. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Đi vào cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước rà soát lại cơ chế, chính sách, pháp luật, tăng cường giám sát, kiểm tra và giải quyết các vấn đề nổi lên. Phía ngân hàng, tài chính phải có biện pháp khơi thông các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán, cũng như nguồn lực từ khách hàng.
Ông yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm các chi phí, tăng cường chuyển đổi số để từ đó có biện pháp giảm lãi suất. Trong đó, muốn hạ lãi suất cho vay thì bắt buộc phải hạ lãi suất huy động, điều này yêu cầu NHNN phải có chức năng quản lý.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại các nhóm nợ, giảm lệ phí... Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng mới phát triển được.
Dù vậy, trong phát biểu kết thúc lẫn xuyên suốt trong hội nghị, Thủ tướng nhiều lần nhắc nhở các doanh nghiệp phải có trách nhiệm với chính mình, tự giải quyết các khó khăn, vướng mắc do chính mình gây ra. Cụ thể, doanh nghiệp phải dự báo tốt về thị trường, từ đó cơ cấu lại các phân khúc, giá cả cho hợp lý nhằm thúc đẩy thanh khoản.
Từ phía chính quyền các cấp, Thủ tướng yêu cầu sớm tháo gỡ khó khăn cho các dự án, trong đó đẩy nhanh hoàn thành quy hoạch cấp tỉnh, TP để làm quy hoạch các dự án bất động sản. Những gì đã có quy hoạch thì phải thực hiện nghiêm, điều chỉnh quy hoạch cũng phải nhanh và phù hợp với tình hình tại chính địa phương.
Ở góc độ khách hàng, Thủ tướng nêu cao việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của khách hàng, nhưng đồng thời ông đề nghị phải có sự tuyên truyền, giáo dục để khách hàng có nhận thức đúng, qua đó quyết định các khoản đầu tư phù hợp với nhu cầu và khả năng.
Theo Thủ tướng, sắp tới Chính phủ sẽ có đề án phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp, đặc biệt là nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho đối tượng chính sách... Ông hoan nghênh các bộ ngành đã đề xuất gói tín dụng cho phân khúc này và cho biết sẽ trao đổi, xin ý kiến các cấp để thực hiện.