Quân sự thế giới hôm nay (17-2): Nhật Bản thất bại trong phóng thử tên lửa H3
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 16:56, 17/02/2023
* Ngày 17-2, các chính trị gia cấp cao và các nhà lãnh đạo quân sự từ khắp nơi trên thế giới tham dự Hội nghị An ninh Munich tại Đức. Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris là những quan chức hàng đầu tham dự sự kiện kéo dài 3 ngày này.
Bộ trưởng Tài chính, Phát triển khu vực, và Nội vụ bang Bavaria (Đức) Markus Söder chào đón Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến dự Hội nghị An ninh Munich. Ảnh: Getty |
Dự kiến, các quan chức Ukraine sẽ phát biểu tại hội nghị. Các lãnh đạo Nga sẽ không tham dự sự kiện. Hội nghị năm ngoái diễn ra chỉ vài ngày trước khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Trong một diễn biến khác, ngày 16-2 Nga đã tăng cường “tập kích” tên lửa khắp Ukraine và tấn công nhà máy lọc dầu lớn nhất nước này. Theo Reuters, trong số ít nhất 36 tên lửa mà Nga bắn, khoảng 16 tên lửa đã bị bắn hạ.
* Thedefensepost ngày 16-2 đưa tin Italy và Pháp đã ký hợp đồng sản xuất chung hệ thống phòng không SAMP/T NG (thế hệ mới). Tổ chức hợp tác vũ khí chung đã ký hợp đồng thay mặt cho Không quân Pháp và Quân đội Italy.
Bản nâng cấp hệ thống phòng không này đã được tiến hành từ năm 2021. Việc giao hàng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2025.
Gagadget cho biết, hệ thống phòng không SAMP/T NG bao gồm tối đa sáu bệ phóng mang tám tên lửa Aster mỗi bệ, và hai trạm radar thế hệ mới. Italy sẽ nhận radar chức năng Kronos Grand Mobile High Power từ Leonardo, còn phía Pháp sẽ nhận radar Ground Fire 300 do Thales cung cấp. Ngoài ra, hệ thống phòng không còn có một mô-đun điều khiển hỏa lực do Thales và MBDA Italy hợp tác sản xuất.
Theo Thedenfensepost, radar có thể phát hiện các mối đe dọa như tên lửa siêu thanh và tên lửa đạn đạo, đồng thời cung cấp khả năng bảo vệ 360 độ. Ngoài ra, hệ thống phòng không còn có thể phát hiện và đánh chặn các mục tiêu trên không ở khoảng cách hơn 350km và tên lửa đạn đạo cơ động ở khoảng cách hơn 600km.
Hợp đồng được ký chỉ vài ngày sau khi các quốc gia ký hợp đồng trị giá 2 tỷ euro (2,18 tỷ USD) với Eurosam về việc cung cấp 700 tên lửa phòng không Aster, trong đó bao gồm cả Aster 30 B1 công nghệ mới.
M109A7 Paladin sẽ được lắp đặt trên M2 Bradley |
* Gagadget ngày 16-2 đưa tin, BAE Systems sẽ cung cấp cho Quân đội Mỹ thêm một lô hệ thống pháo tự hành M109. Hợp đồng kéo dài đến tháng 12-2026 đã được công bố trên trang web chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ. Việc sản xuất sẽ diễn ra tại các nhà máy ở Pennsylvania, Oklahoma, Alabama, Michigan và South Carolina.
Theo trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ, BAE Systems sẽ cung cấp cho Quân đội Mỹ các hệ thống pháo tự hành M109A7 Paladin mới nhất nhưng không cho biết con số chính xác. Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng sẽ nhận được phương tiện vận chuyển và máy xúc M992.
M109A7 Paladin sẽ được lắp đặt trên M2 Bradley. Pháo có cỡ nòng 155mm và có thể tấn công mục tiêu ở cự ly lên tới 30km.
* Tên lửa H3 của Nhật Bản đã không thể cất cánh trong chuyến bay đầu tiên của mình. Kyodo cho biết, ngày 17-2, việc phóng tên lửa H3 từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima trên đảo Tanegashima, tỉnh Kagoshima đã thất bại vì động cơ tăng áp không hoạt động dù động cơ chính đã kích hoạt.
Theo Reuters, trong sự kiện được phát trực tiếp này, động cơ chính của H3 bị ngắt sau khi đếm ngược thời gian phóng về 0, và tên lửa dài 57m này vẫn ở nguyên trên bệ phóng. Cơ quan Thám hiểm Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết họ đang điều tra nguyên nhân của thất bại này.
Ảnh chụp từ trên không cho thấy một tên lửa H3 mang theo vệ tinh quan sát mặt đất không thể cất cánh sau khi động cơ bị hỏng. Ảnh chụp tại Trung tâm vũ trụ Tanegashima ở tỉnh Kagoshima, Tây Nam Nhật Bản ngày 17-2. Ảnh: Kyodo |
Nhật Bản chế tạo H3 để tăng cường khả năng tiếp cận không gian độc lập và củng cố cơ hội giành được thị phần lớn hơn trên thị trường toàn cầu từ các đối thủ, trong đó có SpaceX của Elon Musk.
Tên lửa H3 được thiết kế để đưa các vệ tinh của chính phủ và vệ tinh thương mại vào quỹ đạo và vận chuyển vật tư cho Trạm vũ trụ quốc tế. Việc phát triển tên lửa này là kết quả của hợp tác trong lĩnh vực không gian vũ trụ giữa Tokyo và Mỹ. Thành công của tên lửa H3 sẽ góp phần nâng cao khả năng tiếp cận không gian của Nhật Bản.
* Trong năm nay Nga có thể sẽ đẩy mạnh sự hiện diện của mình ở Biển Barents và Đại Tây Dương khi kéo dài thời gian triển khai tàu ngầm, theo một báo cáo mới của tình báo Na Uy.
Reuters ngày 16-2 cho biết, Cơ quan Tình báo Na Uy đã công bố báo cáo thường niên vào ngày 13-2, trong đó lưu ý rằng Nga đang chuyển hướng tập trung sang Hạm đội phương Bắc để cung cấp khả năng răn đe trong khu vực.
Nga sẽ đẩy mạnh sự hiện diện của mình ở Biển Barents và Đại Tây Dương. |
Báo cáo nêu rõ “Lực lượng hải quân của Hạm đội Phương Bắc sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tập trận định kỳ của hạm đội, các cuộc tuần tra tàu ngầm dài hơn ở Biển Barents và các hoạt động của tàu ngầm ở Đại Tây Dương”. Theo báo cáo, việc cung cấp các tàu ngầm đa chức năng không tiếng ồn mới sẽ giúp tăng năng lực của hạm đội ở Biển Na Uy và Đại Tây Dương.
Hạm đội Phương Bắc có 26 tàu ngầm, 10 tàu tác chiến mặt nước, 16 tàu tuần tra và ven biển, 8 tàu tác chiến/đối phó với thủy lôi, 8 tàu đổ bộ, cùng với các máy bay chiến đấu, máy bay chống ngầm và hệ thống phòng không.
Còn theo Bộ Quốc phòng Nga, hạm đội có có sự phục vụ của 6 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và một chiếc đang được sửa chữa trong khi 3 chiếc khác đang trong quá trình đóng. Ngoài ra còn có 4 tàu ngầm tên lửa hành trình và 3 chiếc đang được đóng.
* Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên ngày 17-2 đe dọa sẽ có “những phản ứng mạnh mẽ, liên tục chưa từng có” nếu Hàn Quốc và Mỹ thúc đẩy các cuộc tập trận quân sự theo kế hoạch, đồng thời cáo buộc Hàn Quốc và Mỹ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Trong một tuyên bố được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đăng tải, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết sẽ xem xét thêm hành động quân sự nếu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiếp tục gây sức ép lên Bình Nhưỡng.
Bộ này cho biết Triều Tiên đã "kiềm chế thực hiện bất kỳ hành động quân sự đặc biệt nào" trong năm nay ngoại trừ các hoạt động thông thường, nhưng các cuộc tập trận theo lịch trình của các đồng minh sẽ tạo ra một "vòng xoáy căng thẳng leo thang nghiêm trọng".
Tuyên bố được đưa ra chưa đầy 2 giờ sau khi Hàn Quốc thông báo các cuộc tập trận chung vào tuần tới. Bộ Quốc phòng Seoul cho biết, Hàn Quốc và Mỹ sẽ tổ chức các cuộc tập trận ở Washington trong tuần tới nhằm cải thiện hoạt động của các cơ sở hạt nhân của Mỹ và các cuộc tập trận Lá chắn Tự do (Freedom Shield) thường kỳ tại Hàn Quốc kéo dài 11 ngày trong tháng 3.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
MAI HƯƠNG (tổng hợp)