'Siêu phẩm' của Apple tiếp tục lỡ hẹn

Cuộc sống số - Ngày đăng : 14:38, 17/02/2023

Apple thông báo lùi ngày giới thiệu thiết bị đeo thực tế hỗn hợp (mixed-reality) đầu tiên của hãng cho đến Hội nghị WWDC dự kiến tổ chức tháng 6 tới đây

Thay vào đó, “Nhà Táo” hướng tới việc công bố sản phẩm tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC) được tổ chức vào tháng 6 hàng năm. Việc trì hoãn kế hoạch là do thiết bị đã gặp vấn đề về phần cứng và phần mềm trong quá trình thử nghiệm.

Sản phẩm chủ lực trong năm

Apple nghiên cứu công nghệ thực tế hỗn hợp (kết hợp giữa thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường) từ năm 2015. Năm ngoái, công ty từng lên kế hoạch ra mắt sản phẩm vào tháng 6, sau đó lùi sang đầu năm nay, trước khi tiếp tục trì hoãn ra mắt thiết bị được giới công nghệ đồn đoán đã lâu.

Thiết bị đeo thực tế hỗn hợp là dòng sản phẩm chủ lực của Apple
trong năm 2023

Thiết bị kết hợp thực tế hỗn hợp, nếu được ra mắt, sẽ trở thành danh mục sản phẩm mới và quan trọng đầu tiên kể khi công ty giới thiệu đồng hồ thông minh vào năm 2015. Đây có thể là cú hích giúp tăng trưởng doanh thu cho công ty sau đợt suy thoái gần đây, nhưng sự đón nhận của thị trường là không chắc chắn khi mức giá khởi điểm của sản phẩm dự kiến từ 3.000 USD.

Giữa bối cảnh thị trường thận trọng, thiết bị đeo này được gã khổng lồ iPhone xác định là trung tâm của dòng sản phẩm mới trong năm nay. Apple đã giới thiệu Macbook Air lớn hơn, Mac Pro mới và các bản cập nhật cho iPhone, nhưng không có thay đổi đáng kể nào đối với các sản phẩm như smartwatch, AirPods và iPad.

Đi kèm với thiết bị đeo thực tế hỗn hợp là hệ điều hành có tên nội bộ xrOS, với giao diện giống như 3D của giao diện iPhone, cùng các ứng dụng hoàn chỉnh gồm Tin nhắn, Email, trình duyệt Safari và TV. Người dùng có thể sử dụng thiết bị để livestream hay tổ chức các cuộc họp trực tuyến sống động hơn, với hình đại diện chân thực. Ngoài ra, sản phẩm sẽ có cửa hàng ứng dụng riêng, tương tự như các sản phẩm cốt lõi khác của Apple.

Nối tiếp sự thành công của Apple Watch

Bản thân thiết bị này là sự kết hợp giữa những linh kiện phức tạp và tốn kém để phát triển, chẳng hạn như con chip M2, cặp kính hiển thị thực tế ảo độ phân giải 4K và một loạt camera kích hoạt thực tế tăng cường.

Apple đang rất thận trọng với sản phẩm của mình.

Không chỉ vậy, việc xây dựng giao diện cho sản phẩm không hề dễ dàng. Người dùng sẽ điều khiển ánh mắt lựa chọn từng mục, sau đó dùng thao tác chụm ngón tay để khởi chạy ứng dụng. Những động tác vốn chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng này sẽ cần thêm thời gian hoàn thiện.

Với mong muốn mang lại trải nghiệm “nuột nà” nhất, Apple đang sửa chữa các vấn đề với cảm biến trên thiết bị để kích hoạt cơ chế điều khiển bằng tay và mắt. Cùng với đó là cố gắng đạt sự cân bằng giữa tuổi thọ pin và hiệu suất. Trong quá trình phát triển, công ty quyết định chuyển cục pin thành một pack bên ngoài có thể vừa vặn túi người dùng.

Nội bộ Apple có nhiều lo ngại rằng thiết bị đeo này quá đắt đỏ và sẽ chịu chung số phận với các sản phẩm của Meta Platforms. Trong khi đó, một số kỹ sư lo lắng Apple đang nhảy vào một thị trường còn non trẻ mà không sở hữu yếu tố thay đổi cuộc chơi thực sự. Những người khác thì tin rằng thiết bị này sẽ là tiền đề cho thành công trong tương lai, giống như cách Apple Watch đã thể hiện.

“Nhà Táo” đang chú ý tới một phiên bản rẻ hơn, phát hành vào đầu năm 2024. Đồng thời, Apple đã hoãn vô thời hạn việc phát triển thiết bị đeo thực tế tăng cường độc lập, sản phẩm ít cồng kềnh hơn nhưng đòi hỏi sự phức tạp vượt xa khỏi những gì sẵn có.

Thế Vinh(Theo SCMP)