Khoảnh khắc khó quên về cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979 Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 08:31, 17/02/2023
Các thiếu nữ vận chuyển lương thực, thanh niên lên đường nhập ngũ, cây cầu bị phá hủy, xe tăng của địch bị bắn hạ... là những hình ảnh hào hùng về cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979.
4h17 ngày 17/2/1979, giữa lúc nhân dân Hoàng Liên Sơn đang ngủ ngon thì bất thình lình hàng loạt đạn đại bác từ phía Bắc dội tới làm khắp biên giới bốc lửa ngùn ngụt. Hàng loạt quả đại bác thi nhau trút xuống thị xã Lào Cai, Cốc Lếu, nhằm thẳng các cơ quan, nhà máy…". Trong ảnh, người chiến sĩ cầm súng B41 bên cột mốc biên giới số 0 ở Lạng Sơn. Hình ảnh thị xã Cao Bằng bị quân Trung Quốc bắn phá tan hoang của nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường. Ngoài ông còn một số phóng viên của TTXVN đã ghi lại nhiều khoảnh khắc khó quên. Các tỉnh nằm trong vòng chiến sự gồm Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Khốc liệt nhất là từ ngày 20 đến 28/2, quân Trung Quốc điên cuồng đánh vào trận địa phòng ngự. Trong ảnh, cầu Sông Bằng bị phá hủy. Ảnh: Trần Mạnh Thường. Trong cuộc chiến này, quân Trung Quốc đã sử dụng rất nhiều mìn trong đó có loại mìn K58, rất nhỏ, vỏ hoàn toàn bằng nhựa màu xanh lá cây, có khả năng vô hiệu hóa các máy dò mìn, đồng thời có sức sát thương rất mạnh. Trong ảnh, xác một tên địch bị hạ gục ngay trên tuyến biên giới. Ảnh: Trần Hồng. Thiếu nữ dân tộc Tày vận chuyển lương thực tiếp tế cho bộ đội ta. Bộ Quốc phòng Việt Nam gấp rút điều động các sư đoàn bộ binh quân khu từ tuyến sau lên, quân chủ lực từ chiến trường Tây Nam trở về tham chiến. Tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam trên toàn tuyến biên giới lúc này khoảng 50.000 quân, chủ yếu bộ đội địa phương, công an vũ trang và dân quân tự vệ. Trong ảnh, bộ đội hành quân Cao Bằng ngày 25/2/1979.
Hàng hóa được vận chuyển lên biên giới phía Bắc. Các chiến sĩ Trung đoàn 567 cùng Đồn biên phòng Tà Lùng, Quảng Hòa xung phong tiêu diệt địch tại đèo Khu Chỉa, Phục Hòa (Cao Bằng) ngày 27/2/1979. Ảnh: Trần Mạnh Thường. Thanh niên đăng ký lên đường nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc. Xác xe tăng Trung Quốc bị bắn hạ sáng 18/02/1979 tại khu vực cầu treo phố Cao Bình nối với xã Hoàng Tung, Hòa An (Cao Bằng). Ông Nông Văn Ất ở xã Hưng Đạo (Cao Bằng) bật khóc khi trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài về cái chết của vợ con. Chị Nguyễn Thị Hải, vợ ông đang mang bầu 6 tháng cùng bốn con, lớn nhất 10 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi đều bị giết chết rồi ném xuống giếng. Ảnh: Trần Mạnh Thường. Nữ chiến sĩ Bùi Thị Mùi (Thanh Ba, Phú Thọ) bế bé gái trên cầu Tài Hồ Sìn, xã Bạch Đằng, huyện Hòa An (Cao Bằng) ngày 24/2/1979. Ảnh: Trần Mạnh Thường. Chiến sĩ xe tăng Trung đội 1, Đại đội 2, Đoàn 407 truy kích quân địch ở thị xã Lạng Sơn. Ảnh: Thế Thuần. Chiến sĩ biên phòng Ngô Duy Nhung cứu sống kịp thời cháu bé từ trong đống đổ nát. Ảnh: Ngô Đình Phước. Một chiến sĩ bộ đội bắt giữ tù binh Trung Quốc. Súng chống tăng, đạn B41, súng trung liên, đại liên của địch bị bộ đội ta thu được. Rạng sáng 17/2/1979, hơn 500.000 quân Trung Quốc cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới đồng loạt tấn công 6 tỉnh phía Bắc từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) trên chiều dài 1.200 km. Cánh phía đông có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Nam Ninh (Trung Quốc) với mục tiêu chính là Lạng Sơn. Quân địch tiến theo hai hướng song song, hướng thứ nhất đánh vào Đồng Đăng, hướng thứ hai tiến về Đông Khê và Cao Bằng. Chúng đã vấp phải sự chống trả kiên cường, mãnh liệt của quân và dân ta.