Xử nghiêm vi phạm của công chức, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu

Nhịp sống - Ngày đăng : 15:05, 16/02/2023

Bộ trưởng Nội vụ khẳng định sẽ tăng cường thanh tra công vụ để chấn chỉnh, đề nghị xử nghiêm minh, kịp thời những vi phạm của công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác, thôi việc, nghỉ hưu.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký công văn trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Xử lý nghiêm minh, kịp thời vi phạm của công chức, viên chức

Về vấn đề liên quan đến nâng cao năng lực và đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, Bộ trưởng Nội vụ cho biết đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản nhằm tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, nhiệm vụ và đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang triển khai xây dựng nghị định của Chính phủ ban hành Bộ quy tắc về đạo đức công vụ và triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến việc nâng cao đạo đức, tinh thần, bản lĩnh, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức.

"Đồng thời tăng cường thanh tra công vụ để chấn chỉnh, đề nghị xử lý nghiêm minh, kịp thời những vi phạm của công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc thôi việc, nghỉ hưu. Đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ theo vị trí việc làm, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức", Bộ trưởng Nội vụ cho hay.

Xử nghiêm vi phạm của công chức, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu - 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Phạm Thắng).

Ngoài ra, để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030 và Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2022 - 2025.

Đối với kiến nghị nâng cao chất lượng quản lý, hoạch định chính sách phù hợp với trí thức, Bộ Nội vụ cho biết đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn thiện Đề án chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030.

Đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng 

Bộ Nội vụ khẳng định việc tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của cử tri luôn được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, trong đó các kiến nghị của cử tri là chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo đều được Bộ này quan tâm nghiên cứu tiếp thu, xem xét, giải quyết kịp thời, thỏa đáng.

Để nắm bắt kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri là chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo, Bộ Nội vụ đã chủ động xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri trước các kỳ họp Quốc hội và tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri để lắng nghe những kiến nghị, nguyện vọng của cử tri tại cơ sở, cũng như thông tin về kết quả các kỳ họp Quốc hội.

Bộ Nội vụ đã kịp thời chỉ đạo, phân công, giao trách nhiệm cho Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri bảo đảm theo quy định của pháp luật.

"Những nội dung liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo mà cử tri đề nghị thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ đều được tham mưu giải quyết ngay, không để tồn đọng, kéo dài đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, bảo đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, góp phần ổn định tình hình tín ngưỡng, tôn giáo", Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Theo Bộ Nội vụ, tôn trọng và bảm đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân luôn là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, không những được nêu rõ ở những quan điểm, chủ trương, Hiến pháp, luật và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác mà còn được bảo đảm thực hiện trên thực tế.

Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, trong đó tập trung giải quyết các kiến nghị của cử tri là các chức sắc tôn giáo nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân.

Thế Kha