Tiền Giang có hàng trăm nhân viên y tế nghỉ việc trong 5 năm
Tin Y tế - Ngày đăng : 09:48, 16/02/2023
Theo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, trong 5 năm qua (từ năm 2018 đến năm 2022), số lượng nhân viên y tế nghỉ việc vẫn gia tăng. Tổng số nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nghỉ việc là 367 người. Cụ thể, năm 2018, 2019, 2020, 2021 và 2022 lần lượt có tổng số nhân viên ngành y tế xin nghỉ việc là 58 người, 72 người, 51 người, 68 người và 118 người.
Trả lời Báo Lao Động, ngày 15.2, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang có văn bản thông tin, nguyên nhân nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc thời gian qua chủ yếu là do áp lực công việc, môi trường làm việc có nguy cơ nhiễm bệnh cao nên ảnh hưởng lớn đến tâm lý, động lực làm việc của nhân viên y tế. Bên cạnh đó, thu nhập thấp, chỉ gồm lương và phụ cấp ưu đãi nghề, không bảo đảm được nhu cầu của cuộc sống hàng ngày.
Ngoài ra, hoàn cảnh gia đình, do phải trực ngày/đêm, làm việc xa nhà, không có thời gian lo cho gia đình, con cái… Đồng thời, chính sách thu hút, hỗ trợ nhân viên y tế chưa đủ mạnh, chưa tạo được động lực để giữ chân nhân lực y tế và chưa đủ thu hút để nhân viên y tế trẻ, có trình độ và năng lực đăng ký tuyển dụng tham gia làm việc tại đơn vị dẫn đến việc cán bộ viên chức ngành y tế xin ra các cơ sở y tế tư nhân hoặc bỏ nghề sang làm công nhân, làm việc khác vừa có thu nhập cao, vừa có thời gian chăm lo cho gia đình.
Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cũng thông tin, trong 3 năm (2020-2022) thực hiện Nghị quyết số 02/2019 của HĐND tỉnh Tiền Giang, đã thu hút được 71 bác sĩ. Trong đó, thu hút được 1 bác sĩ chuyên khoa I cho tuyến tỉnh và tuyến huyện. Tuyến xã hiện tại chưa thu hút được người. Nguyên nhân do nguồn bác sĩ còn thiếu, nhu cầu bác sĩ cho tuyến tỉnh và huyện vẫn còn cao. Lượng bác sĩ thu hút chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho cả 2 tuyến này nên không đủ nguồn cho tuyến xã.
Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cũng thông tin thêm: Từ khi HĐND tỉnh Tiền Giang ban hành Nghị quyết số 02/2019 và Nghị quyết số 22/2022 đến nay cơ bản đã thu hút được nguồn bác sĩ cho ngành y tế của tỉnh. Tuy nhiên, do áp lực công việc, môi trường làm việc, thu nhập thấp cùng nhiều nguyên nhân khác nên đã không giữ được các bác sĩ gắn bó lâu dài. Một số trường hợp chấp nhận bồi hoàn kinh phí đào tạo (gấp 3 lần chi phí đào tạo) để tìm vị trí mới phù hợp hơn.
Theo Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND, ngày 10.12.2022 của HĐND tỉnh Tiền Giang, người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành y nếu về công tác tại các cơ sở công lập thuộc tuyến huyện được hỗ trợ 50 triệu đồng và về công tác tại cơ sở công lập thuộc tuyến xã được hỗ trợ 80 triệu đồng; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I nếu về công tác tại các cơ sở công lập thuộc tuyến huyện được hỗ trợ 70 triệu đồng và về công tác tại cơ sở công lập thuộc tuyến xã được hỗ trợ 100 triệu đồng.
Trước đó, ngày 19.4.2019 HĐND tỉnh Tiền Giang cũng đã ban hành Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ để thu hút nhân lực về công tác tại tỉnh Tiền Giang. Theo đó, người có chuyên môn ngành y có học hàm, học vị là Giáo sư - Tiến sĩ được hỗ trợ một lần 400 triệu đồng; Phó Giáo sư - Tiến sĩ được hỗ trợ một lần 350 triệu đồng; Tiến sĩ/Bác sĩ chuyên khoa II được hỗ trợ một lần 300 triệu đồng; Thạc sĩ/Bác sĩ chuyên khoa I được hỗ trợ một lần 250 triệu đồng; Đại học chuyên ngành y được hỗ trợ kinh phí một lần 200 triệu đồng. Người có học hàm, học vị trên mà công tác tại các đơn vị bộ phận chuyên ngành hiếm theo quy định của Bộ Y tế thì được hỗ trợ thêm 50 triệu đồng. Những người có học hàm, học vị trên mà tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận thì được hỗ trợ thêm 100 triệu đồng.