Chuyên gia cổ vật: 6 triệu euro mua ấn vàng Hoàng đế chi bảo không phải cao
Dòng chảy - Ngày đăng : 08:56, 15/02/2023
Cổ vật liên quan đến Hoàng gia và triều đình nhà Nguyễn có giá trị đấu giá rất cao
Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ, đồng hành từ các cơ quan văn hóa, ngoại giao của Việt Nam, ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Từ Sơn, Bắc Ninh), Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh, đồng thời cũng là một doanh nhân lớn của tỉnh này đã mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" với giá hơn 6,1 triệu euro.
Liên quan đến sự kiện này, trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu - Sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chia sẻ: "6,1 triệu euro là số tiền khá lớn. Tuy nhiên, nó rất xứng đáng với một chiếc ấn vàng thuộc loại lớn nhất, đẹp nhất và là tài sản vô giá, có giá trị lịch sử, văn hóa; là tư liệu hiện vật phản ánh các hoạt động công quyền, chính sự quan trọng của đất nước trong suốt một giai đoạn lịch sử Việt Nam".
Vị Phó Trưởng phòng Nghiên cứu - Sưu tầm cũng cho biết, ông không bất ngờ về số tiền cuối cùng mà phái đoàn làm việc cùng ông Hồng đã chốt mua. Bởi những hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa và gắn với những nhân vật, sự kiện quan trọng, khi đem ra đấu giá thì giá trị bao giờ cũng tăng với tốc độ phi mã.
Cổ vật Việt Nam có liên quan đến Hoàng gia và triều đình nhà Nguyễn gần đây có giá trị đấu giá rất cao. Cụ thể vào năm 2010, nhà đấu giá Millon & Associes tại Drouot, Paris (Pháp) đã tổ chức đấu giá bức tranh sơn dầu "Chiều tà" của vua Hàm Nghi, giá khởi điểm chỉ là 1.000 euro, nhưng cuối cùng được bán với giá 8.800 euro (gấp gần 9 lần).
Chiếc xe vua Thành Thái tặng Thái hậu Từ Minh (Ảnh: Đại Dương).
Ngày 13/6/2014, chiếc xe kéo của vua Thành Thái tặng Thái hậu Từ Minh, cùng với long sàng được đưa ra bán đấu giá tại Chateau de Cheverny - Pháp. Giá khởi điểm của nhà đấu giá Rouillac đưa ra là 1.000 Euro, nhưng sau cùng tỉnh Thừa Thiên Huế phải mua với giá 55.800 euro (gấp gần 60 lần).
Gần đây, vào tối 28/10/2021, tại nhà đấu giá Invaluable ở Barcelona (Tây Ban Nha), 2 cổ vật triều Nguyễn - mũ quan và áo Nhật Bình được đem ra đấu giá với giá khởi điểm chỉ 600 euro, nhưng giá gõ búa cuối cùng lại lên tới 600.000 euro, cao gấp 100 lần mức giá ban đầu.
Đối với cổ vật nước ngoài, đặc biệt những hiện vật liên quan đến vua Càn Long và Hoàng gia nhà Thanh, giá bán đấu giá bao giờ cũng rất cao.
Năm 2004, tại Hong Kong, chiếc ấn ngọc "Kỷ Ân đường", chạm khắc năm 1766, dù bị cháy xém nhưng vẫn được hãng đấu giá Sotheby's ra giá ở mức ban đầu là 1,78 triệu USD. Đến năm 2021, chiếc ấn này đã được đấu giá lên ngưỡng 18,5 triệu USD.
Ngày 29/4/2022, cũng tại Hong Kong, nhà đấu giá Sotheby's đã cho đấu giá thành công chiếc ấn "Càn Long ngự lãm chi bảo" (làm bằng đá ngọc phù dung màu trắng, chạm khắc hình sư tử, luôn được vua Càn Long dùng để đóng trên các tác phẩm) với mức giá kỷ lục là 19,5 triệu USD.
Chiếc ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được niêm yết giá khởi điểm từ 2 đến 3 triệu euro. Tuy nhiên, cuối cùng Việt Nam đã đàm phán được con số là hơn 6 triệu euro.
Lộ trình hồi hương ấn vàng
Là một trong những người tham gia xây dựng phương án đưa ấn "Hoàng đế chi bảo" hồi hương, ông Nguyễn Ngọc Chất cho biết, trước đó, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn ở Huế đã trực tiếp thông tin về vụ đấu giá ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" tới TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã báo cáo lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT & DL và nhấn mạnh: Đây là bảo vật có giá trị lịch sử quan trọng, là một trong 2 hiện vật (cùng với thanh bảo kiếm của vua cha Khải Định (1916 - 1925) trao lại cho Bảo Đại) mang tính biểu trưng được cựu hoàng Bảo Đại bàn giao cho đại diện Chính quyền Cách mạng Việt Nam trong buổi lễ thoái vị diễn ra vào ngày 30/8/1945 tại lầu Ngũ Phụng, Ngọ Môn Huế.
Bộ VHTT&DL sau đó yêu cầu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia điều tra, khảo sát, rà soát lại toàn bộ hồ sơ liên quan đến ấn kiếm này, so sánh với bộ kim ấn triều Nguyễn hiện đang lưu giữ trong bảo tàng để xác định giá trị, tính xác thực và xây dựng phương án sưu tầm hồi hương cổ vật này.
Qua các tư liệu, đối sánh với các ấn "Sắc mệnh chi bảo", "Hoàng đế tôn thân chi bảo" - những ấn có cùng loại hình rồng cuốn, có kích thước, trọng lượng và niên đại chế tác tương đồng, ông Chất đã xây dựng phương án sưu tầm và cung cấp thông tin để xác định tính chân xác của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo". Trên cơ sở đó, ông trình Ban Giám đốc Bảo tàng, báo cáo lãnh đạo Bộ VHTT&DL để làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, phái đoàn công tác của Bộ VHTT&DL và các ban ngành, chuyên gia sau đó đã sang Pháp đàm phán, thương lượng để hổi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".
"Thời điểm đó, bằng các nguồn tin riêng, tôi được biết có những cá nhân người nước ngoài đã mặc cả với nhà đấu giá Millon (không qua đấu giá) con số hơn 7 triệu euro để mua trực tiếp chiếc ấn này rồi. Vậy nên để đạt được con số 6,1 triệu euro là sự tham gia của cả hệ thống gồm Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ VHTT&DL. Ông Hồng khi đó là người đứng ra bỏ chi phí, ký kết hợp đồng", ông Chất cho hay.
Cũng theo ông Chất, nếu chỉ một cá nhân đứng ra thì sẽ không có khả năng mua được ấn cổ và hồi hương về nước. Lý do là bởi, nếu ấn cổ đưa ra đấu giá thì giá sẽ bị đẩy lên rất cao và nhiều người tranh giành.
Do vậy, sau khi xác định chủ trương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là bảo vật của Việt Nam, nhất định phải hồi hương, trong phương án của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã vạch ra lộ trình gồm 3 bước:
Thông qua con đường ngoại giao, Bộ VHTT&DL phối hợp với Bộ Ngoại giao, nhất là Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp can thiệp/kết nối để xác minh tính chân xác của cổ vật, đồng thời ngăn cuộc đấu giá kim ấn "Hoàng đế chi bảo" không diễn ra hoặc lùi lại thời gian để phía Việt Nam chuẩn bị các tư liệu, thủ tục hồ sơ pháp lý, các nguồn lực tài chính... thực hiện sưu tầm.
Huy động nguồn lực tài chính của Nhà nước kết hợp với nguồn lực xã hội hóa từ các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tiến hành thương lượng với chủ sở hữu hợp pháp và nhà đấu giá Millon để có thể mua lại với mức giá hợp lý nhất. Trường hợp không thể thương lượng thì cũng chủ động đấu giá thành công.
Song song với quá trình chuẩn bị để trực tiếp thương lượng hoặc đấu giá tại Pháp, cần thúc đẩy truyền thông, kêu gọi các tổ chức, cá nhân nước ngoài hiểu biết rõ về giá trị, ý nghĩa của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của Việt Nam. Từ đó tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình và ưu tiên từ các cá nhân, tổ chức nước ngoài cho Chính phủ Việt Nam được thương lượng hoặc đấu giá thành công ấn vàng với mức giá hợp lý nhất.
"Hoàng đế chi bảo" bao giờ cũng đứng đầu danh sách
Cũng theo chuyên gia này, trước ông Nguyễn Thế Hồng, cũng đã có một số trường hợp tư nhân bỏ tiền để hồi hương cổ vật về nước, nhưng không nhiều. Việc các tư nhân tham gia hồi hương cổ vật về nước là rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, các cổ vật đã được đưa về nước sẽ có những quy định về quản lý. Cụ thể, Bộ VHTT&DL đã có Thông tư quy định cụ thể các loại hình di vật, cổ vật nghiêm cấm không được mang từ Việt Nam ra nước ngoài, ngoại trừ những loại hình di vật, cổ vật được phép đưa ra nước ngoài để phục vụ trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản.
"Không có cổ vật nào được đưa ra nước ngoài nếu không có sự đồng ý của các cơ quan quản lý Nhà nước", ông Chất nói.
Theo ông Chất, Nhà nước luôn khuyến khích việc người dân tham gia mua, đấu giá các cổ vật quý, có giá trị lịch sử, văn hóa từ nước ngoài về nước. Khi đã được hồi hương, tư nhân nên đăng ký cổ vật đó với sở văn hóa tại nơi cư trú để xác định quyền sở hữu, thuận lợi cho việc lưu giữ và trưng bày, phát huy.
Đối với những cổ vật quý, có giá trị đặc biệt, sau khi đăng ký xong thì nên làm hồ sơ công nhận Bảo vật quốc gia. Trên cơ sở đó, sẽ thuận lợi hơn cho việc theo dõi, quản lý các loại hình di vật, cổ vật có giá trị, tránh việc "chảy máu", thất lạc cổ vật thêm một lần nữa. Tư nhân khi đã đăng ký cổ vật, xác định quyền sở hữu sẽ có quyền trao đi đổi lại trong nước nhưng không bao giờ đưa ra được nước ngoài.
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là một trong những chiếc ấn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các Hoàng đế và triều đình nhà Nguyễn. Ấn chỉ được dùng trong các dịp đặc biệt hoặc đóng lên các văn thư trao đổi với ngoại quốc. Ngay như trong việc sử dụng các kim bảo, ngọc bài, bảo kiếm quan trọng mang theo nhà vua trong lễ tế Nam giao, thì ấn "Hoàng đế chi bảo" bao giờ cũng đứng đầu danh sách.
Chính bởi vậy, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định (1916 - 1925) trao lại cho ông, để bàn giao cho Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều này càng chứng minh rõ nét hơn giá trị và tính xác thực, tính quốc gia/truyền quốc của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".
Chính vì vậy, ông Chất cho rằng, việc sưu tầm hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là hết sức cấp thiết, đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa Việt Nam. Hiện vật sau khi được hồi hương cần được xử lý bảo quản và phát huy giá trị khoa học, thiết thực, hiệu quả.
"Có thể tổ chức sự kiện, triển lãm, trưng bày kim ấn, như trưng bày chuyên đề dành riêng cho kim ấn "Hoàng đế chi bảo" hoặc kết hợp với các hiện vật được hồi hương thành công khác; hoặc kết hợp cùng với các Kim Ngọc Bảo Tỷ của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề.
Trong quá trình trưng bày, ngoài việc bán vé, có thể kêu gọi tài trợ, công đức gây quỹ để bù đắp cho chi phí hồi hương kim ấn "Hoàng đế chi bảo", đồng thời cũng có thể chuẩn bị cho nguồn "quỹ di sản" để có thể chủ động trong việc hồi hương cổ vật Việt Nam đang bị lưu lạc ở nước ngoài, ông Chất nêu quan điểm.
Phạm Hồng Hạnh
15/02/2023