Áp dụng camera giám sát, phạt nguội, xe máy không dám vượt đèn đỏ
Nhịp sống - Ngày đăng : 08:54, 15/02/2023
Báo cáo của Uỷ ban ATGT quốc gia cho thấy, trong năm 2022, cả nước xử lý hơn 2,8 triệu trường hợp vi phạm ATGT đường bộ trong đó có nguyên nhân do vi phạm làn đường, phần đường và chạy quá tốc độ quy định.
Còn tại Hà Nội, theo Sở GTVT, trong năm 2022 địa phương này xảy ra 812 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 410 người chết, 574 người bị thương.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu UBNTP Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT và lực lượng công an phối hợp xử lý nghiêm, có giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng người đi xe mô tô, xe gắn máy vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, sử dụng rượu bia khi lái xe nhằm kéo giảm TNGT khi tình trạng này đang diễn ra ngày càng phức tạp ở Thủ đô.
Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề này, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, hiện nay mô tô, xe máy là phương tiện tham gia giao thông đông đảo nhất.
Nhóm phương tiện này cũng có nguy cơ gây TNGT lớn nhất, số TNGT gặp lớn nhất. Số lượng vi phạm ở nhóm phương tiện này cũng lớn nhất.
Theo ông Hùng, ở đâu cũng có một bộ phận người dân không tuân thủ, thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Những người này thường không chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, thậm chí không tuân thủ những hiệu lệnh của lực lượng chức năng hay hệ thống báo hiệu đường bộ. Tại Hà Nội, điển hình hiện tượng một bộ phận người dân đi vào đường cấm, đi xe máy vào đại lộ Thăng Long, đi xe đạp vào đường Võ Nguyễn Giáp, vượt đèn đỏ, không chấp hành về dừng đỗ xe…
“Những vấn đề này ở đâu cũng có, Hà Nội cũng có, TP.HCM cũng xảy ra nhưng ở Hà Nội luôn luôn được nhắc đến với mong muốn đã là Thủ đô thì văn hoá giao thông phải tốt hơn, vi phạm ít hơn.
Nhưng có thực tế, số lượng phương tiện tham gia giao thông ở Hà Nội đông thì số vụ vi phạm cũng nhiều lên...”, ông Khuất Việt Hùng nhìn nhận.
Theo Phó chủ tịch Uỷ ban ATGT quốc gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, là một bộ phận người tham gia giao thông thiếu ý thức. Thứ hai, công tác tuyên truyền chưa tốt dù có chuyển biến.
Thứ ba công tác tuần tra phát hiện xử phạt vi phạm còn chưa triệt để. Mặc dù lực lượng CSGT ở Hà Nội đông nhất cả nước nhưng ít nhất trong giai đoạn hiện nay cũng khó khăn để có thể bao quát được hết địa bàn, trong mọi thời điểm. Đặc biệt trong thời gian cao điểm, việc tổ chức dừng xe, xử phạt vi phạm cũng chứa đựng những nguy cơ dẫn đến ùn tắc giao thông.
Thứ tư, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát, phát hiện xử lý vi phạm tại Hà Nội đã có triển khai nhưng còn hết sức hạn chế so với mức độ, mật độ tham gia giao thông và số lượng hành vi vi phạm.
Để giải quyết triệt để những tồn tại nêu trên, ông Khuất Việt Hùng cho rằng Hà Nội cần tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn người dân để họ nắm được, chấp hành các quy định của pháp luật, tuân thủ hiệu lệnh của lực lượng tuần tra giao thông, các biển báo hiệu đường bộ. Trong đó, chú ý đến nhóm đối tượng học sinh, sinh viên.
Song song với đó, Thủ đô cũng cần phải đẩy mạnh phát triển vận tải công cộng đồng thời nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng.
“Vì có những thời điểm đường tắc người dân phải đi lên vỉa hè, hoặc khi tắc khúc trên thì người dân buộc phải đi ngược chiều để đi sang chỗ khác, thậm chí vượt đèn đỏ”, ông Khuất Việt Hùng dẫn chứng.
Phó chủ tịch Uỷ ban ATGT quốc gia cho rằng, các cơ quan chức năng của Hà Nội cần phải tăng cường xử lý vi phạm. Nhất là đối với nhóm tuổi học sinh (kết hợp các biện pháp xử lý trong trường học, thậm chí xử phạt vi phạm hành chính nếu trẻ đủ tuổi áp dụng). Đặc biệt, với nhóm này có thể xử lý với người giám hộ (cha mẹ trẻ vi phạm an toàn giao thông).
Nhấn mạnh thêm, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, cần đẩy mạnh ứng dụng hệ thống camera giám sát, tiếp tục nâng cấp phần mềm, mức độ thông minh của hệ thống camera giám sát.
“Cần đẩy mạnh phát triển hệ thống camera giám sát để phát hiện, xử lý vi phạm đối với người tham gia giao thông không chỉ với ô tô mà nên áp dụng đối với cả xe máy.
Hiện nay chúng ta đã tập trung giám sát qua camera đối với xe ô tô. Bây giờ, nếu hệ thống camera giám sát mà xử lý vi phạm (phạt nguội - PV) đối với mô tô, xe máy thì như thế nào?.
Đây là vấn đề mà chúng ta cần hết sức quan tâm, nhằm đẩy mạnh năng lực, nâng cao công nghệ đối với nhóm đi mô tô, xe máy để phát hiện, xử lý vi phạm”, ông Khuất Việt Hùng bày tỏ.