Cưỡng chế di dời người dân vùng lòng hồ dự án thủy lợi nghìn tỷ đồng
Nhịp sống - Ngày đăng : 19:12, 14/02/2023
Ngày 14/2, UBND huyện M'Đrắk, huyện Ea Kar phối hợp cùng Công an tỉnh Đắk Lắk, các đơn vị liên quan cưỡng chế di dời các hộ dân tại khu vực lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng tại xã Cư San (huyện M'Đrắk).
Các hộ dân được di dời đến khu vực tái định cư mới tại khu tái định cư số 2 của dự án (huyện Ea Kar).
Quá trình thực hiện cưỡng chế thuận lợi, tình hình an ninh trật tự tại địa bàn được đảm bảo.
Theo một lãnh đạo UBND huyện M'Đrắk, việc chặn dòng tích nước hồ chứa nước Krông Pách Thượng sẽ được các chủ đầu tư dự án triển khai vào đầu tháng 3 tới nên công tác di dời, bố trí tái định cư cho khoảng 480 hộ dân còn lại ở xã Cư San phải khẩn trương.
Cũng theo vị lãnh đạo này, bước đầu, qua vận động tuyên truyền, nhiều hộ dân đã tự nguyện di dời theo quy định. Hiện tại, còn khoảng 400 hộ dân tại khu vực lòng hồ sẽ tiếp tục được di dời để đảm bảo kế hoạch tích nước đúng quy định. Những hộ dân nào không chịu thực hiện thì buộc phải cưỡng chế.
Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) về kế hoạch và biện pháp thi công chặn dòng chi tiết để Bộ hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai công tác chặn dòng tích nước đảm bảo an toàn, đúng quy định.
Qua đó, phía tỉnh Đắk Lắk nỗ lực hoàn thành giải phóng mặt bằng theo tiến độ thi công và quá trình dâng nước trong lòng hồ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khu vực lòng hồ.
Tỉnh giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh chủ động phối hợp với UBND các huyện M'Đrắk, Ea Kar, Krông Bông và các Sở, ngành liên quan đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư của dự án.
Dự án hồ thủy lợi Krông Pách Thượng có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, do Bộ NN-PTNT phê duyệt chủ trương đầu tư. Đến tháng 12/2018, dự án này đội vốn lên 4.400 tỷ đồng.
Dự án khởi công từ năm 2009, nhằm cung cấp nước tưới cho khoảng 15.000ha đất nông nghiệp tại các huyện phía Đông tỉnh Đắk Lắk. Hiện dự án được Chính phủ gia hạn đến hết năm 2023.